Trung Quốc tăng trưởng chậm nhất gần 30 năm
Trong quý II, nền kinh tế lớn nhì thế giới tiếp tục chịu nhiều sức ép cả trong và ngoài nước.
Cơ quan Thống kê Trung Quốc vừa công bố GDP quý II tăng 6,2% so với cùng kỳ năm ngoái. Tốc độ này khớp với dự báo trước đó, thấp hơn quý I (6,4%) và cũng là chậm nhất kể từ đầu thập niên 90.
Trong tháng 6, sản lượng nhà máy tăng 6,3%, doanh số bán lẻ tăng 9,8%. Đầu tư nửa đầu năm tăng 5,8%. Cả ba đều vượt dự báo, cho thấy các biện pháp kích thích của Trung Quốc để làm chậm lại đà giảm có vẻ đang phát huy tác dụng.
Dù vậy, cuối tuần trước, số liệu tháng 6 cho thấy thương mại Trung Quốc đang giảm tốc. Xuất khẩu đi xuống do thuế vào Mỹ tăng. Trong khi đó, nhập khẩu lao dốc vì nhu cầu trong nước giảm.
Tăng trưởng giảm tốc sẽ làm tăng sức ép lên các nhà hoạch định chính sách Trung Quốc. Nước này đang nỗ lực đàm phán thỏa thuận thương mại với Mỹ, đồng thời cân bằng giữa tạo ra việc làm và giảm rủi ro tài chính trong nước. Dù đàm phán Mỹ – Trung Quốc đã nối lại, chưa có gì đảm bảo hai bên sẽ đạt thỏa thuận.
“Chúng tôi dự báo Bắc Kinh tiếp tục các biện pháp kích thích trong nửa cuối năm, bất chấp dư địa chính sách hạn chế. Dù vậy, thị trường không nên kỳ vọng quá cao vào quy mô và thời gian thực hiện các biện pháp này”, Lu Ting – kinh tế trưởng tại Nomura International cho biết, “Các chính sách trong nước sẽ phụ thuộc lớn vào căng thẳng thương mại Mỹ – Trung Quốc”.
Ding Shuang – kinh tế trưởng khu vực Trung Quốc và Bắc Á tại Standard Chartered Bank cũng nhận xét tăng trưởng quý II của Trung Quốc “khá yếu”. Tuy nhiên, “nửa cuối năm, nhờ các chính sách hỗ trợ, Trung Quốc sẽ hồi phục nhẹ”.
(Theo VnExpress)