+
Aa
-
like
comment

Trung Quốc thay đổi yêu sách chủ quyền trên Biển Đông, hy vọng hay ảo vọng?

15/10/2020 06:10

“Đây là lúc Trung Quốc cần từ bỏ đường 9 đoạn. Điều này không ảnh hưởng gì đến lợi ích của họ…”, TS Li Nan, nghiên cứu viên tại Viện Nghiên cứu Đông Á (EAI) nhấn mạnh.

Ý kiến của ông Li Nan, chuyên gia về Trung Quốc tại Viện nghiên cứu Đông Á, Đại học Quốc gia Singapore (NUS) tại buổi hội thảo trực tuyến ngày 18/9 nổi lên 3 vấn đề đáng chú ý.

Trung Quốc cần từ bỏ yêu sách

Một, quan điểm khá rõ ràng, dứt khoát: Trung Quốc cần (không phải nên) từ bỏ yêu sách đường 9 đoạn. Đây không còn là ý kiến của một học giả mà thể hiện một xu thế. Dư luận, pháp lý và trên thực địa đã nảy sinh những va chạm liên quan đến yêu sách này của Trung Quốc trên Biển Đông.

Nhiều nước mong muốn Trung Quốc từ bỏ yêu sách chủ quyền không có cơ sở pháp lý. Gần đây, có một “cuộc chiến công hàm” phản đối yêu sách chủ quyền theo đường 9 đoạn của Trung Quốc bởi thiếu cơ sở pháp lý.

Trung Quốc thay đổi yêu sách chủ quyền trên Biển Đông, hy vọng hay ảo vọng?
Trung Quốc đẩy mạnh quân sự hóa Biển Đông. Ảnh: 81.cn

Hơn 80 tổ chức, hội đoàn tại châu Âu, Canada, Australia, Mỹ và Nhật Bản đã gửi thư đến 3 ngoại trưởng của Anh, Nhật Bản, Ấn Độ, kêu gọi họ lên tiếng bác bỏ yêu sách của Trung Quốc tại Biển Đông. Áp lực quốc tế có xu hướng gia tăng, cộng hưởng với những thách thức, hậu quả từ đường chín đoạn đến mức nhà nghiên cứu Li Nan nhận thấy và nói ra: Đây là lúc Trung Quốc cần từ bỏ yêu sách. Hàm chứa trong đó không chỉ cần mà đã đến thời điểm/lúc để Trung Quốc từ bỏ yêu sách.

Hai, phát biểu của các nhà chính trị, ngoại giao, học giả quốc tế và ông Li Nan gián tiếp chỉ rõ yêu sách chủ quyền theo đường 9 đoạn của Trung Quốc là một “nút thắt”, cản trở đàm phán giải quyết tranh chấp trên Biển Đông và chính nó cũng cản trở quan hệ của Trung Quốc với nhiều nước khác.

Việc Trung Quốc thay đổi yêu sách chủ quyền, tuân thủ luật pháp quốc tế sẽ đóng góp cho hòa bình, an ninh, hợp tác phát triển ở Biển Đông, khu vực. Đồng thời, theo ông Li Nan: “có thể giúp Trung Quốc gia tăng quyền lực mềm và có được bạn bè ở ASEAN”.

Ba, ngoài ông Li Nan, một số chuyên gia Trung Quốc và nhiều ý kiến trên mạng xã hội của Trung Quốc bày tỏ công khai quan điểm tương đồng. Chuyên gia Lý Lệnh Hoa, Trương Quang Nhuệ… ngay từ những năm trước (từ 2005) đã lí giải vì sao Trung Quốc nên từ bỏ yêu sách đường 9 đoạn.

Cũng không ít người băn khoăn: Trung Quốc thay đổi yêu sách đường 9 đoạn trên Biển Đông là hiện thực, hi vọng chỉ là ảo vọng? Trả lời câu hỏi này chính xác nhất là từ lãnh đạo Trung Quốc.

Trung Quốc khó tự nguyện

Quan điểm, chiến lược, chính sách và hành động thực tế của Trung Quốc ở Biển Đông là vấn đề lâu dài, xuyên suốt nhiều thập kỷ; gắn với sáng kiến “Vành đai, Con đường”, “Giấc mộng Trung Hoa”. Các hướng Bắc, Đông, Tây có nhiều trở ngại, còn hướng Nam/Biển Đông là hướng/khu vực thuận tiện, bàn đạp để Trung Quốc vươn ra thế giới.

