+
Aa
-
like
comment

Trung Quốc phá rối an ninh năng lượng ở Biển Đông

25/07/2019 09:11

Việc nhóm tàu khảo sát địa chất Hải Dương 8 của Trung Quốc ngang nhiên có những hành vi xâm phạm và quấy rối các hoạt động kinh tế của Việt Nam làm dấy lên những lo ngại về tình hình an ninh khu vực.

Trung Quốc phá rối an ninh năng lượng ở Biển Đông - Ảnh 1.
Giàn khoan Hakuryu-5 của Nhật – Ảnh: Tập đoàn Dầu khí Việt Nam

Những hành động phi pháp của nhóm tàu Trung Quốc tại vùng biển thuộc vùng đặc quyền kinh tế và thềm lục địa Việt Nam gần với khu vực bãi Tư Chính – Vũng Mây kéo dài từ ngày 3-7 đến nay thật sự đã gây ảnh hưởng đến an ninh năng lượng và thị trường năng lượng tự do cả về ngắn hạn lẫn dài hạn.

Ảnh hưởng nguồn cung dầu

Tiềm năng khai thác dầu mỏ và khí đốt ở Biển Đông là vô cùng to lớn. Cơ quan Quản lý thông tin năng lượng Mỹ ước tính có 11 tỉ thùng trữ lượng dầu và 5.380 nghìn tỉ khối trữ lượng khí đốt tự nhiên ở Biển Đông (theo eia.gov). Và bãi Tư Chính nằm trong khu vực giàu có về các loại tài nguyên thiên nhiên này ở phía tây quần đảo Trường Sa.

Điều này phù hợp với nhu cầu năng lượng đang gia tăng tại khu vực Đông Nam Á.

Giám đốc Trung tâm Công nghệ năng lượng Đan Mạch Benjamin Sovacool viết rằng ở khu vực châu Á – Thái Bình Dương từ năm 2005 đến 2030, nhu cầu năng lượng dự kiến tăng với tốc độ 2,4% (so với mức trung bình 1,5% của thế giới) và sự phụ thuộc vào dầu mỏ ở đây sẽ tăng từ 57,5% lên 66,4%.

Trong thập kỷ qua, Việt Nam đã trở thành nhà sản xuất dầu khí quan trọng ở Đông Nam Á. Việt Nam đã tăng cường thăm dò các nguồn dầu khí, cho phép các công ty năng lượng nước ngoài đầu tư nhiều hơn và hợp tác với họ khai thác tài nguyên của mình.

Tuy nhiên, việc Trung Quốc quấy rối và cản trở các hoạt động khai thác dầu của các bên trong Biển Đông, đặc biệt là Việt Nam, sẽ gây ảnh hưởng xấu đến nguồn cung dầu và an ninh năng lượng trong khu vực.

Trung Quốc đã tìm mọi cách gây khó khăn cho các hoạt động này của Việt Nam, từ việc cắt cáp thăm dò dầu khí đến việc thường xuyên gây áp lực, cản trở các hợp đồng khai thác.

Mới đây nhất, hành động của Trung Quốc là đưa tàu thăm dò địa chất Hải Dương 8 và tàu cảnh sát biển được trang bị vũ khí hạng nặng ký hiệu 35111 vào khiêu khích xung quanh giàn khoan Hakuryu-5 của Nhật ở lô 06-01 thuộc dự án Nam Côn Sơn, liên doanh của Việt Nam với Nga là minh chứng trực tiếp việc phá hoại trên và có thể sẽ gây ảnh hưởng nặng nề đến nguồn cung dầu của Việt Nam cũng như trong khu vực.

Cản trở tuyến vận tải dầu

Bên cạnh việc đe dọa trực tiếp tới nguồn cung dầu của Việt Nam, nguy cơ xung đột có thể xảy ra sẽ gây ảnh hưởng đến các tuyến vận tải đường biển, đặc biệt là tuyến vận tải dầu đi qua khu vực.

