Trung Quốc ngang nhiên thả “robot cá đuối”, thăm dò quân sự tại Hoàng Sa – Việt Nam
Trang Popular Mechanics vừa có bài viết nói về hành động thử nghiệm, thả “robot cá đuối” xuống vùng biển Hoàng Sa, Việt Nam. Đồng thời dấy lên lo ngại: liệu robot cá đuối này sẽ trở thành robot quân sự trong tương lai?
Được biết, các nhà khoa học Trung Quốc vừa hoàn thành thử nghiệm loại robot mô phỏng loài cá đuối và thử nghiệm thả trôi trái phép ở khu vực quần đảo Hoàng Sa của Việt Nam.
Theo đó, Trung Quốc đưa tin rằng robot cá đuối này nặng 470kg này có thể đập hai cánh để di chuyển dưới nước và có thể lặn sâu tới 1.025m. Hình dạng và chuyển động của robot mô phỏng cá đuối, một trong những sinh vật có khả năng bơi hiệu quả nhất trong tự nhiên.
Theo như phát ngôn của giới chức Trung Quốc, robot này đang được sử dụng để quan trắc môi trường biển và tiến hành những điều tra khoa học biển ở các rạn san hô lớn của quần đảo Hoàng Sa.
Trang Popular Mechanics trích dẫn nhận định của nhà phân tích H.I. Sutton cho hay, đa số dự án đang được triển khai trên thế giới thường dựa trên các hình mẫu của cá ngừ hoặc cá mập. Đây là hai loài cá di chuyển rất nhanh trong môi trường biển. Trong khi đó, Trung Quốc quyết định chọn cá đuối cho mô hình UUV, mà theo chuyên gia Sutton có lẽ phục vụ cho mục tiêu di chuyển đường dài.
Ngoài hành vi thăm dò trái phép đáng lên án tại vùng biển thuộc quần đảo Hoàng Sa, Việt Nam. Các chuyên gia còn tỏ ra lo ngại: liệu thiết bị cá đuối sẽ trở thành robot quân sự trong tương lai?
Theo Popular Mechanics phân tích, UUV cá đuối được thiết kế để kết hợp tầm di chuyển, tải trọng và năng lực ngụy trang tự nhiên, rất có thể robot này sẽ trở thành phương tiện do thám của Trung Quốc tại quần đảo Hoàng Sa, Việt Nam.
Cá đuối cũng là loài bản địa tại vùng biển của Việt Nam, vì thế sự hiện diện của một vật thể có hình dạng như loài cá này được cho sẽ hạ thấp nguy cơ bị phát hiện.
Trong khi đó, UUV cá đuối có thể cho phép Trung Quốc nắm được bản đồ thềm biển gần các căn cứ quân sự của những nước khác, xâm nhập các cơ sở quân sự, hoặc thu thập tín hiệu vô tuyến và điện tử cho mục tiêu tình báo.
Các chuyên gia phân tích phương Tây cũng tỏ ra cảnh giác khi dự án UUV cá đuối do Đại học Bách khoa Tây Bắc phát triển. Theo chính phủ Mỹ, đây là đại học quân sự Trung Quốc, can dự sâu các nghiên cứu và dự án của quân đội Trung Quốc, nhằm nâng cao năng lực quân sự của nước này.
Theo Viện Chính sách Chiến lược Úc, Đại học Bách khoa Tây Bắc là một trong nhóm “quốc phòng thất tử” của Trung Quốc. Thuật ngữ này dùng cho các đại học tham gia các dự án nghiên cứu và phát triển quân sự theo chỉ đạo của Bộ Công nghiệp và Công nghệ Thông tin Trung Quốc.
Bảo Trâm (Theo Popular Mechanics)