Biển Đông không chỉ giàu trữ lượng dầu khí, nguồn tài nguyên phong phú mà còn là một trong những đường vận tải, giao lưu thương mại sôi động nhất thế giới. Kiểm soát Biển Đông sẽ khẳng định vị thế, sức mạnh của Trung Quốc đối với các nước trong và ngoài khu vực.

Trung Quốc thay đổi yêu sách chủ quyền trên Biển Đông, hy vọng hay ảo vọng?
Trung Quốc cần (không phải nên) từ bỏ yêu sách đường 9 đoạn

Chiếm đóng trái phép quần đảo Hoàng Sa, chiếm và cải tạo trái phép nhiều đá, bãi cạn ở quần đảo Trường Sa, tăng cường lực lượng, phương tiện quân sự ở Biển Đông, Trung Quốc đã tạo ưu thế nhiều mặt không chỉ với các nước có tranh chấp chủ quyền mà còn với  Mỹ và đồng minh. Trung Quốc cho rằng từ bỏ yêu sách cũng giống như từ bỏ tham vọng, “Giấc mộng Trung Hoa”, tự trói tay, là mềm yếu để Mỹ lấn tới!

Trung Quốc cũng sẽ gặp phản ứng từ tư tưởng dân tộc cực đoan, hậu quả của truyền thông tuyên truyền, kích động dư luận. Lực lượng hải quân, hải cảnh, hải giám… cũng phản đối từ bỏ đường 9 đoạn vì ảnh hưởng đến vai trò, đặc quyền của họ, kéo theo là giảm đầu tư của nhà nước!

Trước dư luận quốc tế, Trung Quốc có điều chỉnh, giọng điệu mềm mỏng hơn, nhưng về cơ bản, chính sách “ngoại giao lang chiến” vẫn không thay đổi. Trên các diễn đàn, hội nghị quốc tế, hoạt động ngoại giao, lãnh đạo Trung Quốc luôn khẳng định chủ quyền lịch sử đối với Biển Đông… Họ né tránh ý kiến phản đối đường 9 đoạn bằng “thuyết Tứ Sa” và vùng đặc quyền kinh tế 200 hải lí tính từ đường cơ sở thẳng bao quanh quần đảo Hoàng Sa, Trường Sa của Việt Nam…

“Thuyết Tứ Sa” về bản chất là biến tướng của đường 9 đoạn và cũng không có cơ sở pháp lí. Nhưng theo Trung Quốc, nó rõ ràng, cụ thể hơn vì gắn với 4 quần đảo, trong đó có Hoàng Sa (đã chiếm đóng trái phép toàn bộ) và Trường Sa (đang chiếm đóng trái phép một phần). Do đó, phản đối đường 9 đoạn hay “thuyết Tứ Sa” cũng có nghĩa là phản đối các yêu sách chủ quyền không phù hợp với luật pháp của Trung Quốc trên Biển Đông .

Câu giờ để chờ thời

Trung Quốc tiếp tục quân sự hóa các đảo, đá, gia tăng lực lượng và hoạt động trên Biển Đông, gây sức ép, răn đe các nước có tranh chấp chủ quyền. Hải cảnh, hải giám hỗ trợ hơn 2.000 tàu cá tràn xuống phía Nam, nhằm thực thi  quyền kiểm soát chủ quyền thực tế trên Biển Đông; ngăn chặn, xua đuổi, cản trở các nước khác tiến hành hoạt động kinh tế, khoa học… phù hợp với luật pháp quốc tế trên vùng đặc quyền kinh tế, thềm lục địa của họ.

Trung Quốc là “công xưởng thế giới”, “mắt xích” không thể thiếu trong chuỗi cung ứng toàn cầu, nhất là khi kinh tế toàn cầu sa sút trầm trọng và chủ nghĩa bảo hộ gia tăng trong đại dịch Covid-19. Trung Quốc rất biết vị thế của mình, cho rằng thế giới cần họ dù có phản đối. Họ cố gắng câu giờ, chờ đến thời điểm bầu cử Tổng thống Mỹ với hy vọng chính sách đối ngoại của Mỹ sẽ thay đổi.

Bằng con bài kinh tế, thương mại và các hoạt động ngoại giao, tuyên truyền, Trung Quốc cũng câu giờ trong việc xây dựng, đàm phán COC với ASEAN, làm cho nó không thực sự ràng buộc, gắn với đòi hỏi ngầm thừa nhận “hiện trạng mới” ở Trường Sa, Biển Đông và ngăn cản sự can dự của Mỹ và các nước ngoài khu vực.

