+
Aa
-
like
comment

Trung Quốc lợi dụng tình hình thế giới vi phạm vùng biển Việt Nam

24/07/2019 08:32

Trao đổi với PV , ông Lê Việt Trường, nguyên Phó Chủ nhiệm Ủy ban Quốc phòng – An ninh của Quốc hội cho rằng, đặt sự kiện Trung Quốc cho tàu vi phạm vùng biển của Việt Nam so với sự kiện khác đang diễn ra trên thế giới, giữa mối quan hệ giữa quốc gia này và quốc gia khác đã cho thấy họ có những toan tính.

trung quoc loi dung tinh hinh the gioi vi pham vung bien viet nam hinh anh 1
Ông Lê Việt Trường (ảnh IT).

Việt Nam và Trung Quốc liên tục có những chuyến thăm của lãnh đạo cấp cao và có tuyên bố chung khẳng định tình hữu nghị láng giềng. Việc Trung Quốc cho tàu xâm phạm biển của Việt Nam là đi ngược lại những điều tốt đẹp đang diễn ra thưa ông?

– Đúng như vậy, việc này không phải bây giờ mới diễn ra, trong quan hệ của nước ta với Trung Quốc đã từng trải qua nhiều giai đoạn, thăng trầm có, căng thẳng lên đến đỉnh điểm có. Qua theo dõi những việc đã diễn ra có thể nói việc họ nói một đằng nhưng làm một nẻo vẫn thường xuyên. Vấn đề là chúng ta phải xem mục tiêu chiến lược của họ là gì. Họ định vấn đề gì thì sẽ thể hiện ra.

Có ý kiến cho rằng, Trung Quốc lợi dụng tình hình quốc tế để không bị gây nhiều chú ý khi thực hiện những động thái ở Biển Đông, ông nghĩ sao?

– Đặt sự kiện Trung Quốc cho tàu vi phạm vùng Việt Nam so với sự kiện khác đang diễn ra trên thế giới, giữa mối quan hệ giữa quốc gia này và quốc gia khác cho thấy họ có những toan tính. Thứ nhất hiện nay Hoa Kỳ đang bắt đầu bận rộn cho việc tranh cử Tổng thống; thứ hai Hoa Kỳ cũng đang vướng vào căng thẳng với Iran; thứ ba quan hệ giữa Hoa Kỳ và Triều Tiên cũng chưa cải thiện được bao nhiêu. Trong bối cảnh như vậy Hoa Kỳ khó có thể thể hiện được vai trò của họ ở khu vực Biển Đông hoặc cũng không thể làm căng được.

Bên cạnh đó hiện nay Hoa Kỳ và Trung Quốc cũng đang vướng mắc nhau về chuyện thương mại. Cho nên đây là thời điểm để Trung Quốc có những toan tính và có những động thái của họ. Tôi cho rằng việc Trung Quốc vi phạm vào vùng biển của Việt Nam so với các sự kiện quốc tế khác thì việc này dễ bị “chìm” đi hay nói cách khác không được dư luận chú ý nhiều, bởi quốc tế đang bị hút vào các điểm nóng khác.

trung quoc loi dung tinh hinh the gioi vi pham vung bien viet nam hinh anh 2
Động thái của Trung Quốc gây căng thẳng cho khu vực Biển Đông (ảnh IT).

Dù tình hình căng thẳng nhưng chúng ta luôn phải kiên trì đấu tranh bằng những giải pháp hòa bình, lên án sự vi phạm đó bằng ngoại giao và luật pháp quốc tế, thưa ông?

– Đúng như vậy, bởi không thể khác được. Chúng ta đã công khai yêu cầu Trung Quốc rút các tàu vi phạm tại vùng biển Nam Biển Đông, nếu Trung Quốc vẫn tiếp tục thì Việt Nam cần phải đấu tranh cao hơn, mạnh mẽ hơn về mặt ngoại giao. Chúng ta phải nói rõ và liên tục nhắc đi nhắc lại là vùng biển của chúng ta được xác định theo Công ước của Liên hợp quốc về Luật Biển năm 1982. Nếu như chúng ta không quyết liệt để “nước chảy bèo trôi” sẽ rất nguy hiểm, bởi từ đó dễ rơi vào bẫy từ chỗ không tranh chấp thành tranh chấp, từ tranh chấp thành gác lại tranh chấp cùng khai thác.

