Trung Quốc phản ứng mạnh chưa từng thấy với Myanmar
Bắc Kinh kêu gọi quân đội Myanmar ngăn chặn các vụ tấn công vào những công ty có đầu tư của Trung Quốc sau khi hàng chục nhà máy bị đốt phá ở Yangon ngày 15/3.
Đây là những bình luận mạnh mẽ nhất cho tới nay của Bắc Kinh về khủng hoảng ở Myanmar, theo SCMP.
Khi được hỏi về các vụ tấn công nhà máy Trung Quốc ở Yangon, phát ngôn viên Bộ Ngoại giao Trung Quốc Triệu Lập Kiên ngày 15/3 nhấn mạnh Myanmar nên “thực hiện các biện pháp hiệu quả hơn nữa để ngăn chặn mọi hành vi bạo lực, trừng phạt thủ phạm theo quy định của pháp luật và đảm bảo sự an toàn của các công ty và nhân viên Trung Quốc tại Myanmar”.
Tuy nhiên, ông Triệu không cung cấp thông tin về việc liệu Bắc Kinh có kế hoạch sơ tán công dân nước này khỏi Myanmar hay không.
Ngoài ra, ông Triệu cũng kêu gọi những người biểu tình Myanmar “thể hiện mong muốn của mình một cách hợp pháp, tránh bị kích động hoặc lôi kéo, và không làm tổn hại đến mối quan hệ hợp tác hữu nghị giữa Trung Quốc và Myanmar”.
Trong khi đó, các chủ doanh nghiệp Trung Quốc ở Myanmar đang tăng cường biện pháp an ninh, bao gồm cân nhắc tự vệ có vũ trang, để bảo vệ tài sản khỏi người biểu tình.
Theo tờ Global Times, trong hai ngày 14-15/3, tổng cộng 32 nhà máy ở Yangon có chủ đầu tư đến từ Trung Quốc đã chịu thiệt hại trong đợt tấn công của người biểu tình ở Myanmar.
Trong đó, hai công nhân Trung Quốc bị thương. Tổng thiệt hại về tài sản vào khoảng 37,8 triệu USD.
Theo thông tin từ đài truyền hình nhà nước Trung Quốc CGTN, nhóm người biểu tình mang theo thanh sắt, rìu và xăng để phóng hỏa ở lối vào nhà máy và nhà kho của các công ty này. Xe cộ và các cửa hàng gần đó cũng bị phá hoại.
Lệnh thiết quân luật được ban bố đối với khu công nghiệp Hlaingthaya và một số quận khác của thành phố Yangon từ đêm 14/3. Tuy nhiên, một số chủ kinh doanh người Trung Quốc cho biết một nhà máy khác của họ cũng bị phóng hỏa ngay sau khi lệnh thiết quân luật có hiệu lực.
Các doanh nhân Trung Quốc đang tăng cường bảo vệ tài sản của họ.
“Chúng tôi niêm phong tất cả cửa sổ của các nhà máy và phân công thêm nhân viên bảo vệ tuần tra mang theo dùi cui điện. Chúng tôi cũng mua một số lượng lớn bình chữa cháy trong hôm nay”, một doanh nhân Trung Quốc nói với South China Morning Post.
Lee Htay, một người Trung Quốc điều hành công ty vận tải ở Yangon, cho biết một số chủ doanh nghiệp đang cân nhắc đến biện pháp tự vệ có vũ trang.
“Nhưng chúng tôi cũng rất thận trọng. Những động thái như vậy có thể sẽ được coi là không thuận lợi cho phe quân sự”, Lee nói.
Kể từ cuộc chính biến của quân đội ngày 1/2, Myanmar rơi vào hỗn loạn. Người dân liên tục biểu tình để phản đối chính phủ quân sự và đòi thả tự do cho cựu cố vấn nhà nước Aung San Suu Kyi.
Trong những tuần gần đây, người biểu tình tập trung đông bên ngoài Đại sứ quán Trung Quốc ở Yangon, kêu gọi Bắc Kinh lên án cuộc chính biến.
Các quan chức Trung Quốc cho rằng Bắc Kinh không biết về vụ chính biến trước khi nó xảy ra và họ không ủng hộ chính phủ quân sự.
(Theo SCMP)