Một khi quá trình xây dựng COC không đúng dự kiến, Trung Quốc sẽ đổ lỗi cho các nước khác. Trung Quốc không từ bỏ đường 9 đoạn, chỉ thay đổi vỏ ngoài (như kiểu “thuyết Tứ Sa”), diễn đạt cho dễ nghe hơn. Trong khi dư luận tranh luận, tìm đối sách, Trung Quốc vẫn tiếp tục hoạt động kiểm soát Biển Đông trên thực tế.

Trung Quốc có quyết tâm chính trị cao trong kiểm soát Biển Đông, có ưu thế về kinh tế, quân sự… Với một nước lớn và thể chế chính trị của Trung Quốc, thì “sức ỳ chính sách” khá lớn, việc thay đổi đường 9 đoạn, các yêu sách chủ quyền là khó khăn. Suy tính của Trung Quốc là vậy, nhưng mọi sự không chỉ phụ thuộc vào Trung Quốc.

Kiềm chế, ngăn chặn hay thúc đẩy?

Theo thuyết “Thucydides”, một cuộc chiến tranh là không thể tránh khỏi giữa thế lưc đang thống trị và thế lực đang trỗi dậy. Mỹ và Trung Quốc là hai cường quốc hàng đầu, sở hữu vũ khí hạt nhân, nếu xảy ra chiến tranh thì hậu quả  vô cùng lớn đối với hai bên và cả thế giới.

Do đó, chiến tranh, xung đột vũ trang quy mô lớn ít khả năng xảy ra nhưng “chiến tranh lạnh”, đối đầu căng thẳng trên nhiều lĩnh vực diễn biến phức tạp, chưa có dấu hiệu hạ nhiệt.

Gần đây, Mỹ đã có những thay đổi quan điểm về vấn đề Biển Đông.

Ngoại trưởng Mike Pompeo và nhiều quan chức khác khẳng định: Yêu sách của Trung Quốc về quyền lợi tài nguyên bao trùm hầu hết các vùng Biển Đông là hoàn toàn bất hợp pháp… Trung Quốc không có cơ sở pháp lí để đơn phương áp đặt ý chí của họ lên khu vực… Mỹ ủng hộ phán quyết của PCA về Biển Đông… Thế giới không cho phép Bắc Kinh coi Biển Đông là đế chế hàng hải của họ… Mỹ gia tăng các hoạt động FONOP trên Biển Đông (số lần hoạt động năm 2019 nhiều hơn các năm trước, gấp 2-3 lần năm 2015, 2016 thời Tổng thống Barack Obama); hỗ trợ các nước trong khu vực kiềm chế Trung Quốc.

Đồng minh của Mỹ và nhiều nước khác cũng bày tỏ quan điểm ủng hộ tuyên bố của Mỹ, quan ngại về tranh chấp chủ quyền ở Biển Đông, yêu cầu các bên hành động kiềm chế, phù hợp với luật pháp quốc tế. Điều đó gây áp lực nhất định đối với Trung Quốc.

Tuy vậy, các nước cũng gặp những vấn đề phức tạp bên trong, nhất là khó khăn về kinh tế, ràng buộc trong quan hệ, hợp tác với Trung Quốc. Đối với một số nước không có tranh chấp chủ quyền, thách thức ở Biển Đông vẫn là “lửa xa”, chưa gây cháy nhà mình! Việc tham gia các hoạt động thực tế kiềm chế Trung Quốc do Mỹ khởi xướng cũng có mức độ.

Chỉ một mình Mỹ hành động, cùng với tuyên bố phản đối đường 9 đoạn của một số nước là chưa tạo đủ áp lực buộc Trung Quốc từ bỏ yêu sách.

Xây dựng cơ chế an ninh kiềm chế va chạm, ngăn chặn các hành động gây căng thẳng, xung đột là cần thiết. Nhưng quan trọng hơn là thúc đẩy Trung Quốc thay đổi yêu sách chủ quyền Biển Đông không phù hợp với luật pháp quốc tế, không có lợi cho hòa bình, ổn định, an ninh và hợp tác phát triển của khu vực, các nước và của chính Trung Quốc.

Để thực hiện “Giấc mộng Trung Hoa”, trỗi dậy dẫn dắt khu vực, thế giới,  Trung Quốc cần môi trường thuận lợi, sự ủng hộ của các nước. Làm cho Trung Quốc thấy rõ lợi ích thu được (nếu thay đổi) và cái giá đắt khi cố duy trì yêu sách chủ quyền Biển Đông không phù hợp với luật pháp quốc tế, với xu thế chung, chính là thúc đẩy Trung Quốc tự thay đổi. Muốn vậy, các nước phải đồng thuận cao cả trong tuyên bố và hành động, vì lợi ích chung.

TS Vũ Đăng Minh

Bài mới
Đọc nhiều