+
Aa
-
like
comment

Trung Quốc tò mò về tiêm kích thế hệ 6 Mỹ

09/03/2021 11:52

Chuyên gia hàng không Trung Quốc theo dõi sát sao mọi thông tin về tiêm kích thế hệ 6 của Mỹ để phát triển chiến đấu cơ tương ứng.

Thông tin được các nhà thiết kế máy bay Trung Quốc quan tâm hàng đầu hiện nay là về chương trình Tiêm kích Bầu trời Thế hệ mới (NGAD) do các đồng nghiệp Mỹ đang tiến hành, một nguồn tin trong quân đội nước này ngày 8/3 cho biết.

Nếu được triển khai, NGAD sẽ tạo ra mạng lưới tiêm kích, cảm biến và vũ khí thế hệ mới, trong đó tiêm kích có người lái thế hệ 6 sẽ song hành tác chiến cùng máy bay không người lái, thay vì một nền tảng hoặc công nghệ máy bay đơn lẻ.

Mỹ đã công bố hai chương trình máy bay thế hệ 6 gồm NGAD cho không quân và F/A-XX cho hải quân. Chương trình F/A-XX nhằm phát triển tiêm kích hạm mới nhằm bổ sung và thay thế cho mẫu F/A-18E/F đang được vận hành trên các tàu sân bay Mỹ.

Mô phỏng tiêm kích thế hệ thứ 6 cfuar Mỹ. Đồ họa: Northrop Grumman.
Mô phỏng tiêm kích thế hệ thứ 6 của Mỹ.

Hồi tháng 9/2020, không quân Mỹ cho biết đã tổ chức bay thử mô hình máy bay thuộc chương trình NGAD. Đây là một trong hai mẫu tiêm kích thế hệ thứ 6 được Mỹ phát triển nhằm duy trì lợi thế của không quân nước này.

Nguồn tin cho biết Trung Quốc cũng đã lên kế hoạch phát triển một loại máy bay thế hệ mới, nhưng hiện mới chỉ có phiên bản “nền tảng” dành riêng cho không quân. “Việc thiếu các tiêu chuẩn đối chiếu và thông số liên quan làm dấy lên nghi ngờ về tiến độ phát triển của mẫu máy bay nền tảng này”, nguồn tin cho biết.

Thông tin về NGAD được bất kỳ đồng nghiệp Mỹ nào cung cấp cũng được cho là sẽ phục vụ lợi ích của các nhà thiết kế Trung Quốc trong nỗ lực thúc đẩy chương trình tiêm kích thế hệ mới.

Chu Thần Minh, chuyên gia quân sự tại Bắc Kinh, cho biết các nhà thiết kế máy bay Trung Quốc sẽ theo dõi sát sao nỗ lực tăng tốc phát triển tiêm kích NGAD của Mỹ.

“Trước khi vạch phương hướng phát triển máy bay mới, các nhà thiết kế Trung Quốc nên làm rõ thông số của máy bay đối thủ, đặc biệt là tiêm kích Mỹ, bao gồm phạm vi tác chiến, tốc độ, độ cao và các khả năng không chiến khác để tham khảo”, ông Chu nói.

Chuyên gia này nhận định Trung Quốc phát triển tiêm kích tàng hình thế hệ thứ năm J-20 “một cách suôn sẻ” do thiết kế của mẫu máy bay này dựa trên tiêm kích F-22 Mỹ. F-22 được biên chế năm 2005, trong khi J-20 của Trung Quốc ra mắt năm 2011 và được quân đội vận hành từ năm 2017.

Nguyên mẫu J-20 số hiệu 2021 cất cánh trong buổi thử nghiệm cuối năm 2020. Ảnh: Weibo.
Nguyên mẫu J-20 số hiệu 2021 cất cánh trong buổi thử nghiệm cuối năm 2020.

Tuy nhiên, Trung Quốc chưa sản xuất được động cơ WS-15 dành riêng cho J-20, vẫn phải sử dụng động cơ AL-31F của Nga và mẫu WS-10C nội địa vốn được dùng cho tiêm kích thế hệ 4. “Các vấn đề về thiết kế động cơ sẽ tiếp tục kìm hãm Trung Quốc trong chương trình phát triển máy bay thế hệ tiếp theo của nước này”, Steve Burgess, chuyên gia máy bay thuộc Đại học Chiến tranh Không quân Mỹ, cho biết.

Ngoài Mỹ và Trung Quốc, một số quốc gia khác đang phát triển tiêm kích thế hệ thứ 6. Nga thông báo hai tập đoàn MiG và Sukhoi hợp tác phát triển mẫu tiêm kích đánh chặn MiG-41 theo chương trình PAK DP. Các nước Tây Âu cũng đang triển khai chương trình máy bay thế hệ mới gồm Hệ thống Chiến đấu Trên không Tương lai và tiêm kích Tempest.

(Theo SCMP)

Bài mới
Đọc nhiều