+
Aa
-
like
comment

Trung Quốc thay đổi, Mỹ khó lường và Việt Nam rơi vào vòng xoáy

13/07/2019 07:57

Trung Quốc siết nông sản Việt, chiến tranh thương mại, dịch tả lợn châu Phi, công nghiệp chế biến chế tạo giảm tốc… là những khó khăn Việt Nam phải đối mặt thời gian tới.

Nhiều dự báo lạc quan

Nhiều dự báo lạc quan về kinh tế Việt Nam năm 2019 đã được đưa ra tại các hội thảo, tọa đàm về kinh tế Việt Nam 6 tháng đầu năm.

Theo đánh giá của Viện Nghiên cứu kinh tế và Chính sách (VEPR) ngày 11/7, với mức tăng trưởng đạt 6,71% của quý II, mục tiêu tăng trưởng 6,6-6,8% của năm 2019 do Quốc hội đề ra khả thi.

Trung Quốc thay đổi, Donald Trump khó lường, Việt Nam trong vòng xoáy
Kinh tế Việt Nam trải qua 6 tháng đầu năm với nhiều kết quả tích cực.

Tuy nhiên, TS Nguyễn Đức Thành, Viện trưởng VEPR cho rằng: Chiến tranh thương mại Mỹ Trung, căng thẳng Nhật – Hàn Quốc ảnh hưởng đến chuỗi cung ứng toàn cầu, và các liên kết kinh tế mới… tương lai nền kinh tế VIệt Nam năm 2019 trở nên bất định hơn do có thể chịu ảnh hưởng bởi các cú sốc từ thị trường thế giới. Ngân hàng Nhà nước cần điều hành tỷ giá một cách linh hoạt, khách quan và tôn trọng quy luật thị trường nhằm hấp thụ các cú sốc từ bên ngoài.

Trong bối cảnh đó, VEPR dự báo kinh tế Việt Nam cả năm đạt tới 6,96%, vượt chỉ tiêu Quốc hội đưa ra.

Cùng ngày, 11/7/2019, Trung tâm Thông tin và dự báo kinh tế-xã hội quốc gia (NCIF) cũng tổ chức buổi tọa đàm khoa học: “Báo cáo tổng quan kinh tế giữa kỳ 2019”.

TS. Trần Thị Hồng Minh, giám đốc NCIF nhận định: dự báo tốc độ tăng trưởng kinh tế Việt Nam năm 2019 ở mức 6,86%, vượt mục tiêu Kế hoạch phát triển kinh tế-xã hội năm 2019 (6,6-6,8%).

TS Trần Thị Hồng Minh nhấn mạnh: “Trên thế giới, tốc độ tăng trưởng kinh tế thế giới, mặc dù dự báo sẽ thấp hơn so với năm 2018, nhưng dự kiến vẫnđạt mức khá (3,44% trong năm 2019), do kỳ vọng vào tăngtrưởng của một số nền kinh tế lớn như Mỹ, EU, Nhật Bản, cũng như sự ổn định của giá cả hàng hóa thế giới, qua đó tác động tích cực đến Việt Nam. Một số yếu tố có thể tác động cả tích cực và tiêu cực đến kinh tế Việt Nam cũng cần quan tâm, như: việc phá giá đồng NDT của Trung quốc, đối tác thương mại lớn của Việt Nam; diễn biến của cuộc chiến thương mại Mỹ-Trung; hay sự căng thẳng giữa Mỹ và Iran trong vấn đề dầu mỏ.

Trong nước, việc Chính phủ tiếp tục tập trung tiến trình cải cách cải thiện môi trường đầu tư, cũng như tận dụng những cơ hội của hội nhập quốc tế (nhất là trong điều kiện Hiệp định CPTPP bắt đầu có hiệu lực thực thi với Việt Nam từ năm 2019 và Hiệp định EVFTA dự kiến được phê chuẩn nội bộ các bên và chính thức có hiệu lực vào cuối năm 2019) sẽ là các yếu tố quan trọng quyết định cục diện kinh tế Việt Nam những tháng cuối năm cũng như cả năm 2019.

Rủi ro vẫn còn

Tại Hội thảo “Kinh tế Việt Nam 6 tháng đầu năm 2019: Kết quả và Góc nhìn”, ngày 12/07/2019, ông Nguyễn Anh Dương, Trưởng ban Ban nghiên cứu Tổng hợp, Viện Nghiên cứu Quản lý Kinh tế Trung ương (CIEM) nhận định, 6 tháng qua, tình hình kinh tế thế giới rất bất định.

