Trung Quốc sẽ lặp lại ‘hành vi bắt nạt’ các nước ven Biển Đông
Căng thẳng leo thang trên Biển Đông và Trung Quốc sẽ lặp lại hành vi “bắt nạt”, tuyên bố chủ quyền Biển Đông phi lý và lu loa nước ngoài can thiệp, theo một chuyên gia về quân sự Trung Quốc.
Chuyên gia Alexander Neill ở Viện nghiên cứu Chiến lược quốc tế nói, tại Hội nghị Ngoại trưởng ASEAN lần thứ 52 (AMM-52) tổ chức trong tuần này ở thủ đô Bangkok của Thái Lan, vấn đề Biển Đông có thể là một chủ đề quan trọng, và “Trung Quốc sẽ tìm cách đánh chặn bất kỳ quan điểm nào của Philippines. Họ sẽ nhắc lại chủ quyền của họ ở các đảo nhân tạo và bãi san hô, và chỉ trích nước ngoài can thiệp”.
Các nhà phân tích cũng đã nói Bắc Kinh phớt lờ những chuẩn mực pháp lý vốn có thể hạn chế hoạt động hung hăng của Trung Quốc trên Biển Đông, ví dụ như Bắc Kinh đã phớt lờ phán quyết ngày 12.6.2016 của Tòa án Trọng tài thường trực (PCA), trong đó tuyên Trung Quốc không hề có “chủ quyền lịch sử” trên Biển Đông, và PCA bác bỏ “bản đồ đường lưỡi bò 9 đoạn” mà Bắc Kinh tự vẽ để chiếm chủ quyền hầu như toàn bộ Biển Đông, gồm các Vùng đặc quyền kinh tế (EEZ) 220 hải lý của những quốc gia ven Biển Đông như Việt Nam, Philippines, Malaysia và Brunei (4/10 nước thành viên ASEAN).
Theo Bloomberg, AMM-52 diễn ra lúc Việt Nam và Philippines cáo buộc Trung Quốc ngày càng hung hăng tuyên bố chủ quyền hầu như toàn bộ Biển Đông, một động thái mà tuần trước Mỹ đã gọi là “hành vi bắt nạt” của Trung Quốc. Philippines cũng đã cáo buộc Trung Quốc đưa tàu chiến và tàu cảnh sát biển kiểm soát Biển Đông. Hôm 30.7, Bộ trưởng Quốc phòng Delfin Lorenzana nói lời hứa bảo đảm hòa bình trên Biển Đông của Trung Quốc không tương thích với các hoạt động của họ: “Với tôi, việc Trung Quốc chiếm Bãi Scarborough hồi năm 2012 chính là hành vi bắt nạt”.
Một ngày trước đó, Bộ Ngoại giao Indonesia nói Hiệp hội các nước Đông Nam Á (ASEAN) và Trung Quốc đã nhất trí về một dự thảo sơ bộ cho Bộ Quy tắc ứng xử trên Biển Đông (COC). Nhưng Bộ Ngoại giao Mỹ nói Trung Quốc đang gây sức ép, để ASEAN phải chấp nhận những điều khoản COC không có lợi cho mình.
“Hợp tác hàng hải” là một trong những chủ đề mà AMM-52 chú trọng, nhưng các nhà phân tích nói dù Trung Quốc cuối cùng chấp thuận COC chăng nữa, nó sẽ không có cơ chế giám sát thực thi hiệu quả, và Bắc Kinh sẽ hành xử mà không hề bị kiềm chế. Hãng tin AP nhận định ASEAN sẽ khó thể nhất trí về bất kỳ tuyên bố nào phản đối Trung Quốc, do ASEAN hoạt động theo tinh thần đồng thuận, điều có nghĩa một nước thành viên có thể dùng quyền phủ quyết các quyết định và các tuyên bố của khối.
Trung Quốc cũng có thể dựa vào sự ủng hộ của các đồng minh như Campuchia và Lào để chặn ngăn bất kỳ sự đồng thuận nào để cương quyết đối đầu với Trung Quốc, khi các nước khác trong khối vẫn còn ngại ngần thách đố quyền lực của Trung Quốc.
Cuộc chiến thương mại Mỹ – Trung cũng sẽ là một chủ đề nóng của AMM-52, theo Giáo sư Harsh Pant của khoa quan hệ quốc tế ở Đại học King (Anh). Ông nói ASEAN sẽ khó khăn duy trì sự cân bằng giữa hai siêu cường kinh tế này: “ASEAN đang phải chịu đựng sự căng thẳng bất thường, là hậu quả của bất đồng gia tăng giữa Mỹ – Trung. Cảm giác thoải mái có Trung Quốc là đối tác kinh tế và Mỹ là đối tác an ninh sẽ không còn nữa”.
Theo AP, AMM-52 diễn ra lúc Trung Quốc hung hăng đòi chủ quyền Biển Đông và cuộc chiến thương mại Mỹ – Trung. Và cuộc tranh giành ảnh hưởng giữa Mỹ – Trung Quốc khiến ASEAN ở thế khó. Tại hội nghị thượng đỉnh ASEAN hồi tháng 6, các nhà lãnh đạo đã thông qua một khung làm việc nhằm tìm thế đứng trung dung, duy trì quan hệ với cả Mỹ lẫn Trung Quốc.
Bắc Kinh đang muốn mở rộng tầm ảnh hưởng lên toàn cầu, thông qua dự án cơ sở hạ tầng Một Vành Đai Một Con Đường (BRI) và Mỹ đối phó BRI bằng tầm nhìn chiến lược Ấn Đô Dương – Thái Bình Dương Mở cửa và Tự do, mà Bắc Kinh xem đây là một cách trực tiếp chống lại Trung Quốc.
AMM-52 đã khai mạc hôm 31.7, với Ngoại trưởng Thái Lan Don Pramudwinai kêu gọi 10 nước thành viên ASEAN “linh động hơn”, hội nhập sâu để phát triển thương mại và sự thịnh vượng cho toàn khu vực vào lúc thế giới phải chịu đựng nhiều thử thách mang tinh thần chủ nghĩa dân tộc. Trong diễn văn khai mạc, ông nói sự hợp tác sâu rộng trong khối và các đối tác ngoài khối có thể giúp duy trì sự tăng trưởng lâu dài.
AMM-52 còn diễn ra trong cái bóng căng thẳng an ninh leo thang trên bán đảo Triều Tiên cần phải được tháo ngòi. Hàn Quốc ngày 31.7 đã nói CHDCND Triều Tiên đã phóng hai tên lửa đạn đạo tầm ngắn lúc rạng sáng. Đây là vụ thử vũ khí thứ hai trong chưa đầy 1 tuần của Bình Nhưỡng.
(Theo Một Thế Giới)