+
Aa
-
like
comment

Trung Quốc ngang nhiên tập trận đổ bộ ở đảo Tri Tôn của Việt Nam

Duân Đặng - 27/11/2020 11:41

Ngày 24.11, tài khoản weibo chính thức của hải quân Trung Quốc đăng hình ảnh một cuộc tập trận đổ bộ diễn ra vài ngày trước đó.

Khung cảnh cuộc tập trận cho thấy nó diễn ra ở đảo Tri Tôn thuộc quần đảo Hoàng Sa của Việt Nam hiện bị Trung Quốc chiếm đóng, với những bãi cát trắng đặc trưng.

Hình ảnh cho thấy có ít nhất 3 tàu đổ bộ đệm khí Type 726 (biệt danh Ngựa hoang, do Trung Quốc tự sản xuất). Mỗi tàu triển khai 16 lính đổ bộ và 1 xe tăng chiến đấu chủ lực Type 96A.

Nhiều khả năng đây chính là hình ảnh từ cuộc tập trận đổ bộ ở Biển Đông được Trung Quốc công bố ngày 23.11, với sự tham gia của 3 tàu đổ bộ Type 071 Ngũ Chỉ Sơn (987), Côn Lôn Sơn (998) và Trường Bạch Sơn (989).

Theo chuyên trang quân sự Jane’s, mỗi tàu đổ bộ Type 071 có thể chở theo 4 tàu đổ bộ đệm khí Type 726.

Trang Chinamil.com trước đó đăng hình ảnh chụp 3 chiếc tàu Type 071 đang tập trận tại một địa điểm không xác định ở Biển Đông vào ngày 18.11 và cho biết cuộc tập trận kéo dài 4 ngày.

Có khả năng cao là cuộc tập trận đổ bộ diễn ra trùng hoặc sát thời điểm Cố vấn an ninh quốc gia Mỹ Robert O’Brien đang thăm Việt Nam từ ngày 20-22.11.

Tri Tôn là đảo nằm ở tây nam Hoàng Sa và gần Việt Nam nhất trong số những hòn đảo bị Trung Quốc chiếm đóng ở quần đảo này, cách đảo Lý Sơn chỉ khoảng 121 hải lý.

Thời gian qua, giữa lúc căng thẳng eo biển Đài Loan gia tăng, với nhiều tin đồn râm ran về việc Trung Quốc có kế hoạch đánh chiếm quần đảo Pratas do Đài Bắc chiếm giữ, Trung Quốc thường xuyên tổ chức những cuộc tập trận đổ bộ ở Biển Đông.

Tuy nhiên, việc chọn Tri Tôn cho cuộc tập trận mới nhất gợi ý nó mang hàm ý với Việt Nam nhiều hơn, dựa vào thời điểm và vị trí của hòn đảo này.

Liên quan đến bố trí của hải quân Trung Quốc ở Biển Đông, hai nhà nghiên cứu Matthew P. Funaiole và Joseph S. Bermudez Jr. của Trung tâm nghiên cứu chiến lược và quốc tế (CSIS, Mỹ) có bài bình luận về sự xuất hiện của tàu đổ bộ tấn công mới Type 075 ở Biển Đông vài tuần qua, dựa trên hình ảnh vệ tinh độ phân giải cao.

Trong khi đó, Sáng kiến minh bạch hàng hải châu Á (AMTI) cũng thuộc CSIS ngày 25.11 đăng bài phân tích về việc tàu hải cảnh 5402 của Trung Quốc có biểu hiện áp sát giàn khoan hoạt động gần cụm bãi cạn Luconia ở gần phía Malaysia trong tháng 11.

Cụ thể, có lúc tàu hải cảnh 5402 áp sát giàn khoan Gunnlod của hãng Borr Drilling hoạt động trong lô SK410B ở khoảng cách chỉ 2 hải lý. Đáng chú ý là vị trí của giàn khoan Gunnlod chỉ cách bờ biển bang Sarawak của Malaysia 40 hải lý.

Dữ liệu hàng hải và ảnh vệ tinh cho thấy Malaysia đã triển khai 2 tàu hải quân Bunga Mas Lima và KD Keris đến khu vực trước những di chuyển đáng ngờ của tàu 5402.

Hải cảnh 5402 không phải là con tàu xa lạ bởi nó từng được triển khai đến phía nam khu vực bãi Tư Chính của Việt Nam từ đầu tháng 7 và nhiều lần áp sát giàn khai thác của Việt Nam trong lô 6.1, trước khi được thay thế bằng tàu 5204 vào trung tuần tháng 8.

Duân Đặng

* Bài viết sử dụng thông tin và nhận định chủ quan của tác giả

Một thành phần quan trọng trong quá trình hiện đại hóa quân sự đang diễn ra của Trung Quốc là nâng cao năng lực của Hải quân Quân Giải phóng Nhân dân (PLAN), đặc biệt là những lực lượng có thể được tận dụng để phát huy sức mạnh hoặc được triển khai trong trường hợp bất ngờ ở các vùng biển gần Trung Quốc. Về mặt này, Type 075 nâng cao đáng kể khả năng vận chuyển, đổ bộ và hỗ trợ các lực lượng bộ binh của Trung Quốc hoạt động bên ngoài đại lục.

Vẫn chưa rõ chính xác cách PLAN sẽ sử dụng Type 075, nhưng nó là một nền tảng linh hoạt phù hợp với nhiều vai trò khác nhau. Ngoài việc tăng cường khả năng của Trung Quốc trong việc thực hiện các hoạt động đổ bộ, Type 075 (đặc biệt là các máy bay trực thăng mà nó mang theo) có thể được giao nhiệm vụ tác chiến chống ngầm và hỗ trợ các nhiệm vụ chống cướp biển. Type 075 cũng có thể cung cấp sự hỗ trợ quan trọng cho các nỗ lực trợ giúp nhân đạo và cứu trợ thảm họa.

Bài mới
Đọc nhiều