+
Aa
-
like
comment

Trung Quốc lên tiếng về hình ảnh ‘méo kỳ lạ’ của con đập Tam Hiệp

Tùng Lâm - 23/06/2020 09:32

Truyền thông nhà nước Trung Quốc khẳng định đập Tam Hiệp vẫn an toàn, trong lúc có nhiều thông tin nói con đập thủy điện lớn nhất thế giới này có nguy cơ vỡ ngay trong mùa mưa năm nay.

Trung Quốc nói đập Tam Hiệp còn nguyên dù mưa lớn làm nước về nhiều hơn - Ảnh 1.
Bức ảnh trên Google Map cho thấy một đoạn của đập Tam Hiệp bị lõm vào đã không nhận được sự giải thích của tập đoàn quản lý.

Các khu vực phía nam và đông Trung Quốc đang trải qua mùa mưa khó lường. Mưa lớn trên diện rộng kéo dài gây lũ lụt và ảnh hưởng tới cuộc sống ít nhất 2 triệu người, thiệt hại kinh tế lên tới hàng tỉ nhân dân tệ.

Mực nước tại hồ chứa của đập Tam Hiệp đã chạm mốc 147m vào cuối tuần trước, cao hơn 2m so với mức cảnh báo lũ. Lưu lượng nước đổ về tăng từ 20.500 m3/s lên 26.500 m3/s chỉ sau một ngày làm dấy lên nhiều lo lắng cấu trúc đập đang đứng trước sức ép lớn và người dân gần đó cần được sơ tán ngay lập tức.

Tin đồn về đập Tam Hiệp sắp vỡ trên một số tờ báo phương Tây như đổ thêm dầu vào lửa buộc truyền thông nhà nước Trung Quốc phải lên tiếng.

Thời báo Hoàn Cầu của Đảng Cộng sản Trung Quốc ngày 22-6 dẫn lời một số chuyên gia khẳng định đập Tam Hiệp được thiết kế để đủ sức chịu nhiều áp lực hơn như thế.

Ông Guo Xun, nhà nghiên cứu tại Viện Cơ học kỹ thuật Trung Quốc, khẳng định đập Tam Hiệp vẫn an toàn kể cả khi mực nước tại hồ chứa cao tới 175m và lưu lượng nước đổ về đạt 75.000 m3/s.

Ông này cũng lưu ý việc mực nước hiện tại cao hơn mức cảnh báo lũ 2m nghĩa là Tam Hiệp cần phải xả đập để giữ lại cân bằng.

“Tuy nhiên, đây là chuyện bình thường trong mùa mưa. Nước không phải là thách thức lớn với hồ chứa”, Guo khẳng định.

Trung Quốc nói đập Tam Hiệp còn nguyên dù mưa lớn làm nước về nhiều hơn - Ảnh 2.
Xả nước từ hồ chứa đập Tam Hiệp

Tân Hoa xã không phủ nhận các tin đồn hay khẳng định sự an toàn tại đập Tam Hiệp. Thay vào đó, cơ quan thông tấn này phát đi bản tin về số lượng tàu thuyền đi qua đập trong năm 2019 và 16 năm trước đó.

Tân Hoa xã khẳng định hệ thống “thang máy” dành cho tàu bè tại đập Tam Hiệp cũng như nhiều cấu trúc khác của nó vẫn an toàn. Năm 2019, có đến 146 triệu tấn hàng hóa đã được vận chuyển qua các âu tàu của Tam Hiệp.

Đây không phải là lần đầu tiên siêu đập thủy điện của Trung Quốc bị đồn sắp vỡ tung. Hồi năm ngoái, một bức ảnh trên Google Map cho thấy một đoạn của đập Tam Hiệp bị lõm như thể đang phải chịu một sức ép cực lớn.

Tập đoàn đập Tam Hiệp sau đó phải lên tiếng khẳng định công trình vẫn an toàn, rằng trong khi các biến dạng vẫn có thể xảy ra nhưng sẽ không làm ảnh hưởng tới đập bởi vẫn trong độ đàn hồi an toàn.

Đập Tam Hiệp hiện vẫn giữ kỷ lục đập thủy điện lớn nhất thế giới với 34 tổ máy phát điện, cho phép đạt công suất tới 22.500 MW.

Công trình bao gồm một con đập dài 2.309m, cao 185m nằm chắn ngang sông Dương Tử. Chi phí xây dựng hơn 30 tỉ USD tính từ thời điểm khởi công năm 1994.