Chúng ta tiếp tục công khai các thông tin đúng sự thật, nói rõ đúng sai, thượng tôn pháp luật, không chỉ cho nhân dân trong nước hiểu, cho các nước trong khu vực và Liên Hợp Quốc biết rõ. Chúng ta phải phát huy kinh nghiệm từ những cuộc đấu tranh trước đó như thời gian Trung Quốc đưa giàn khoan Hải Dương 981 xâm phạm vùng biển của Việt Nam (năm 2014).

Chúng ta cũng phải mở rộng thông tin, cho báo chí nước ngoài tiếp cận sự thật để cuộc đấu tranh chính nghĩa của chúng ta lan tỏa hơn, thưa ông?

– Hiện nay ở mỗi quốc gia, ngoài các kênh thông tin của nhà nước còn có các kênh thông tin từ xã hội. Tuy nhiên dư luận từ các quốc gia trên thế giới khi họ xem xét sự việc, sự thật thế nào, ai đúng, ai sai bao giờ họ cũng chờ đợi từ kênh thông tin chính thức của nhà nước. Chính vì thế vai trò từ những kênh thông tin chính thống của nhà nước rất quan trọng.

Về sự kiện Trung Quốc đưa tàu vi phạm thềm lục địa của Việt Nam, chúng ta cần phải nói đi, nói lại cho quốc tế rõ. Chúng ta kiên trì, khi chúng ta làm đúng, cuộc đấu tranh của chúng ta là chính nghĩa, sớm muộn gì các nước cũng nhận ra.

Trên thực địa chúng ta cũng có có sự hiện diện nhiều hơn nữa của ngư dân, để cùng tham gia vào gìn giữ chủ quyền lãnh thổ thưa ông?

– Đúng như vậy. Vừa qua Đảng và Nhà nước ta có chủ trương rất tốt để hỗ trợ cho ngư dân đóng tàu vỏ thép vươn khơi xa bám biển, cùng với lực lượng chấp pháp giữ gìn chủ quyền lãnh thổ. Điều đáng tiếc là liên quan đến câu chuyện này lại xảy dấu hiệu tiêu cực khi không ít tàu vỏ thép chưa hoạt động được bao lâu đã hen rỉ, hư hỏng phải nằm bờ.

Hiện nay Trung Quốc có dân quân biển, nhưng họ có điểm hạn chế là tính từ đảo Hải Nam vươn xuống phía Nam rất xa. Còn chúng ta tuy không có nhiều phương tiện như họ nhưng ngư dân chúng ta ra biển lại gần hơn họ rất nhiều.

Xin cảm ơn ông (!).

Ngày 19/7 vừa qua, người phát ngôn Bộ Ngoại giao Việt Nam Lê Thị Thu Hằng cho biết, nhóm tàu khảo sát Hải dương Địa chất 8 của Trung Quốc có hành vi vi phạm vùng đặc quyền kinh tế và thềm lục địa Việt Nam ở khu vực phía Nam Biển Đông.

“Trong những ngày qua, nhóm tàu khảo sát Hải Dương 8 của Trung Quốc đã có hành vi vi phạm vùng đặc quyền kinh tế và thềm lục địa Việt Nam ở khu vực phía Nam Biển Đông. Đây là vùng biển hoàn toàn của Việt Nam, được xác định theo đúng các quy định của Công ước của Liên Hiệp Quốc về Luật biển 1982 mà Việt Nam và Trung Quốc đều là thành viên”, người phát ngôn Bộ Ngoại giao Việt Nam Lê Thị Thu Hằng nhấn mạnh.

Theo người phát ngôn Bộ Ngoại giao, Việt Nam đã tiếp xúc nhiều lần với phía Trung Quốc ở các kênh khác nhau, trao công hàm phản đối, kiên quyết yêu cầu chấm dứt ngay các hành vi vi phạm, rút toàn bộ tàu ra khỏi vùng biển Việt Nam…

(Theo Dân Việt)

Bài mới
Đọc nhiều