+
Aa
-
like
comment

Trung Quốc “lộ bài” khi diễn tập trai phép

15/03/2021 15:52

Cuộc diễn tập đổ bộ được Trung Quốc tiến hành cách đây một tuần ở khu vực biển Đông đã phần nào cho ta thấy, chiến thuật đổ bộ “mạnh, nhanh, nhiều” được nước này sử dụng.

Theo tin từ Kênh Quân sự Quốc phòng của Đài Phát thanh và Truyền hình Trung ương Trung Quốc (CCTV), gần đây Chiến khu Nam của Trung Quốc, phối hợp với Hải quân đã tiến hành tập trận đổ bộ liên hợp quy mô lớn trái phép mang tên “Ảo ảnh” trên quần đảo Hoàng Sa, thuộc chủ quyền Việt Nam.
Theo CCTV, các binh lính Trung Quốc tham gia cuộc tập trận đổ bộ đường biển đã “dựa vào thực tiễn như một trận chiến”, tìm hiểu các chiến thuật tác chiến phối hợp, trong các hoạt động chung giữa hải quân và không quân với cường độ cao, và thực hiện một số đổi mới chiến thuật.
Đây là cuộc tập trận “đầu tiên trong năm”, do lực lượng hải quân thuộc Chiến khu Nam bộ dẫn đầu, với sự tham gia phối hợp của tất cả các binh chủng và vũ khí. Lực lượng sử dụng bao gồm: 1 khu trục hạm Kiểu 052D (tàu số 175 “Yinchuan”) và 1 khinh hạm Kiểu 054A (tàu số 568 “Hengyang”) thuộc phân đội tàu khu trục hải quân.
Hai tàu đổ bộ Type 071 thuộc một phân đội tàu đổ bộ (1 tàu số 987 “Wuzhishan”, và một tàu khác là tàu số 989 “Changbaishan”). Một tàu tiếp liệu cỡ lớn kiểu 901 (tàu số 967 “Chagan Lake”) và một tàu trinh sát điện tử kiểu 815A (tàu “Ngôi sao Tianshu” số 857) của một phân đội tàu hỗ trợ chiến đấu.
Đồng thời, hai tàu đổ bộ đổ bộ Kiểu 071 cũng được trang bị một số tàu đổ bộ đệm khí loại 726A “Mustang”. Đánh giá từ số lượng thân tàu được công bố, chúng bao gồm các tàu tương đối mới số 3320 và số 3334. Ngoài ra, có một tàu đổ bộ đệm khí cỡ lớn Bison tham gia cuộc tập trận này.
Chiến khu Nam Trung Quốc cho biết, đây là “cuộc diễn tập chiến đấu đổ bộ”, hai tàu đổ bộ kiểu 071 và một số tàu đổ bộ đệm khí kiểu 726A chở theo xe tăng chủ lực Type 96A và các binh sĩ thủy quân lục chiến với đầy đủ vũ khí, rời tàu đổ bộ Type 071 và cập vào đảo.
Trong quá trình đổ bộ, khu trục hạm Type 052D, tàu hộ vệ Type 054A và một tàu hỗ trợ làm nhiệm vụ cảnh giới vòng ngoài, trong khi một tiêm kích Su-30 MKK và một máy bay ném bom H-6K yểm trợ từ trên không.
Lực lượng Thủy quân lục chiến thuộc Lữ đoàn 73 – Chiến khu Nam bộ, được hỗ trợ bởi một số trực thăng vũ trang Z-8J, đã thực hành đổ bộ chiếm đảo từ tàu đổ bộ Type 071.
Ngoài lực lượng Hải quân của Chiến khu Nam bộ đảm nhận vị trí chủ đạo trong cuộc tập trận, các lực lượng phòng không, tên lửa và lực lượng hỗ trợ chiến lược của Chiến khu Nam bộ cũng đồng thời tham gia cuộc tập trận.
Theo phân tích của giới chuyên gia, đánh giá chung, rất nhiều binh chủng và vũ khí đã được sử dụng. Đây có thể coi là cách thức tiến hành chiến tranh đổ bộ đường biển điển hình, mà Trung Quốc đã nghiên cứu suốt nhiều chục năm qua.
Mặc dù cuộc tập trận “Ảo ảnh” của Chiến khu Nam bộ không có màn bắn đạn thật, nhưng lại có kèm việc sử dụng các tàu đệm khí để vận chuyển xe tăng chiến đấu hạng nặng Type 96A, hỗ trợ hỏa lực đánh chiếm mục tiêu đầu cầu; nên không thể đánh giá thấp về quy mô.
Vậy mục đích của cuộc tập trận này thực chất là gì? Mặc dù quân số sử dụng thực tế không lớn, nhưng Trung Quốc đã triển khai các tàu mặt nước lớn, thủy quân lục chiến, trực thăng vũ trang, khu trục hạm, máy bay ném bom tầm xa.
Ngoài ra, tham diễn tập còn có các đơn vị tên lửa chiến thuật, lữ đoàn xe tăng hạng nặng, và thậm chí cả loạt binh chủng và đơn vị binh chủng; có thể phỏng đoán quy mô của cuộc tập trận này có thể lên tới cấp chiến dịch, chứ không hề “tầm thường”.
Quan sát từ quy mô của cuộc tập trận nhận thấy, đây có thể là một cuộc diễn tập cấp chiến lược trên bản đồ, nhưng có sử dụng một phần thực binh mô phỏng, nhằm kiểm tra chiến thuật tác chiến chung, của lực lượng hải quân và không quân sau nhiều năm cải tổ của quân đội Trung Quốc.
Đánh giá từ những hình ảnh của cuộc tập trận, mặc dù cuộc tập trận do lực lượng hải quân Chiến khu Nam bộ thống lĩnh và chỉ huy, nhưng đã xuất hiện một số lượng lớn quân nhân mặc quân phục không quân, lục quân và binh chủng tên lửa, có nghĩa là các binh chủng đã được điều động.
Vậy nhiệm vụ quan trọng hơn của cuộc tập trận này là kiểm tra cách thực hiện phối hợp giữa các quân, binh chủng, dưới sự chi viện của một số đơn vị và vũ khí nhất định; đồng thời thực hiện các nhiệm vụ chiến đấu cùng nhau, khi tác chiến ở những vùng biển xa căn cứ.
CCTV cho biết cuộc diễn tập nhằm “khai thác chiến thuật và phương pháp hiệp đồng tác chiến quân binh chủng”. Đợt diễn tập trên diễn ra trong bối cảnh căng thẳng tại eo biển Đài Loan và Biển Đông leo thang. Nguồn ảnh: Sina.

Tiến Minh

Tags:
Bài mới
Đọc nhiều