Trung Quốc phản ứng công hàm của Mỹ gửi LHQ về Biển Đông
Trung Quốc ngày 3.6 có phản ứng về việc Bộ Ngoại giao Mỹ gửi công hàm lên Liên Hiệp Quốc phản đối yêu sách của Bắc Kinh trên Biển Đông.
Một phát ngôn viên Bộ Ngoại giao Trung Quốc ngày 3.6 nói Mỹ “gây rối và phá vỡ mối quan hệ trong khu vực”.
“Mỹ không phải là bên liên quan trực tiếp trong tranh chấp tại Biển Đông. Mỹ thường gây rối và phá vỡ các mối quan hệ trong khu vực, điều không giúp ích cho hòa bình và ổn định trong khu vực”, tờ Hoàn Cầu Thời báo trích lời phát ngôn viên Bộ Ngoại giao Trung Quốc.
Trước đó, Ngoại trưởng Mỹ Mike Pompeo rạng sáng 3.6 thông báo Mỹ đã gửi công hàm lên Liên Hiệp Quốc phản đối các yêu sách “phi pháp và nguy hiểm” của Trung Quốc trên Biển Đông. Công hàm do Đại sứ Mỹ tại Liên Hiệp Quốc Kelly Craft ký vào ngày 1.6.
Ngoại trưởng Pompeo kêu gọi các nước phải đoàn kết để giữ vững luật quốc tế và tự do hàng hải.
Công hàm của Đại sứ Craft nêu rằng: liên quan Công hàm số CML/14/2019 ngày 12.12.2019 do Phái đoàn thường trực của Trung Quốc tại Liên Hiệp Quốc gửi Tổng thư ký Liên Hiệp Quốc nhằm phản hồi đệ trình cùng ngày của Malaysia gửi Ủy ban Ranh giới thềm lục địa, phía Mỹ khẳng định bác bỏ yêu sách của Trung Quốc vì không phù hợp với luật pháp quốc tế dựa trên Công ước LHQ về Luật Biển (UNCLOS) năm 1982.
Ngày 3.6, báo điện tử Rappler của Philippines cũng đưa tin về công hàm của Mỹ phản đối Trung Quốc về Biển Đông. Theo Rappler, “Mỹ đã gia tăng sức nặng cho sự phản đối gần đây của các nước Đông Nam Á chống lại các yêu sách của Trung Quốc tại Biển Đông khi bác bỏ những yêu sách quá đáng của Trung Quốc và hối thúc nước này tuân thủ phán quyết của Tòa trọng tài The Hague năm 2016”.
Nhiều nước lên tiếng
Trước đó, Philippines và Indonesia cũng như Việt Nam đã gửi công hàm lên Liên Hiệp Quốc nhằm phản đối yêu sách của Trung Quốc. Trong công hàm số 22/HC-2020 được trình lên Liên Hiệp Quốc ngày 30.3, Phái đoàn Việt Nam nhấn mạnh: “Các yêu sách này vi phạm nghiêm trọng chủ quyền, quyền chủ quyền và quyền tài phán của Việt Nam tại Biển Đông. Việt Nam có đầy đủ chứng cứ lịch sử và cơ sở pháp lý để khẳng định chủ quyền đối với quần đảo Hoàng Sa và quần đảo Trường Sa phù hợp với các quy định của luật pháp quốc tế”.
“Việt Nam khẳng định Công ước của Liên Hiệp Quốc về Luật Biển 1982 (UNCLOS) là cơ sở pháp lý duy nhất, quy định toàn diện và triệt để về phạm vi quyền được hưởng vùng biển giữa Việt Nam và Trung Quốc”, công hàm 22/HC-2020 nêu.
Đến ngày 10.4, Phái đoàn Việt Nam tiếp tục gửi Liên Hiệp Quốc công hàm số 24/HC-2020 và công hàm số 25/HC-2020 để khẳng định lập trường trong vấn đề Biển Đông, lần lượt đề cập đến công hàm của Malaysia và Philippines.
Vi Trân/ TNO