+
Aa
-
like
comment

Trung Quốc tập trận ở Hoàng Sa là đụng vào máu thịt của Việt Nam

Đặng Trường - 10/03/2021 16:05

Không chỉ đem tàu đến đánh bắt cá, cho tàu du lịch đến tham quan mà Trung Quốc còn nhiều lần tổ chức tập trận trái phép tại hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa. Gần đây, quân đội Trung Quốc điều xe tăng, tàu chiến và máy bay tham gia cuộc diễn tập hiệp đồng trái phép tại đảo Tri Tôn, quần đảo Hoàng Sa thuộc chủ quyền Việt Nam.

Binh sĩ Trung Quốc diễn tập trái phép tại quần đảo Hoàng Sa của Việt Nam.

Vốn sẵn dã tâm chiếm trọn Biển Đông, biến Biển Đông thành cái ao nhà mình, Trung Quốc không ngần ngại thể hiện ý đồ đó với tất cả các nước tiếp giáp Biển Đông. Những năm qua, Trung Quốc không ngừng gây hấn, thực hiện nhiều hành vi trái phép ngay trong vùng biển Việt Nam. Như lần tập trận trên đảo Tri Tôn này, đây không chỉ là động thái thể hiện sự bành trướng ngang ngược của Trung Quốc mà nghiêm trọng hơn, đây là hành vi vi phạm chủ quyền của Việt Nam đối với đảo Tri Tôn thuộc quần đảo Hoàng Sa, đi ngược lại tinh thần Tuyên bố về ứng xử của các bên ở Biển Đông (DOC), đã được ASEAN và Trung Quốc ký vào năm 2002.

Cụ thể, trong Tuyên bố DOC, cả ASEAN và Trung Quốc đều đã khẳng định cam kết thực hiện các nguyên tắc của Hiến chương Liên Hợp Quốc, Công ước Luật Biển năm 1982 của LHQ, Hiệp ước thân thiện và hợp tác ở Ðông – Nam Á. Rồi các bên cũng đã cam kết kiềm chế không tiến hành các hoạt động có thể làm phức tạp thêm hoặc gia tăng tranh chấp và ảnh hưởng đến hòa bình và ổn định. Đồng thời, tôn trọng lẫn nhau để tìm kiếm các phương cách xây dựng lòng tin. Tuyên bố đặc biệt nhấn mạnh việc kiềm chế không đưa người lên các đảo, bãi hiện nay không có người ở, nhưng nay, Trung Quốc lại đưa người lên đảo Tri Tôn ở quần đảo Hoàng Sa thuộc chủ quyền của Việt Nam để tổ chức tập trận. Rõ ràng, Trung Quốc không hề tôn trọng chủ quyền biển đảo của Việt Nam. Hàng loạt hành động Trung Quốc xâm phạm chủ quyền biển đảo Việt Nam chính là đang gây phức tạp tình hình, không có lợi cho quá trình đàm phán hiện nay giữa Trung Quốc và ASEAN về Bộ quy tắc ứng xử giữa các bên ở Biển Đông (COC) và việc duy trì môi trường hòa bình, ổn định và hợp tác ở Biển Đông. Những hành động đó của Trung Quốc càng không phải là xây dựng lòng tin mà là đang phá vỡ lòng tin lẫn những cam kết trong Tuyên bố DOC.

Khu trục hạm Hohhot thuộc lớp Type 052D của Trung Quốc diễn tập săn ngầm trên Biển Đông hồi đầu tháng 8-2020.

Năm 2000, Việt Nam và Trung Quốc đã ký Hiệp định phân định lãnh hải, vùng đặc quyền kinh tế và thềm lục địa của hai nước trong vịnh Bắc bộ. Giấy trắng, mực đen còn đó mà nay, Trung Quốc lại muốn xé bỏ nó đi thì quả là một đất nước vừa tham lam vừa lươn lẹo. Nhưng cần khẳng định lại một lần nữa, dù trong quá khứ hay hiện tại, Việt Nam cũng luôn có đầy đủ cơ sở pháp lý chứng minh hai quần đảo Hoàng Sa, Trường Sa thuộc chủ quyền của Việt Nam, bất chấp sự ngang ngược của Trung Quốc. Biển, đảo cũng giống như từng tấc đất trên trên đất liền, chúng cấu thành nên lãnh thổ Việt Nam thống nhất, có chủ quyền rõ ràng. Chúng không khác gì máu thịt của đất nước và dân tộc Việt Nam. Trung Quốc đụng vào biển, đảo chính là đụng vào máu thịt của Việt Nam. Vì thế, Việt Nam sẽ luôn kiên quyết bảo vệ máu thịt của mình bằng mọi giá. Bộ Ngoại giao nước ta đã nhiều lần khẳng định các cuộc tập trận của Trung Quốc ở khu vực quần đảo Hoàng Sa là “vi phạm chủ quyền của Việt Nam đối với quần đảo này”. Lãnh đạo nước ta cũng không ngần ngại vạch mặt chỉ tên Trung Quốc tại Hội nghị thượng đỉnh An ninh Châu Á Shangri La. Đặc biệt, mỗi lần tàu hải cảnh Trung Quốc xâm phạm vùng biển Việt Nam thì ngay lập tức, tàu của các lực lượng chấp pháp Việt Nam cũng xuất hiện bám sát theo dõi, sẵn sàng so kè khi cần thiết.

Lập trường của Việt Nam về vấn đề Biển Đông cũng đã thể hiện rõ tại Hội nghị Cấp cao ASEAN lần thứ 36 và thông cáo chung của Hội nghị Bộ trưởng Ngoại giao ASEAN lần thứ 53. Đại diện phát ngôn Bộ Ngoại giao cũng từng kêu gọi: “Tất cả các nước bao gồm các nước đối tác của ASEAN sẽ đóng góp vào việc duy trì hòa bình ổn định hợp tác tại Biển Đông và giải quyết các tranh chấp thông qua đối thoại và các giải pháp hòa bình khác vì lợi ích chung vì lợi ích chung phù hợp với lợi ích quốc tế”. Trên tinh thần đó, Việt Nam đã, đang và sẽ nỗ lực tiếp tục cùng các nước ASEAN tham khảo nội bộ chặt chẽ giữa các nước thành viên để thống nhất về các thành tố cơ bản của Bộ Quy tắc ứng xử của các bên ở Biển Đông COC, tiến tới bàn đàm phán với Trung Quốc.

Đặng Trường 

Bài mới
Đọc nhiều