+
Aa
-
like
comment

Trung Quốc mong đợi gì từ bầu cử tổng thống Mỹ?

24/08/2020 06:11

Khi người dân Mỹ đang cân nhắc bỏ phiếu ủng hộ đương kim Tổng thống Donald Trump hay đối thủ Joe Biden, các lãnh đạo Trung Quốc cũng phải đối mặt với những câu hỏi khó liên quan.

Liệu thêm 4 năm cầm quyền nữa của ông Trump hay việc ông Biden đắc cử ghế tổng thống Mỹ sẽ có lợi hơn cho các mục tiêu chính trị của Trung Quốc? Bắc Kinh sẽ ứng phó ra sao trước mỗi kịch bản về ông chủ tiếp theo của Nhà Trắng? Theo báo Washington Post, đây là hai câu hỏi được giới quan sát đưa ra bàn luận nhiều trong thời gian gần đây.

Trung Quốc mong đợi gì từ bầu cử tổng thống Mỹ?
Tổng thống Trump (trái) và đối thủ Biden hiện đồng quan điểm về việc Mỹ phải có chính sách cứng rắn đối với Trung Quốc. Ảnh: NBC, NYT

Chủ đề được hâm nóng sau khi William R. Evanina, quan chức tình báo hàng đầu của Mỹ chuyên trách việc giám sát an ninh bầu cử tuyên bố, các nhà lãnh đạo Trung Quốc muốn ông Trump, người Bắc Kinh đánh giá là “không thể đoán trước được” phải ra đi.

Zhu Feng, giám đốc quan hệ quốc tế tại Đại học Nam Kinh (Trung Quốc) cho rằng chính quyền ông Trump làm việc “rất cảm tính”. Tuy nhiên, rất khó để khẳng định Trung Quốc thực sự thích ông Biden hơn.

Mặc dù gây sức ép với Bắc Kinh bằng một loạt chính sách trừng phạt chưa từng có trong hơn 40 năm thiết lập quan hệ ngoại giao chính thức giữa hai nước, nhưng ông Trump được tin theo một số cách đã mang đến các cơ hội quý giá cho Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình ở cả chính trường trong nước lẫn chính trường thế giới.

Cụ thể, theo các nhà bình luận Eva Dou và Gerry Shih, trong bối cảnh chịu nhiều sức ép vì sự giảm tốc phát triển của nền kinh tế đất nước, ông Tập có thể đổ lỗi cho “sự chèn ép” của Washington đối với tất cả những tổn thất đại lục phải gánh chịu, đồng thời xây dựng hình tượng là nhà lãnh đạo kiên cường chống lại sự bắt nạt của nước ngoài.

Trên mặt trận an ninh, Bắc Kinh đã củng cố sức mạnh và cho triển khai luật an ninh quốc gia mới ở đặc khu hành chính Hong Kong. Bắc Kinh cũng tìm cách gia tăng ảnh hưởng toàn cầu khi chính quyền ông Trump rút Mỹ khỏi các tổ chức quốc tế như Tổ chức Y tế thế giới (WHO) và gây mất lòng tin vào các mối quan hệ giữa Washington với các đồng minh từ Á đến Âu.

“Có một học giả Trung Quốc từng nói với tôi rằng, nếu Trung Quốc có thể thuyết phục tất cả các nước trên thế giới xích lại gần nhau và phá hủy các trụ cột sức mạnh của Mỹ, nước Mỹ sẽ không thể thành công khi Donald Trump đơn thương độc mã”, Paul Haenle, cựu quan chức phụ trách vấn đề Trung Quốc trong Hội đồng an ninh quốc gia Mỹ dưới thời hai cựu Tổng thống George W. Bush, Barack Obama và hiện làm giám đốc Trung tâm Carnegie Thanh Hoa ở Bắc Kinh, chia sẻ.

Ông Haenle nói, không phải tất cả các quan chức cấp cao của Trung Quốc đều tán đồng quan điểm trên, nhưng họ nhận ra một số lợi thế khi ông Trump nắm quyền lãnh đạo Mỹ. Bắc Kinh dường như nhìn nhận rằng, cá nhân Tổng thống Trump không quan tâm nhiều hoặc không biết nhiều như một số quan chức trong chính quyền của ông về các vấn đề lãnh thổ then chốt, được Bắc Kinh coi là những lợi ích quốc gia cốt lõi. Trong cuốn hồi ký gây chấn động mới đây, John Bolton, cựu Cố vấn an ninh quốc gia cho ông Trump, đã xác nhận điều này.

Tuy nhiên, quan điểm trên rất khác đối với giới kinh doanh Trung Quốc, những đối tượng đã điêu đứng vì chính sách cứng rắn của chính quyền Trump. Các công ty công nghệ cao của đại lục đặc biệt bị tổn hại nặng nề khi Washington áp lệnh trừng phạt đối với những tên tuổi lớn như “đại gia” phần cứng Huawei hay gã khổng lồ truyền thông Tencent, đe dọa làm tê liệt các doanh nghiệp chủ chốt trong ngành.

Gao Wenbo, một nhà nghiên cứu chính sách công tại Đại học Công nghệ Nam Trung Quốc đã viết trong một bài xã luận gần đây rằng, việc ông Biden thắng cử sẽ mở ra các cơ hội kinh tế cho Bắc Kinh. Song, ông cũng cảnh báo, trong bối cảnh cạnh tranh ảnh hưởng gay gắt giữa hai cường quốc, những nỗ lực của chính khách Dân chủ nhằm tái xây dựng các liên minh của Mỹ cũng như tăng cường vị thế lãnh đạo toàn cầu của nước này có thể dẫn đến một số rủi ro và thách thức cho Trung Quốc.

Cương lĩnh hành động của đảng Dân chủ dành cho cuộc bầu cử tổng thống vào tháng 11 phản ánh, cả hai chính đảng lớn của Mỹ đều nhất trí phải cứng rắn với Bắc Kinh. Tuy nhiên, chính sách này vẫn được coi “ít khắc nghiệt hơn nhiều” so với những gì chính quyền Trump đang theo đuổi.

Giới quan sát ghi nhận, khi cuộc bỏ phiếu bầu lãnh đạo Nhà Trắng cận kề, Trung Quốc trong tháng vừa qua tỏ ra kiềm chế hơn trong việc công kích Mỹ và các nước khác.

Học giả Zhu Feng, người thỉnh thoảng được mời cố vấn cho Chính phủ Trung Quốc đánh giá, nếu ông Trump tái cử một nhiệm kỳ 4 năm nữa, việc đó có thể đẩy hai nước vào một cuộc chiến tranh lạnh mới. Song, Bắc Kinh cần phải sẵn sàng đưa ra những đề nghị “khuyến khích đối thoại” nếu người chiến thắng là đối thủ của ông Trump.

Tuy nhiên, một số nhà phân tích thận trọng cho rằng, khả năng để một chính quyền do ông Biden lãnh đạo điều chỉnh chính sách đối đầu Trung Quốc ngày càng ít dần khi Bắc Kinh vẫn tiếp tục cách ứng xử bị phương Tây lên án.

Tuấn AnhVNN

Bài mới
Đọc nhiều