‘Trung Quốc muốn biến những cái không hợp pháp thành hợp pháp’
Chuyên gia Ấn Độ: Trung Quốc muốn biến những cái không hợp pháp thành hợp pháp, qua đó họ có thể tự đưa ra tuyên bố chủ quyền trên Biển Đông.
“Trung Quốc muốn biến những cái không hợp pháp thành hợp pháp, qua đó họ có thể tự đưa ra tuyên bố chủ quyền trên Biển Đông. Vì thế, các nước cần đưa ra một Tuyên bố chung yêu cầu Trung Quốc ngừng ngay các hành động phi pháp trên Biển Đông thay vì đưa ra các tuyên bố đơn lẻ”.
Nhà nghiên cứu Pooja Bhatt, trường Nghiên cứu Quốc tế, Đại học Jawaharlal Nehru, Ấn Độ đưa ra nhận định này trong cuộc trả lời phỏng vấn PV. Chuyên gia này cũng cho rằng, không một cường quốc nào có thể cho mình cái quyền tự mình “dẫm chân lên luật pháp quốc tế”.
PV: Bà đánh giá như thế nào về việc Trung Quốc tuyên bố thành lập cái gọi là Tây Sa và Nam Sa thuộc hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa thuộc chủ quyền của Việt Nam?
Nhà nghiên cứu Pooja Bhatt: Thời điểm Trung Quốc đưa ra quyết định này rất đáng chú ý. Đó là lúc cả thế giới đang quay cuồng với đại dịch Covid-19, nên không thể phòng bị, cũng không kịp đưa ra phản ứng. Trung Quốc vẫn tiến hành từng bước đi cụ thể trong chiến lược đơn phương của mình. Đây cũng là thời điểm, các tàu sân bay của Mỹ tại khu vực không thể hoạt động vì có người nhiễm Covid-19. Bởi vậy, đây là cơ hội thuận lợi để Trung Quốc mở rộng các lợi ích và tiếp tục các hoạt động của mình tại khu vực.
Ngoài ra, Trung Quốc cũng muốn nhân cơ hội này thúc đẩy các hành động của mình trở thành một thực tế bình thường. Việc Trung Quốc cử đội tàu sân bay Liêu Ninh đi vào biển Đông diễn tập là một ví dụ. Trung Quốc muốn biến những hoạt động quân sự này thành một điều bình thường, buộc các nước trong khu vực phải chấp nhận. Điều này nhằm phục vụ các lợi ích của Trung Quốc.
Thế giới đang nhận ra cách Trung Quốc sắp đặt các hoạt động quân sự cùng các hoạt động dân sự khác tại Biển Đông, như một bước đệm chuẩn bị cho các yêu sách chủ quyền tiếp theo trong tương lai. Tôi nhìn thấy những chiến lược của Trung Quốc qua các hoạt động này.
PV: Với việc thành lập cái gọi là Tây Sa và Nam Sa, Trung Quốc đẩy mạnh chiến lược Tứ Sa mà họ công bố năm 2017. Thực chất, việc đưa ra chiến lược Tứ Sa chính là một hình thức mới thay thế cho chiến lược Bản đồ đường 9 đoạn đã bị Toà Trọng tài bác bỏ năm 2016. Bà bình luận như thế nào về tính toán này?
Nhà nghiên cứu Pooja Bhatt: Chúng ta thấy ở đây hai chiến lược khác nhau của Trung Quốc nhằm tuyên bố chủ quyền trên Biển Đông. Trước hết là yêu sách đường 9 đoạn, khởi đầu, ý tưởng này vẽ ra 11 đoạn tại Biển Đông chạy qua các điểm để tạo ra lãnh thổ trên biển củaTrung Quốc, sau đó giảm xuống còn 9 đoạn. Nhưng sau đó, Trung Quốc không đưa ra được lập luận nào thuyết phục để bảo vệ cho yêu sách của họ. Nếu quan sát những văn bản của Trung Quốc đưa ra từ năm 2013 trở lại đây, nước này đã dừng sử dụng cụm từ “đường 9 đoạn’’, thay vào đó là cụm từ “các vùng nước có liên quan’’ hoặc “các vùng nước bên trong’’.
Tương tự như vậy, khái niệm Tứ Sa được Trung Quốc đưa ra vào khoảng năm 2017. Đây là sự chuyển đổi chiến lược nhằm giành lấy những lập luận pháp lý vững chắc hơn. Trung Quốc không còn tuyên bố chủ quyền theo yêu sách Đường 9 đoạn nữa mà gắn các yêu sách vào từng các đảo riêng biệt như chúng ta đã nói ở đây là Tây Sa và Nam Sa theo cách tự gọi của Trung Quốc.
