+
Aa
-
like
comment

Trung Quốc nộp đơn vào CPTPP, có 2 nước ‘chào đón’

26/09/2021 15:14

Việc Trung Quốc và Đài Loan nộp đơn gia nhập CPTPP cùng lúc đã gây ra những phản ứng trái ngược nhau giữa các nước thành viên. Hầu hết các nước ‘chào đón’ Đài Loan thay vì Trung Quốc, nhưng Singapore và Malaysia thì ngược lại.

Đại diện các nước thành viên CPTPP trong một cuộc họp báo tại Santiago, Chile năm 2019 – Ảnh: Reuters

Trung Quốc xin gia nhập CPTPP ngày 16-9. Đài Loan cũng có động thái tương tự vào ngày 22-9. Việc này đã gây ra những phản ứng khác nhau trong nhóm 11 quốc gia thành viên CPTPP.

Theo báo Nikkei Asia, Mỹ đã rời khỏi cuộc chơi, Nhật Bản với vị thế nền kinh tế dẫn đầu đứng trước thử thách giữ đoàn kết trong khối và bảo vệ các giá trị nền tảng của CPTPP như tính minh bạch và cam kết tiếp cận thị trường.

Nói về Đài Loan, Ngoại trưởng Nhật Toshimitsu Motegi dùng từ “chào đón” trong cuộc họp báo hôm 22-9 từ Mỹ.

“Đài Loan là đối tác rất quan trọng chia sẻ chung các giá trị cơ bản với chúng tôi như tự do, dân chủ, quyền con người và trật tự luật pháp, bên cạnh mối quan hệ kinh tế gần gũi. Chúng tôi sẽ cân nhắc cẩn thận liệu Đài Loan có đáp ứng các tiêu chuẩn cao của CPTPP không”.

Một cách tương phản, đơn xin gia nhập của Trung Quốc ngày 16-9 không nhận được những lời nồng ấm như vậy. Ông Motegi bỏ qua từ “chào đón”, chỉ nói rằng khả năng của Bắc Kinh đáp ứng các tiêu chuẩn của CPTPP cần được thẩm định.

Nói một cách thẳng thắn, nếu Trung Quốc gia nhập thành công, CPTPP sẽ mất đi tiêu chí ban đầu là tạo ra một khu vực kinh tế lớn dọc Vành đai Thái Bình Dương đủ sức đối trọng với đế chế giao thương nặng tính bảo hộ của Bắc Kinh.

Bên cạnh đó, Trung Quốc sẽ nắm trong tay quyền phủ quyết đơn gia nhập của bất cứ nền kinh tế nào trong tương lai, bao gồm Đài Loan.

Theo quy định, tất cả thành viên CPTPP cần phải đồng ý để kết nạp một thành viên mới. Đài Loan là vấn đề nhạy cảm, vì Bắc Kinh nói hòn đảo này là một phần của Trung Quốc, do đó nhiều nước chọn cách “chờ và quan sát”.

“Canada sẽ làm việc với các thành viên CPTPP để đạt đồng thuận liên quan vấn đề đơn xin gia nhập mới. Nền kinh tế ứng viên cần phải đáp ứng tiêu chuẩn cao và cam kết tiếp cận thị trường tham vọng của CPTPP” – Bộ Ngoại giao Canada ra thông cáo.

“Úc sẽ cùng các thành viên CPTPP cân nhắc đơn gia nhập của Đài Loan theo cơ chế đồng thuận” – Bộ trưởng Thương mại Úc Dan Tehan cho biết.

Singapore và Malaysia thì “chào đón” đơn gia nhập của Trung Quốc, nhưng lại im lặng về Đài Loan.

Chính quyền Tổng thống Joe Biden đang chịu áp lực lớn từ trong nước nên khả năng tái gia nhập CPTPP là rất mong manh trong giai đoạn này. Washington chỉ có thể tác động đến vấn đề Trung Quốc/Đài Loan thông qua kênh ngoại giao song phương với từng nước thành viên.

Trọng trách bảo vệ CPTPP giờ nằm trong tay Nhật Bản – nền kinh tế lớn thuộc G7. Ngoại trưởng Motegi đã tiếp xúc với người đồng cấp Anh Liz Truss trong chuyến công tác Mỹ để thúc đẩy đàm phán việc Anh gia nhập CPTPP.

Sự có mặt của Anh được Tokyo kỳ vọng sẽ tăng vị thế cho CPTPP khi đương đầu với Trung Quốc.

Việt Nam sẽ tham vấn chặt chẽ với các thành viên CPTPP

Hiệp định CPTPP chính thức được ký kết tại Chile

Việt Nam là một trong 11 thành viên của hiệp định CPTPP. Tại cuộc họp báo thường kỳ ngày 23-9, người phát ngôn Bộ Ngoại giao Lê Thị Thu Hằng khẳng định CPTPP là hiệp định thương mại tự do mở, với những cam kết toàn diện nhằm thúc đẩy hợp tác kinh tế, thương mại giữa các nền kinh tế thành viên.

Do đó, việc hiệp định CPTPP được các nền kinh tế khác quan tâm, mong muốn trở thành thành viên cho thấy vai trò ngày càng tăng của hiệp định này trong việc thúc đẩy hợp tác kinh tế khu vực và quốc tế.

“Theo các quy định về thủ tục liên quan, các nền kinh tế muốn gia nhập CPTPP cần đáp ứng các tiêu chuẩn của hiệp định, cũng như tuân thủ các quy trình, thủ tục gia nhập đối với các thành viên mới. Việt Nam sẵn sàng chia sẻ thông tin, kinh nghiệm của mình với Trung Quốc về việc tham gia hiệp định này”, người phát ngôn Lê Thị Thu Hằng trả lời câu hỏi của phóng viên về bình luận của Việt Nam trước việc Trung Quốc muốn gia nhập CPTPP.

Tương tự, khi được hỏi về trường hợp Đài Loan muốn gia nhập CPTPP, người phát ngôn Thu Hằng cũng cho biết đây là hiệp định mở, các thành viên của CPTPP cũng đã thống nhất các quy định về đối tượng, tiêu chuẩn, quy trình và thủ tục gia nhập. “Việt Nam sẽ tham vấn chặt chẽ với các thành viên khác của CPTPP về các đề nghị tham gia hiệp định”, bà nói.

Cao Phú

Bài mới
Đọc nhiều