+
Aa
-
like
comment

Trung Quốc ‘ngả mũ’ trước tàu hộ vệ săn ngầm HQ-20 của Việt Nam sau nâng cấp

09/11/2019 20:58

Truyền thông Trung Quốc bày tỏ “kính nể” đối với Hải quân Việt Nam khi lắp đặt thành công tên lửa chống hạm trên các tàu hộ vệ săn ngầm do Hàn Quốc chuyển giao, biến tàu này trở thành tàu hộ vệ tên lửa.

Theo mạng Sina (Trung Quốc) ngày 8/11, gần đây, Việt Nam trang bị hệ thống tên lửa chống hạm KCT-15 trên tàu hộ vệ HQ-20 (tên lửa này nguyên bản do Nga cung cấp với tên gọi là KH-35E). Đây là bước cải tiến mang tính đột phá, với việc lắp đặt thêm 2 tổ hợp với 4 bệ phóng, có thể mang theo 8 tên lửa, Việt Nam đã chính thức biến tàu HQ-20 thành tàu hộ vệ tên lửa theo đúng nghĩa.

Tàu HQ-20 được Việt Nam cải tiến khiến Trung Quốc “ngả mũ kính phục”. Nguồn: Sina

Tàu hộ vệ HQ-20 của Việt Nam được Hàn Quốc chuyển giao, là tàu hộ vệ hạng nhẹ lớp Pohang. Tháng 12/2015, Hàn Quốc đã bàn giao con tàu lớp Pohang đầu tiên cho Việt Nam và được mang tên HQ-18. Đến năm 2018, con tàu lớp Pohang thứ 2 tiếp tục được bàn giao và đặt tên là HQ-20. Tàu lớp Pohang của Hàn Quốc được chế tạo từ những năm 1980, trọng tải 1.200 tấn, sử dụng động cơ tua-bin khí đẩy, tốc độ tối đa đạt 32 hl/h, trang bị 2 khẩu pháo Oto Melara Compact cỡ 76,2 mm với nòng dài gấp 62 lần đường kính (76 mm/62) bố trí trước – sau.

Bên cạnh đó, trên tàu còn có 2 bệ pháo bắn nhanh Dardo 40 mm/70 nòng đôi, ngoài tác dụng bổ trợ cho khẩu 76 mm trong việc tiêu diệt các mục tiêu cỡ nhỏ thì nó còn đảm trách cả vai trò phòng không, chống lại máy bay bay thấp cũng như tên lửa hành trình chống hạm. Để đảm trách nhiệm vụ săn ngầm, Hàn Quốc đã tiến hành lắp đặt cho con tàu 2 cụm 3 ống phóng ngư lôi săn ngầm hạng nhẹ Mk 32 cỡ 324 mm.

Với việc trang bị thêm 2 tổ hợp tên lửa chống hạm KCT-15, HQ-20 đã chính thức trở thành tàu hộ vệ tên lửa theo đúng nghĩa. Nguồn: Sina

Về hệ thống điện tử, tàu được trang bị radar trinh sát bề mặt Marconi ST-1810, hệ thống điều khiển hỏa lực ST-1802, thiết bị ngắm bắn quang học Radamec 2400 cùng với thiết bị định vị thủy âm (sonar) gắn liền loại Signaal PHS-32. Từ năm 2015, Hàn Quốc chuyển giao tàu lớp Pohang cho Việt Nam và Philippines, trước khi chuyển giao đã tháo dỡ các bệ phóng tên lửa chống hạm, nhưng vẫn giữ lại pháo hạm 76 mm cùng ngư lôi chống ngầm.

Tên lửa chống hạm KCT-15 có tầm bắn tối đa hơn 150 km và đã được trang bị tàu khu trục tên lửa Gepard-3.9 và BPS-500 của Việt Nam. Đây là một trong những tên lửa chống hạm chính của Hải quân Việt Nam. Các nhà phân tích Trung Quốc tin rằng, sau khi khinh hạm hạng nhẹ Pohang được trang bị tên lửa chống hạm, khả năng chiến đấu chống tàu sẽ được cải thiện rất nhiều, và hiệu suất chống ngầm ấn tượng của nó sẽ giúp tăng cường khả năng chiến đấu của Hải quân Việt Nam.

HQ-20 được Hàn Quốc chuyển giao năm 2018, đến nay đã hoàn thành nâng cấp và đưa vào trực chiến. Nguồn: Sina

Được biết, tàu HQ-20 của Hải quân Việt Nam nằm trong đội hình trực chiến của Lữ đoàn 172 – Vùng 3. Sau khi về nước năm 2018, có thông tin cho rằng tàu HQ-20 phải trải qua quá trình đại tu, sửa chữa lớn tại nhà máy X46 trước khi bước vào tình trạng trực chiến.

Đức Trí/ Theo Infonet

Bài mới
Đọc nhiều