Đông Phương ngày 23/6 dẫn tin Bộ tổng chỉ huy phòng chống lũ lụt và hạn hán quốc gia của Quốc Vụ viện Trung Quốc, tính đến ngày 15/6, đợt mưa lũ này đã khiến tổng cộng 8 triệu 521 ngàn người ở 24 tỉnh, thành. khu tự trị bị ảnh hưởng, gần nửa triệu người đã phải sơ tán và sơ tán, hơn 7.300 ngôi nhà bị sập. Thiệt hại kinh tế trực tiếp là 20,67 tỷ nhân dân tệ.

Thành phố Tuân Nghĩa, Quý Châu chìm trong lũ

Vùng thượng lưu, trung lưu và hạ lưu của sông Dương Tử đều bị ảnh hưởng bởi mưa lớn, mực nước trong khu vực hồ chứa Tam Hiệp tăng lên và đã vượt quá mức cảnh báo lũ lụt gần 2 mét vào Chủ nhật (21/6). Trên mạng Trung Quốc gần đây đã lan truyền một bài báo phân tích về thương vong cụ thể của vụ vỡ đập; trong đó nói rằng nếu đập Tam Hiệp bị vỡ hoàn toàn, hơn 10 tỷ mét khối lũ sẽ trút xuống trong một thời gian ngắn và khu vực ven sông từ đập Tam Hiệp đến thành phố Trường Sa, Hồ Nam sẽ phải chịu đựng tác động trực tiếp của trận lụt với lưu lượng đỉnh lũ là 1 triệu đến 2,37 triệu mét khối mỗi giây và tốc độ xả sẽ cao tới 100 km mỗi giờ, thiệt hại sẽ rất thảm trọng.

Bài báo chỉ ra rằng độ cao trung bình của mặt đất ở thành phố Nghi Xương, tỉnh Hồ Bắc cao hơn mực nước biển dưới 50 mét. Nếu lũ lên cao tới 64 đến 71 mét so với mực nước biển đổ tới, sẽ làm vỡ đập Cát Châu Ba rồi nhấn chìm toàn bộ thành phố cùng tên, sau đó đổ tới thành phố Nghi Xương chỉ trong nửa giờ. Người dân cơ bản không có cơ hội trốn thoát và chỉ thành phố có thể chết 500 ngàn người. Ngoài ra, các thành phố Sa Thị Hồ Bắc, Bình Nguyên, Giang Hán, Vũ Hán, Nam Kinh, thậm chí các tuyến đường sắt Bắc Kinh – Quảng Châu và Bắc Kinh – Cửu Long đều bị ảnh hưởng.

Đường phố Tuân Nghĩa biến thành sông chảy xiết

Theo Đông Phương, một chuyên gia lo ngại rằng đập Tam Hiệp đang phải đối mặt với hiện tượng thời tiết cực đoan với mưa lớn ở cả thượng, trung, hạ lưu sông Dương Tử cùng một lúc, có nguy cơ vỡ đập và hiện tượng biến dạng đập gần đây lại được nói đến. Ông nói rằng khi đập Tam Hiệp được xây dựng, cùng một đội ngũ chịu trách nhiệm cả luận chứng, thiết kế, thi công, kiểm tra chất lượng xây dựng cuối cùng. Rõ ràng là “cầu thủ kiêm trọng tài”.

Đài quan sát khí tượng trung ương tiếp tục đưa ra cảnh báo màu vàng cho những cơn mưa lớn. Dự kiến sẽ có những trận mưa lớn đến rất lớn vào thứ Tư (24/6) ở miền trung và bắc Hồ Nam, đông nam Hồ Bắc và nam An Huy. Đồng thời, mực nước của đập Tam Hiệp vượt quá mức báo động phòng chống lũ lụt, gây ra lo ngại 600 triệu người dọc theo sông Dương Tử có thể phải đối mặt với nguy cơ vỡ đập. Trên thực tế, chất lượng công trình và khả năng chống lũ của đập Tam Hiệp đã bị nghi ngờ trong những năm gần đây. Đã có chuyên gia thủy lợi từ lâu đã cho rằng đập Tam Hiệp sẽ gây hậu quả tai hại.

Ảnh vệ tinh cho thấy thân đập chính Tam Hiệp bị biến dạng rất rõ (phải)

Đối với đập Tam Hiệp, đang phải đối mặt với điều kiện thời tiết cực đoan với mưa lớn ở cả thượng nguồn và hạ lưu sông Dương Tử, gần đây đã có tin đập bị biến dạng. Trên thực tế, ngay từ tháng 7 năm ngoái, một bức ảnh vệ tinh đã được lưu hành trên mạng Internet Trung Quốc, cho thấy thân đập của đập Tam Hiệp bị biến dạng rõ rệt với mức đáng kể, khi so sánh với bức ảnh chụp trước đó.

Bài mới
Đọc nhiều