Trung Quốc lợi dụng Covid-19 đẩy mạnh yêu sách chủ quyền ở Biển Đông
Các hành động của Trung Quốc ở Biển Đông làm cho tình hình trở nên căng thẳng hơn, nhất là khi cả thế giới đang phải gồng mình chống đại dịch Covid-19.
Trong bối cảnh thế giới chịu nhiều tổn thất liên quan đến Covid-19 và bất ổn tại các quốc gia phương Tây do phân biệt sắc tộc, thì tình hình tại khu vực Biển Đông tiếp tục căng thẳng, trở thành mối đe dọa nghiêm trọng đối với hòa bình và an ninh thế giới. Nguyên nhân xuất phát từ chính sách của một quốc gia trong khu vực – Trung Quốc. Bắc Kinh đơn phương thiết lập sự hiện diện quân sự và kinh tế của mình tại các vùng lãnh thổ tranh chấp, trước hết là trên các đảo ở Hoàng Sa và Trường Sa.
Những hành động của Trung Quốc đã bỏ qua các quy tắc của luật pháp quốc tế, gây ra quan ngại nghiêm trọng đối với các quốc gia trong khu vực châu Á-Thái Bình Dương, cũng như cộng đồng quốc tế.
Nhật Bản tố Trung Quốc lợi dụng Covid-19 để thực hiện yêu sách lãnh thổ
Báo cáo quốc phòng hàng năm của Nhật buộc tội Trung Quốc thúc đẩy các yêu sách lãnh thổ giữa lúc đại dịch Covid-19 hoành hành và nghi Bắc Kinh phát tán thông tin sai lạc.
“Trung Quốc đang tiếp tục nỗ lực thay đổi hiện trạng ở Biển Hoa Đông và Biển Đông”, Tokyo cho biết trong sách trắng quốc phòng vừa được chính phủ của Thủ tướng Abe Shinzo phê chuẩn hôm nay (14/7).
Theo Reuters, sách trắng của Nhật mô tả những lần xâm phạm “liên tiếp” của Trung Quốc tại các vùng lãnh hải quanh nhóm đảo mà cả Tokyo và Bắc Kinh đều tuyên bố chủ quyền ở Hoa Đông. Đó là chuỗi đảo mà Nhật gọi là Senkaku còn Trung Quốc gọi là Điếu Ngư. Tại Biển Đông, Nhật cho rằng Bắc Kinh đã rất quả quyết trong các yêu sách chủ quyền bằng cách ngang ngược lập quận hành chính xung quanh các đảo mà Trung Quốc chiếm đóng trái phép.
Chỉ trích của Nhật với Trung Quốc đã nhắc lại các bình luận mà Mỹ từng đưa ra. Các tuyên bố của Washington và Tokyo được phát đi trong bối cảnh căng thẳng gia tăng trong vùng và Mỹ-Trung tiến hành những cuộc tập trận riêng rẽ tại Biển Đông. Quan hệ giữa hai nền kinh tế lớn nhất thế giới đang xấu đi.
Sách trắng quốc phòng của Nhật cũng cho hay, Trung Quốc dường như phải chịu trách nhiệm về các thông tin sai lệch. Những thông tin không đúng được lan truyền trên internet bao gồm cả chuyện virus corona do một thành viên quân đội Mỹ đưa tới Trung Quốc hay các phương thuốc thảo mộc của Trung Quốc có thể trị Covid-19.
Lợi dụng tình hình Covid-19 để đẩy mạnh yêu sách Biển Đông
Tướng Kevin Schneider cho rằng Trung Quốc đã gia tăng các hoạt động trên biển Đông với sự tham gia của các tàu hải quân, tàu hải cảnh và tàu cá của dân quân biển nhằm quấy rối các tàu khác ở khu vực mà Bắc Kinh ngang ngược yêu sách chủ quyền. Ông trả lời phỏng vấn của Reuters: “Trong khủng hoảng dịch Covid-19, chúng tôi nhận thấy sự tăng vọt các hoạt động hàng hải (của Trung Quốc ở biển Đông)” cho biết Bắc Kinh cũng gia tăng các hoạt động ở biển Hoa Đông.
Theo Tướng Kevin, Trung Quốc có khả năng sẽ tiếp tục đẩy mạnh các hoạt động này trong thời gian tới. Tướng Kevin cũng cho biết, ngoài Biển Đông, Trung Quốc cũng gia tăng các hoạt động của mình ở biển Hoa Đông.
Đẩy mạnh xâm phạm các nước láng giềng trong đại dịch Covid-19
Trung Quốc gần đây thực hiện một loạt hoạt động gây hấn ở Biển Đông trong bối cảnh các nước tập trung đối phó với Covid-19. Bắc Kinh điều tàu khảo sát địa chất Hải Dương 8 đi vào vùng đặc quyền kinh tế của Việt Nam, sau đó bám theo tàu khoan của Malaysia. Tàu hải cảnh Trung Quốc cũng đâm chìm tàu cá của ngư dân Việt Nam. Bắc Kinh còn đơn phương tuyên bố thành lập các đơn vị hành chính ở Biển Đông, đặt tên cho các thực thể và cấm đánh bắt cá.