Về cơ bản, họ muốn đưa ra các yêu sách chủ quyền với các hòn đảo mà họ chiếm đóng trái phép hoặc tự bồi đắp trên Biển Đông, thiết lập đơn vị hành chính để từ đó, họ có quyền tuyên bố chủ quyền với các vùng nước xung quanh các hòn đảo này là vùng đặc quyền kinh tế. Tuy nhiên, theo tôi còn tồn tại nhiều vấn đề ở đây. Bản thân việc xác lập vị trí của những hòn đảo này hiện đang còn tranh cãi, thậm chí nhiều trong số đó còn không được coi là đảo.
Một vùng lãnh thổ trên biển muốn tuyên bố có vùng đặc quyền kinh tế thì trước hết cấu tạo vùng đất đó phải là đảo nổi theo quy định của Công ước của Liên hợp quốc về Luật biển năm 1982.. Điều mà Trung Quốc đang cố gắng làm ở đây là phát triển các hòn đảo nhân tạo để “phù phép” biến những hòn đảo họ tự bồi đắp thành hợp pháp. Ở tương lai gần, có thể là sau vài năm nữa, nước này có thể tiến tới tuyên bố lãnh thổ trên biển hoặc tuyên bố vùng đặc quyền kinh tế (EEZ) của các hòn đảo này. Tuy nhiên, như tôi đã nói, việc công nhận tính hợp pháp của những hòn đảo mà Trung Quốc tự bồi đắp hoặc chiếm đóng trái phép tiếp tục là vấn đề tranh cãi nên tôi nghĩ họ không dễ hiện thực âm mưu này. Tuy nhiên, nó lại là điểm khiến cộng đồng quốc tế dễ bị mất phương hướng.
Là một bên tham gia Công ước LHQ về Luật biển 1982, Trung Quốc phải tuân thủ các quy định, các điều nêu trong Công ước này. Trung Quốc phải chứng minh được họ dựa vào cơ sở nào để đưa ra các yêu sách về chủ quyền. Họ không thể dựa vào yêu sách đường 9 đoạn được và cả chiến lược Tứ Sa vì đó là những chiến lược vô giá trị.
PV: Bên cạnh việc tuyên bố thành lập cái gọi là Tây Sa và Nam Sa, Trung Quốc những ngày qua còn đưa tàu khảo sát Hải Dương Địa chất 8 trở lại Biển Đông. Theo bà, Trung Quốc muốn hướng tới mục tiêu gì qua hành động này?
Nhà nghiên cứu Pooja Bhatt: Động thái của Trung Quốc lần này rất giống với hoạt động của nhóm tàu Hải dương 8 hồi tháng 7 đến tháng 9 năm ngoái ở gần bãi Tư Chính. Tàu Hải Dương 8 được cho là nhằm triển khai các hoạt động khảo sát, tuy nhiên, vai trò của nó ở đây như là một công cụ. Việc đưa tàu Hải dương 8 vào Biển Đông giống như một động thái răn đe mạnh mà Trung Quốc đưa ra nhằm vào các nước có liên quan trên Biển Đông hơn là việc khảo sát thực chất. Với việc phái các tàu Hải cảnh đi cùng, Trung Quốc muốn tỏ rõ áp lực răn đe, sẵn sàng hành động vào lúc mà thế giới và các nước ven biển Đông đang vất vả giải quyết dịch Covid-19.
PV: Bà nhận định như thế nào về các biện pháp mà các nước trong khu vực có thể làm để đối phó với Trung Quốc.
Nhà nghiên cứu Pooja Bhatt: Tôi nghĩ, các nước trong khu vực đã và đang theo dõi sát sao tình hình để đưa ra các tuyên bố đáp trả chính thức của mình. Ngoại trường Malaysia, ngoại trưởng Australia đều đã đưa ra các tuyên bố nói rõ quan điểm của họ. Tôi nghĩ các nước hiện rất cảnh giác với Trung Quốc. Tuy nhiên, quan điểm của tôi cần phải có chiến lược để đối phó với hành động của Trung Quốc. Bởi nếu các nước trong khu vực có thể đưa ra một tuyên bố chung yêu cầu Trung Quốc dừng các bước đi như vậy, nó sẽ có hiệu quả hơn là các tuyên bố đơn lẻ.
Tôi nghĩ cần có những bước đi liên tục, kết nối với nhau để duy trì ổn định và hòa bình tại đây. Giải pháp duy nhất phù hợp là thông qua các biện pháp ngoại giao. Các biện pháp quân sự không phải là lựa chọn phù hợp bởi so sánh vào lúc này, không quốc gia nào trong khu vực có đủ năng lực để thách thức Trung Quốc. Ngoài ra, đây còn là một vùng biển quan trọng, tuyến đường hàng hải lớn của thế giới. Bất cứ leo thang quân sự nào cũng sẽ khiến cả khu vực và thế giới bị ảnh hưởng.
PV: Xin cảm ơn bà .
Phan Tùng/ VOV