Trung Quốc quân sự hóa Biển Đông, vi phạm chủ quyền Việt Nam
Việc Trung Quốc quân sự hóa một số cấu trúc của quần đảo Trường Sa của Việt Nam đã vi phạm chủ quyền Việt Nam, gây lo ngại cho khu vực và quốc tế.
“Việt Nam yêu cầu Trung Quốc tôn trọng chủ quyền của Việt Nam, chấm dứt hoạt động quân sự hóa, không có hành động gây gia tăng ở khu vực, duy trì điều kiện thuận lợi, tiếp tục nỗ lực cùng ASEAN thúc đẩy đàm phán sớm đạt được Bộ quy tắc ứng xử ở Biển Đông (COC) thực chất, hiệu quả, phù hợp với luật pháp quốc tế và UNCLOS”, phó phát ngôn Bộ Ngoại giao Phạm Thu Hằng trả lời câu hỏi trong buổi họp báo thường kỳ chiều 7/4.
Phó phát ngôn Bộ Ngoại giao khẳng định Việt Nam có đầy đủ bằng chứng lịch sử và cơ sở pháp lý để khẳng định chủ quyền đối với hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa phù hợp với luật pháp quốc tế, cũng như chủ quyền, quyền chủ quyền, quyền tài phán đối với các vùng biển phù hợp với luật pháp quốc tế, Công ước của Liên Hợp Quốc về Luật Biển 1982 (UNCLOS).
Trước đó, AP hôm 22/3 dẫn lời Đô đốc John Aquilino, Tư lệnh Bộ chỉ huy quân đội Mỹ ở Ấn Độ Dương – Thái Bình Dương, cho biết Trung Quốc đã quân sự hóa hoàn toàn ít nhất 3 trong số vài hòn đảo mà nước này bồi đắp trái phép tại Biển Đông.
Những hòn đảo này được trang bị hệ thống tên lửa chống hạm và chống máy bay, thiết bị laser và làm nghẽn sóng, cũng như tiêm kích.
Việt Nam lên tiếng về đề xuất tuần tra chung ở Biển Đông
Cùng ngày, phó phát ngôn Bộ Ngoại giao Việt Nam cũng trả lời đề nghị bình luận của phóng viên trước việc một cựu thẩm phán Tòa án Tối cao Philippines đề xuất nước này cùng các nước khác, bao gồm Việt Nam, tuần tra chung ở Biển Đông.
“Việt Nam luôn mong muốn cùng các nước hợp tác, đóng góp cho hòa bình, ổn định, an ninh, an toàn, hợp tác và phát triển tại Biển Đông trên cơ sở luật pháp quốc tế, Công ước Liên Hợp Quốc về Luật Biển 1982 (UNCLOS) vì lợi ích chung phù hợp với nguyện vọng của các nước trong khu vực và cộng đồng quốc tế”, phó phát ngôn viên Phạm Thu Hằng nói.
Bà Hằng nói với mong muốn đó, nhiều năm qua, Việt Nam đã hợp tác tuần tra chung cùng các nước khác trong khu vực như Campuchia, Trung Quốc, Thái Lan.
Việt Nam cũng có nhiều hoạt động hợp tác quốc tế trong nghiên cứu khoa học, bảo vệ môi trường, phòng chống tội phạm trên biển và các hoạt động kinh tế, theo phó phát ngôn viên Bộ Ngoại giao.
Cựu Thẩm phán Antonio Carpio hôm 30/3 đưa ra đề xuất tuần tra chung ở Biển Đông. “Chúng ta nên thực hiện tuần tra chung không chỉ với Mỹ mà với cả các nước khác như Malaysia và Việt Nam”, GMA News trích lời ông Carpio nói. “Thậm chí, (chúng ta) có thể đề nghị Indonesia tham gia”.
“Tập hợp lại cùng với nhau sẽ đem lại vị thế mạnh mẽ hơn”, ông nhận định.
Quốc Anh