Trung Quốc tập trận trên Vịnh Bắc Bộ, phía Việt Nam lên tiếng
Trung Quốc thông báo lịch tập trận ở phía Tây đảo Lôi Châu, trong khu vực Vịnh Bắc Bộ, người phát ngôn Bộ Ngoại giao Việt Nam khẳng định, hoạt động này nằm trong vùng biển của Trung Quốc…
Tại cuộc họp báo chiều 19/11, người phát ngôn Bộ Ngoại giao Việt Nam Lê Thị Thu Hằng được đề nghị nêu bình luận về thông tin từ Trung Quốc rằng nước này sẽ tiến hành tập trận ở phía Tây đảo Lôi Châu (nằm trong khu vực Vịnh Bắc Bộ) từ 17-30/11 và cấm đi lại tại khu vực trong thời gian này.
Đáp lại, bà Lê Thị Thu Hằng nói, các hoạt động quân sự trên biển được Trung Quốc thông báo hàng hải từ ngày 17-30/11 mà Bộ Ngoại giao được thông tin nằm trong vùng biển của Trung Quốc, không liên quan đến các vùng biển thuộc chủ quyền, quyền chủ quyền, quyền tài phán của Việt Nam được xác định theo quy định của luật pháp quốc tế, trong đó có Công ước luật Biển của Liên Hợp Quốc (UNCLOS) 1982.
Người phát ngôn Bộ Ngoại giao nhấn mạnh, Hiệp định phân định Vịnh Bắc Bộ đã phân định rõ phạm vi và chế độ pháp lý với lãnh hải, vùng đặc quyền kinh tế và thềm lục địa của Việt Nam cũng như của Trung Quốc với vùng biển của mỗi nước trong khu vực, phù hợp với Công ước luật Biển 1982.
“Theo đó, 2 nước có trách nhiệm tuân thủ nghiêm túc các quy định của hiệp định trong việc thực thi các quyền và nghĩa vụ có liên quan, đóng góp vào việc duy trì hoà bình, ổn định, an ninh, hợp tác và thượng tôn pháp luật trong khu vực” – bà Lê Thị Thu Hằng nêu rõ.
Chiến lược biển khu vực Đông Á đứng trước thách thức lớn
Cũng liên quan tới vấn đề quan hệ trên biển với Trung Quốc, người phát ngôn nhắc lại nội dung Hội nghị cấp cao ASEAN 37 và các hội nghị liên quan diễn ra tuần trước, trong đó có Hội nghị cấp cao Đông Á (EAS) lần thứ 15.
Theo đó, tại Hội nghị cấp cao ASEAN 37 và Hội nghị cấp cao Đông Á 15 này, đại diện nhiều nước đã bày tỏ quan ngại về tình hình Biển Đông và khẳng định sự cần thiết duy trì hoà bình bền vững, ổn định lâu dài trên vùng biển quan trọng của khu vực này. Để đạt mục tiêu đó, cần đề cao tinh thần trách nhiệm, đặc biệt tránh các hành động làm gia tăng căng thẳng, phức tạp thêm tình hình, không quân sự hoá trên vùng biển.
Bà Hằng thông tin, các nước cho rằng, cần đề cao luật pháp quốc tế trong đó có UNCLOS 1982, khuôn khổ pháp lý cho mọi hoạt động trên biển để giải quyết các tranh chấp trên biển bằng biện pháp hoà bình.
Các nước cũng kêu gọi ASEAN và Trung Quốc đẩy mạnh việc thực hiện đầy đủ Tuyên bố về ứng xử của các bên trên Biển Đông (DOC) và nỗ lực nối lại đàm phán bộ Quy tắc ứng xử COC hiệu lực, hiệu quả, phù hợp với luật pháp quốc tế, trong đó có UNCLOS 1982.
Bà Lê Thị Thu Hằng khẳng định: “Những nội dung này được phản ánh đầy đủ trong Tuyên bố chủ tịch của Hội nghị cấp cao ASEAN 37 và Hội nghị cấp cao Đông Á lần thứ 15”.
Cụ thể, chiến lược biển là 1 trong 3 điểm nhấn được đề cập tại EAS hôm 14/11 vừa qua. Việc xây dựng trật tự dựa trên luật lệ tại khu vực, khi đó, được nhận định, đang đứng trước những thách thức lớn.
Bộ trưởng Ngoại giao Ấn Độ Subrahmanyam Jaishankar đã bày tỏ quan ngại về các hành động và sự cố làm xói mòn lòng tin ở Biển Đông. Thủ tướng Nhật Bản Suga Yoshihide bày tỏ quan ngại về một số hành động trên Biển Hoa Đông và Biển Đông “đi ngược lại với sự thượng tôn pháp luật và cởi mở”.
Nhận thức rõ tầm quan trọng và vị trí chiến lược của các vùng biển và đại dương trong khu vực tới quá trình bảo đảm an ninh, phát triển kinh tế – xã hội hậu đại dịch, các nước nhấn mạnh tinh thần trách nhiệm, đồng thời kêu gọi kiềm chế, tránh các hành động làm phức tạp tình hình, không quân sự hóa, giải quyết hòa bình các khác biệt, mâu thuẫn trên cơ sở luật pháp quốc tế, Công ước Liên hợp quốc về Luật biển (UNCLOS) 1982, khuôn khổ pháp lý cho mọi hoạt động trên biển.
Kết thúc hội nghị, lãnh đạo các nước đã thông qua Tuyên bố của lãnh đạo EAS về Hợp tác biển bền vững, thúc đẩy hợp tác biển, lĩnh vực ưu tiên của EAS thông qua sử dụng bền vững và bảo tồn tài nguyên biển, ngăn ngừa ô nhiễm và rác thải biển, dự phòng và ứng phó thiên tai cũng như kết nối biển.
Thái Anh/ DT