Gần đây nhất, vào giữa tháng 4/2020, Trung Quốc một lần nữa làm rúng động các nước láng giềng bởi các kế hoạch mới nhằm mở rộng ảnh hưởng và quyền tài phán của họ đối với các lãnh thổ của quốc gia khác. Trung Quốc tuyên bố đang xây dựng đơn vị hành chính mới trên các quần đảo tranh chấp thuộc Hoàng Sa và Trường Sa, đó là quận đặc biệt với trung tâm hành chính ở “thành phố Tam Sa”, tỉnh Hải Nam. Quận này được coi là một bộ phận của Trung Quốc. Đồng thời, Trung Quốc đã đặt tên mới cho 80 thực thể ở Biển Đông. Theo Reuters, có thể các bước đi này chỉ mang tính biểu tượng nhưng cũng thể hiện rõ mong muốn của Bắc Kinh củng cố quyền của mình đối với hầu hết khu vực Biển Đông bằng mọi cách.
Việt Nam đã có công hàm phản đối mạnh mẽ, tuyên bố rằng quyết định thành lập các quận riêng biệt của chính quyền Trung Quốc là phi pháp và trái với tinh thần láng giềng tốt trong quan hệ hai nước. Việt Nam yêu cầu Trung Quốc tôn trọng chủ quyền đối với các đảo của mình ở Biển Đông, hủy bỏ các quyết định đã đưa ra và ngăn chặn các bước đi tương tự trong tương lai. Nhưng Trung Quốc đã không có bất kỳ phản ứng tích cực nào trước đề nghị từ Việt Nam, và rõ ràng họ sẽ tiếp tục theo đuổi chính sách phát triển dần các đảo và rạn san hô chiếm đóng trong khu vực Biển Đông bằng cách này hoặc cách khác.
Trung Quốc hồi đầu tháng 7 tiến hành cuộc tập trận trái phép tại quần đảo Hoàng Sa của Việt Nam. Việt Nam đã trao công hàm phản đối cuộc tập trận phi pháp của Trung Quốc, yêu cầu nước này không lặp lại những hành vi tương tự trong tương lai.
Xin trích lời của Ngoại trưởng Mỹ Mike Pompeo “Trung Quốc cũng đã nói dối về đại dịch COVID-19 và để cho lây lan ra toàn thế giới. Trong lúc đó, Trung Quốc gây sức ép lên Tổ chức Y tế thế giới (WHO) để hỗ trợ chiến dịch che đậy của họ. Hàng trăm ngàn người đã chết và nền kinh tế toàn cầu đã bị phá hủy một phần lớn”. “Trung Quốc đang quân sự hóa Biển Đông và tuyên bố chủ quyền phi pháp tại đó, đe dọa các tuyến đường biển sống còn… ngay trong đại dịch Covid-19”.
Trung Quốc thông qua luật an ninh Hong Kong
Ủy ban Thường vụ Quốc hội Trung Quốc ngày 30-6 thông qua luật an ninh quốc gia dành cho đặc khu hành chính Hong Kong.
Cảnh sát Hong Kong giơ biển cảnh báo người dân sẽ dùng hơi cay để giải tán đám đông. (Nguồn AP)
Trung Quốc công bố chi tiết luật an ninh quốc gia mới gây tranh cãi đối với Hong Kong, chấm dứt tình trạng mập mờ kéo dài nhiều tuần qua, vốn làm trầm trọng thêm các quan ngại về việc Bắc Kinh làm suy yếu quyền tự do tại trung tâm tài chính toàn cầu này.
Luật bảo vệ an ninh quốc gia tại Hong Kong tổng cộng có 66 Điều, chia làm 6 chương, nội dung bao gồm: Các nguyên tắc chung, chức năng và cơ cấu bảo vệ an ninh quốc gia của Đặc khu hành chính Hong Kong, hành vi phạm tội và xử phạt, thẩm quyền xét xử vụ án, trình tự áp dụng pháp luật, cơ cấu bảo vệ an ninh quốc gia của trung ương đóng tại Đặc khu hành chính Hong Kong và các điều khoản bổ sung.
—–
Trung Quốc gây hấn với Ấn Độ và Bhutan
Vụ đụng độ giữa binh sĩ Ấn Độ và Trung Quốc hôm 15-6 là cuộc đối đầu lớn nhất giữa quân đội hai nước sau các cuộc đụng độ ở đèo Nathu La vào năm 1967. Đây cũng là vụ đụng độ dẫn tới chết chóc đầu tiên giữa hai nước kể từ năm 1975.
Binh sĩ Trung Quốc được cho là đã sử dụng đá, gậy sắt có hàn đinh khi đối đầu với binh sĩ Ấn Độ.
Giữa lúc căng thẳng với Ấn Độ leo thang, Trung Quốc bất ngờ gây hấn với Bhutan. Cụ thể, Bộ Ngoại giao Bhutan hôm 29.6 đã gửi công hàm phản đối Đại sứ quán Trung Quốc tại New Delhi (Ấn Độ) sau khi Bắc Kinh bất ngờ tuyên bố chủ quyền đối với khu bảo tồn đời sống hoang dã Sakteng, nằm ở phía đông Bhutan.
Thành Nhân