“Trong bối cảnh khó khăn của kinh tế thế giới, chúng ta có thể tự bằng lòng với kết quả đạt được, tuy nhiên rủi ro vẫn còn, nhất là tăng trưởng tiềm năng giảm 2 năm liên tiếp, phản ánh lo ngại về chất lượng tăng trưởng chưa được củng cố đặc biệt khi Việt Nam lưu tâm hơn đến ứng phó với tác động bất lợi từ môi trường kinh tế bên ngoài”, ông Dương nhấn mạnh.

“Áp lực rủi ro lạm phát vẫn còn”, ông Dương cảnh báo, “Lạm phát cơ bản bình quân trong 3 tháng đầu năm và 6 tháng đầu năm đều cao hơn hẳn so với các năm 2017-2018 đòi hỏi Việt Nam phải tiếp tục điều hành chính sách tiền tệ một cách thận trọng”.

Dù vậy, theo CIEM, tăng trưởng kinh tế năm 2019 vẫn có thể đạt mức 6,82%.

Ngoài lý do bóng đen suy giảm kinh tế thế giới vẫn còn, TS Võ Trí Thành, nguyên Phó Viện trưởng Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương vẫn tỏ ra lo ngại trước một số động lực tăng trưởng của Việt Nam.

TS Võ Trí Thành cho rằng: Nếu nhìn tổng thể việc giảm tốc diễn ra gần như trên tất cả các lĩnh vực, dù sự giảm tốc này không quá lớn. Giảm tốc lớn nhất là nông nghiệp, tăng trưởng có hơn 1%. Đó là mức rất thấp so với năm ngoái.

“Mục tiêu xuất khẩu 40-42 tỷ USD cho nông sản Việt Nam vô cùng khó khăn. Một trong những lý do giảm tốc xuất khẩu nông sản là từ phía Trung Quốc. Tăng trưởng Trung Quốc giảm khiến nhu cầu giảm, thứ hai là Trung Quốc siết chặt tiêu chuẩn với nông sản Việt Nam, điều này có thể tốt trong dài hạn nhưng trước mắt là khó. Thứ ba là Trung Quốc siết biên mậu”, ông Võ Trí Thành nói tại tọa đàm của VEPR.

Công nghiệp cũng giảm tốc mặc dù còn khá cao. Dịch vụ vẫn như 2 năm trước, không vượt được lên.

Phân tích kỹ hơn, TS Đặng Đức Anh, Phó Giám đốc Trung tâm thông tin và dự báo kinh tế xã hội quốc gia nhận định nhiều khó khăn thách thức phía trước.

Cụ thể, ngành nông nghiệp chịu ảnh hưởng tiêu cực bởi dịch bệnh, đặc biệt là dịch tả lợn Châu Phi lây lan trên diện rộng; xuất khẩu nông sản chịu áp lực cạnh tranh lớn và sự gia tăng các rào cản thương mại nhất là từ thị trường Trung Quốc, trong khi đây là mặt hàng khó dịch chuyển thị trường.

Ngành công nghiệp chế biến, chế tạo tăng trưởng chậm lại (ở mức 11,18%, thấp hơn so với 12,87% của cùng kỳ năm 2018), do sức cầu đối với mặt hàng điện tử, điện thoại giảm sút. Giải ngân vốn đầu tư công, cổ phần hóa và thoái vốn ở các doanh nghiệp nhà nước tại nhiều địa phương còn chậm. Nguy cơ lạm phát vẫn hiện hữu do tác động xu hướng tăng giá dầu thô trên thị trường quốc tế và việc thực hiện lộ trình tăng giá đối với một số mặt hàng thiết yếu (điện, dịch vụ y tế, giáo dục).

“Ngoài bối cảnh trong nước, Việt Nam còn chịu tác động từ cuộc chiến thương mại Mỹ-Trung. Cuộc chiến thương mại Mỹ Trung mở ra nhiều cơ hội tích cực cho nền kinh tế Việt Nam, đồng thời cũng mang đến nhiều thách thức”, TS Đặng Đức Anh đánh giá.

(Theo Vietnamnet)

Bài mới
Đọc nhiều