Trung Quốc mở cửa: Lợi hay hại cho Việt Nam?
Mới đây, trang tin Good morning của Hàn Quốc đã cho đăng tải một bài xã luận rất đáng chú ý liên quan đến Việt Nam với tiêu đề “Trung Quốc mở cửa: Lợi và hại cho Việt Nam”, với mục đích phân tích những cơ hội và thách thức mà Việt Nam phải đối mặt khi Trung Quốc thay đổi chính sách.
Trang Good morning trích dẫn ý kiến của các chuyên gia cho rằng, việc Trung Quốc mở cửa có cả hai tác động tích cực và tiêu cực đối với Việt Nam. Một mặt, việc mở cửa trở lại thị trường xuất khẩu, nối lại các hoạt động đầu tư, thương mại và tác động tích cực đến kinh tế toàn cầu. Mặt khác, doanh nghiệp Việt sẽ phải cạnh tranh gay gắt hơn với doanh nghiệp Trung Quốc.
Sau gần ba năm kiên quyết chống dịch theo chính sách Zero COVID, giờ đây Trung Quốc đang dần nới lỏng. Theo tin từ Reuters, việc nới lỏng các quy định chống dịch bao gồm cho phép người mắc COVID-19 không có triệu chứng hoặc triệu chứng nhẹ được cách ly tại nhà và bỏ quy định xét nghiệm bắt buộc đối với hành khách đi lại trong nội địa.
Ngày 9/12, Vietnam Airlines đã nối lại đường bay bay thương mại thường lệ giữa Việt Nam và Trung Quốc sau gần ba năm tạm dừng. Trong giai đoạn đầu, Vietnam Airlines sẽ nối lại ba đường bay đến Trung Quốc bao gồm: TP HCM – Quảng Châu từ ngày 9/12, Hà Nội – Thượng Hải từ ngày 12/12; và TP HCM – Thượng Hải từ ngày 14/12.
Đây là minh chứng rõ ràng nhất cho việc Trung Quốc đang dần gỡ bỏ chính sách Zero COVID và tiến tới mở cửa trở lại. Và chính điều này cũng mang lại nhiều ý nghĩa tích cực cho Việt Nam, theo Good morning.
Trung Quốc tích cực, kinh tế Việt Nam cũng tích cực
Về quan hệ trực tiếp, Trung Quốc là đối tác chiến lược của Việt Nam trong thương mại, xuất nhập khẩu, trước mắt là thị trường xuất khẩu nông sản, thuỷ sản quan trọng của Việt Nam.
Bên cạnh đó, đây cũng là thị trường cho một số hàng công nghiệp Việt Nam và là nơi cung cấp hàng trung gian, đầu vào cho rất nhiều mặt hàng của Việt Nam sản xuất để xuất khẩu. Trung Quốc là đối tác đứng thứ 6 trong số các nhà đầu tư FDI vào Việt Nam.
Với tác động gián tiếp, kinh tế Trung Quốc đóng góp rất lớn vào tăng trưởng kinh tế toàn cầu và quan hệ của Trung Quốc với các nước. Do đó, nếu kinh tế Trung Quốc tốt lên thì tăng trưởng toàn cầu cũng tươi sáng theo và Việt Nam là nền kinh tế rất mở nên sẽ giảm bớt các tác động tiêu cực từ việc suy thoái kinh tế toàn cầu.
Theo dự báo của Quỹ tiền tệ quốc tế (IMF), hầu hết các nền kinh tế trên thế giới sẽ tăng trưởng chậm lại đáng kể trong năm 2023 nhưng riêng Trung Quốc thì tăng trưởng lại tốt hơn 2022. Theo TS. Võ Trí Thành, lý do khiến quốc gia tỷ dân được dự báo sẽ tăng trưởng tốt hơn năm 2022 mặc dù không ở mức cao là do hai yếu tố: Nới lỏng chính sách Zero COVID và xử lý tốt hơn thị trường bất động sản.
Sau giai đoạn thị trường bất động sản rơi vào khủng hoảng, Trung Quốc đã đưa ra 16 điểm quan trọng để giải cứu toàn diện. Bên cạnh đó, việc Trung Quốc nới lỏng các chính sách Zero COVID sẽ mang đến tác động tích cực đối với chuỗi cung ứng toàn cầu.
Đặc biệt, điểm tích cực nhất là khi Trung Quốc mở cửa là việc tạo ra sức cầu về đầu tư, tiêu dùng, du lịch và cả thương mại đối với Việt Nam khi chúng ta đang rất lo ngại về sức cầu của hàng xuất khẩu trong năm tới.
Thêm vào đó, việc Trung Quốc mở cửa sẽ giảm bớt hiện tượng đứt gãy trong chuỗi cung ứng toàn cầu, giảm chi phí nguyên vật liệu cho doanh nghiệp Việt khi nhiều lĩnh vực của chúng ta đang phải nhập khẩu hàng hoá, thiết bị từ nước này, theo Good morning.
Thứ ba, việc Trung Quốc mở cửa sẽ góp phần để Việt Nam triển khai tốt hơn một số Hiệp định Thương mại tự do có Trung Quốc tham gia như RCEP chẳng hạn, từ đó đa dạng hoá thị trường xuất khẩu.
Tác động tiêu cực từ cạnh tranh “khốc liệt”
Theo Good Morning, lo ngại lớn nhất là vấn đề cạnh tranh giữa doanh nghiệp Việt và doanh nghiệp Trung Quốc. Khi Trung Quốc mở cửa, Việt Nam sẽ phải cạnh tranh trực tiếp ở nhiều mặt hàng xuất khẩu tương đồng. Lâu nay, điều này đã và đang xảy ra rồi nhưng năm tới sẽ càng gay gắt. Các doanh nghiệp Việt Nam sẽ phải nỗ lực rất nhiều để trụ lại và thậm chí là thắng được trong cuộc cạnh tranh đó.
Bên cạnh đó, về lâu dài, việc doanh nghiệp Việt Nam dựa quá nhiều vào một thị trường xuất khẩu nông sản hay nhập khẩu nguyên vật liệu phụ thuộc vào Trung Quốc cũng để lại những hệ luỵ to lớn, theo Good Morning.
Tuệ Ngô (Theo Good morning)