Trung Quốc muốn gì ở Bộ Quy tắc ứng xử ở biển Đông?
Trung Quốc và các thành viên ASEAN đã chính thức bắt đầu đàm phán về COC từ tháng 5-2017.
Phát biểu tại Hội nghị Ngoại trưởng ASEAN – Trung Quốc (TQ) ngày 31-7 trong khuôn khổ Hội nghị Ngoại trưởng ASEAN lần thứ 52, Ngoại trưởng TQ Vương Nghị tuyên bố hai bên đã có những “tiến triển đáng kể” trong quá trình đàm phán Bộ Quy tắc ứng xử ở biển Đông (COC).
Ông Vương cho rằng thành quả trên đạt được là nhờ vào thái độ “thiện chí và hòa giải của các bên liên quan”. “Điều này đánh dấu một cột mốc mới tiến tới hoàn tất COC trong vòng ba năm”, ông Vương cho biết. Ông cũng khẳng định những nội dung đầu tiên quy định hoạt động trên biển Đông của Bắc Kinh và khối ASEAN đã hoàn thành vượt kế hoạch đề ra.
TQ và các thành viên ASEAN đã chính thức bắt đầu đàm phán về COC từ tháng 5-2017 và đưa ra được một dự thảo đầu tiên bao gồm lập trường của các bên liên quan tại Hội nghị Ngoại trưởng ASEAN lần thứ 51 vào tháng 8-2018.
Tuy nhiên, với việc TQ một mặt dùng các biện pháp ngoại giao, một mặt vẫn tiếp tục các hành vi gây hấn trên biển, ASEAN cần phải bước vào vòng đàm phán tiếp theo với một tâm thế dè chừng và cảnh giác.
Lâu nay, lập trường của lãnh đạo TQ đối với phán quyết biển Đông của Tòa trọng tài năm 2016 luôn là nhất mực phản đối, bác bỏ và kiên quyết phủ nhận.
Tuy nhiên, do là một nước tham gia vào Công ước Liên Hiệp Quốc về Luật biển 1982 (UNCLOS), TQ dĩ nhiên không muốn bị chỉ trích là một nước xem thường luật pháp quốc tế. Vì vậy, nước này đang hy vọng có thể thông qua COC để dứt khỏi sự ràng buộc của phán quyết.
Cuộc đối đầu với Mỹ ở eo biển Đài Loan gần đây cũng là một nguyên nhân khác thúc đẩy Bắc Kinh cần nhanh chóng hoàn thành COC để có thể tập trung toàn lực đối phó Washington. Tuy nhiên, để hiểu rõ ý đồ của TQ trong đàm phán COC, cần tập trung vào nền tảng và khuôn khổ mà văn kiện này hình thành.
Thứ nhất, thay vì đàm phán dưới danh nghĩa là một khối ASEAN, 10 nước thành viên chỉ đàm phán với TQ trên danh nghĩa độc lập mỗi quốc gia. Do đó, dự thảo COC đầu tiên tồn tại dưới dạng giống như 11 văn kiện khác nhau với mỗi văn kiện đại diện cho lập trường của 11 nước liên quan chứ không chỉ gồm hai văn kiện, một của TQ và một của toàn bộ phía ASEAN.
Ngoài COC, Hiệp định Đối tác Kinh tế Toàn diện Khu vực (RCEP, gồm 10 nước thành viên ASEAN và Australia, Trung Quốc, Ấn Độ, Nhật Bản, Hàn Quốc và New Zealand – PV) cũng được ASEAN đàm phán theo cách này.
TQ đã có động thái thúc đẩy để biến các đàm phán COC trở thành đàm phán 11 bên.
Theo giới quan sát, TQ có ý đồ muốn đòi hỏi COC phải bao gồm các nội dung: (i) Các điều khoản trong UNCLOS sẽ không áp dụng đối với văn kiện này, (ii) tất cả những cuộc tập trận với các nước ngoài khu vực chỉ được tổ chức với sự đồng ý của tất cả các bên liên quan trong COC (iii) không hoạt động liên quan đến khai thác tài nguyên nào được thực hiện với các nước ngoài khu vực.
Dĩ nhiên, ASEAN không thể nào chấp nhận các yêu cầu này vì như thế sẽ gần như vô hiệu hóa hoàn toàn phán quyết của Tòa trọng tài năm 2016 và hạn chế sự hiện diện của các đối trọng như Mỹ và châu Âu. Theo nguồn tin riêng, ASEAN sẽ không nhượng bộ trước TQ.
Hai bên đang tiến hành những bước chuẩn bị để bước vào giai đoạn đàm phán tiếp theo. Khác với giai đoạn đầu chỉ đơn giản là rà soát và đọc lại để đưa ra được một văn kiện hoàn chỉnh, ASEAN và TQ sắp tới chắc chắn sẽ gặp nhiều khó khăn trong việc khỏa lấp những bất đồng của nhau.
Với vai trò hết sức quan trọng trong hòa giải các tranh chấp trên biển, ASEAN cần tránh đưa ra những quyết định vội vàng làm ảnh hưởng đến quyền lợi chính đáng trong khu vực.
VĨ CƯỜNG/Pháp Luật