Trung Quốc lên kế hoạch xây dựng trái phép căn cứ bảo trì cáp dưới Biển Đông và Biển Hoa Đông
Trung Quốc lên kế hoạch xây dựng hai căn cứ để duy trì các tuyến cáp dưới biển ở Hoa Đông và Biển Đông như một phần trong nỗ lực củng cố cơ sở hạ tầng kỹ thuật số nhằm cạnh tranh với Mỹ.
Theo báo SCMP, dự án xây dựng căn cứ bảo trì cáp ngầm thuộc kế hoạch 5 năm của Trung Quốc trong lĩnh vực thông tin và truyền thông. Trung Quốc cũng đang tìm cách đóng thêm hai tàu chuyên dụng để bảo trì cáp biển trong 5 năm tới nhằm “thiết lập năng lực cạnh tranh quốc tế trong việc lắp đặt và bảo trì cáp ngầm”.
Bắc Kinh không cung cấp thông tin chi tiết về hoạt động của hai căn cứ, chỉ nói rằng chúng sẽ được đặt ở Biển Đông và biển Hoa Đông.
Ngoài ra, Bắc Kinh cũng đang soạn thảo kế hoạch lắp đặt các tuyến cáp ngầm mới nối liền Bắc Mỹ và châu Âu.
Ngày 8-12, chính quyền đảo Hải Nam (phía nam Trung Quốc) thông báo việc xây dựng căn cứ bảo trì cáp ngầm ở Biển Đông sẽ bắt đầu trước cuối năm nay ở Tam Á (Sanya) – thành phố cực nam của hòn đảo.
Theo thông tin từ kế hoạch 5 năm của Hải Nam, căn cứ này có khả năng đảm bảo an toàn cho các tuyến cáp dưới Biển Đông sau khi đi vào hoạt động vào năm 2023.
Theo báo SCMP, Trung Quốc đang tăng cường đầu tư vào cơ sở hạ tầng kỹ thuật số. Tổng đầu tư cho cơ sở hạ tầng kỹ thuật số từ năm 2021 đến năm 2025 lên tới 3,7 nghìn tỉ Nhân dân tệ (khoảng 570 tỉ USD), cao hơn 1,2 nghìn tỉ Nhân dân tệ so với kế hoạch 5 năm trước đó.
Theo công ty nghiên cứu viễn thông TeleGeography, hiện có 436 tuyến cáp quang biển (1,3 triệu km) đang hoạt động trên khắp thế giới, truyền đi 95% lượng dữ liệu từ văn bản của chính phủ, liên lạc quân sự đến giao dịch kinh tế. Điều này khiến hệ thống cáp ngầm trở nên quan trọng đối với lợi ích kinh tế và an ninh của mọi quốc gia.
Ba công ty viễn thông của nhà nước Trung Quốc gồm China Mobile, China Telecom và China Unicom đều có cổ phần trong 31 tuyến cáp mới được triển khai trong năm nay.
“Cáp ngầm là nền tảng hoạt động của internet toàn cầu, có nghĩa là sức mạnh kiểm soát cáp ngầm có thể là đòn bẩy cho một quốc gia trong trường hợp có xung đột quân sự, hay mang lại lợi thế kinh tế”, Justin Sherman, thành viên Sáng kiến Cyber Statecraft của Hội đồng Đại Tây Dương cho biết.
Theo ông Sherman, như mọi quốc gia khác, công dân, cơ quan chính phủ hay công ty của Trung Quốc đều dựa vào cáp ngầm, “điều này khiến việc sửa chữa và bảo dưỡng các tuyến cáp trở nên quan trọng”.
Khai Tâm