Biển Đông nằm trên tuyến đường giao thông biển huyết mạch của thế giới nối liền Ấn Độ Dương và Thái Bình Dương. Về tổng khối lượng, hơn 200 tàu thuyền đi qua eo biển Malacca hằng ngày, tương đương khoảng 63.000 chiếc mỗi năm, chiếm 80% lượng dầu được vận chuyển đến Đông Bắc Á. Về giá trị, tổng trọng tải đi qua eo biển Malacca lên tới 525 triệu tấn, trị giá tổng cộng là 390 tỉ USD.

Bên cạnh đó, dự báo cho thấy nhập khẩu dầu thô châu Á dự kiến tăng từ 19 triệu thùng mỗi ngày trong năm 2014 lên 31 triệu thùng mỗi ngày vào năm 2030.

Giàn khoan Hakuryu-5 thuộc Công ty Khoan Nhật Bản (JDC) điều hành đang tiến hành công tác khoan thăm dò tại lô 06.1, bể Nam Côn Sơn, ngoài khơi thềm lục địa (phía nam) Việt Nam từ ngày 15-5 đến 30-7-2019
Giàn khoan Hakuryu-5 thuộc Công ty Khoan Nhật Bản (JDC) điều hành đang tiến hành công tác khoan thăm dò tại lô 06.1, bể Nam Côn Sơn, ngoài khơi thềm lục địa (phía nam) Việt Nam từ ngày 15-5 đến 30-7-2019

Các tàu biển từ Nhật, Úc, Trung Quốc, Hàn Quốc và các quốc gia Đông Nam Á sẽ phải chạy vòng sang tuyến Nam Úc, khiến chi phí vận tải đội lên gấp 5 lần.

Điều này đồng nghĩa với việc các quốc gia trong khu vực có thể gặp khủng hoảng năng lượng nếu các tuyến đường vận chuyển dầu bị gián đoạn. Nhu cầu năng lượng tăng cao cùng với chi phí vận chuyển bị đẩy lên sẽ khiến giá dầu biến động, ảnh hưởng tới thị trường dầu tự do.

Các số liệu trên cho thấy tầm quan trọng của việc gìn giữ khu vực Biển Đông hòa bình và an ninh, để việc khai thác nguồn cung dầu được ổn định và việc vận chuyển của tàu thuyền được thông suốt đi qua khu vực này. Vì những tác động gây hại đến các hoạt động kể trên có thể ảnh hưởng nghiêm trọng đến sự cân bằng cung – cầu của hệ thống năng lượng khu vực.

Do vậy, Trung Quốc cần chấm dứt ngay những hành động quấy rối của mình, rút toàn bộ tàu khỏi vùng biển Việt Nam và tránh các hành vi leo thang có thể xảy ra làm gia tăng nguy cơ khủng hoảng năng lượng ở khu vực.

Giàn khoan Hakuryu-5 hoạt động đến 30-7

Giàn khoan Hakuryu-5 thuộc Công ty Khoan Nhật Bản (JDC) điều hành đang tiến hành công tác khoan thăm dò tại lô 06.1, bể Nam Côn Sơn, ngoài khơi thềm lục địa (phía nam) Việt Nam từ ngày 15-5 đến 30-7-2019, theo thông báo của Tổng công ty Bảo đảm an toàn hàng hải miền Nam có trụ sở ở Vũng Tàu. Tọa độ tại giếng khoan PLDCC-1X lô 06.1 như sau: vĩ độ: 07°39’51,714″ N, kinh độ: 109°00’41,333″ E.

Thông báo cũng nêu rõ tàu thuyền hàng hải trong vùng biển ngoài khơi thềm lục địa Việt Nam lưu ý đi cách xa giàn khoan có đặc điểm nhận dạng nêu trên và khu vực có tọa độ trên tối thiểu 3 hải lý để đảm bảo an toàn hàng hải.

(Theo Tuổi Trẻ)

Bài mới
Đọc nhiều