Trung Quốc lần đầu ‘kể hết’ về vụ ẩu đả đẫm máu với Ấn Độ
Quân đội Trung Quốc đã cung cấp những thông tin chi tiết về cuộc đụng độ với lực lượng Ấn Độ trên Thung lũng Galwan. Trong sự cố, 4 binh sĩ Trung Quốc đã thiệt mạng.
4 binh sĩ Trung Quốc thiệt mạng
Theo PLA Daily, 5 sĩ quan và binh sĩ biên phòng đóng trên dãy núi Karakoram đã được Quân ủy Trung ương trao tặng/truy tặng danh hiệu anh hùng vì tham gia bảo vệ chủ quyền và toàn vẹn lãnh thổ trong cuộc đối đầu với lực lượng Ấn Độ ở biên giới.
Cụ thể, Qi Fabao – Trung đoàn trưởng Bộ Chỉ huy quân sự Tân Cương nhận danh hiệu “Trung đoàn trưởng anh hùng bảo vệ biên giới”, Chen Hongjun nhận danh hiệu “Anh hùng bảo vệ biên giới”, Chen Xiangrong, Xiao Siyuan và Wang Zhuoran nhận bằng khen hạng nhất. Ngoài ông Qi Fabao bị thương nặng, 4 người còn lại đều đã thiệt mạng.
Đây là lần đầu tiên Trung Quốc tiết lộ thương vong và thông tin chi tiết về các sĩ quan có liên quan đến vụ đụng độ trên biên giới vào tháng 6/2020.
Báo cáo của PLA Daily cho biết “phía Ấn Độ đã triển khai một số lượng lớn binh lính ẩn náu từ trước, buộc quân đội Trung Quốc phải nhượng bộ”.
Các binh sĩ Trung Quốc sau đó phải bảo vệ chủ quyền đất nước “khi bị tấn công bằng ống thép và đá”.
“Khi đối mặt với kẻ thù đông đúc hơn, không ai trong chúng tôi nao núng. Dù bị tấn công bằng đá, nhưng chúng tôi vẫn xua đuổi được họ”, Chen Xiangrong viết trong nhật kí sau một cuộc đụng độ nhỏ hồi tháng 5.
Sự cố đẫm máu tháng 6/2020
Báo cáo của PLA Daily sử dụng cụm từ “quân đội nước ngoài” để chỉ quân đội Ấn Độ, một động thái cho thấy phía Trung Quốc đã kiềm chế để không kích động công chúng, trong bối cảnh cả Trung Quốc và Ấn Độ đã rút quân dọc theo khu vực biên giới.
“Kể từ tháng 4/2020, quân đội nước ngoài (quân đội Ấn Độ – PV) đã vi phạm thỏa thuận trước đó. Họ xâm phạm đường biên giới để xây dựng cầu đường và cố tình kích động gây rối, thay đổi hiện trạng dọc biên giới. Họ thậm chí còn tấn công dữ dội những người lính Trung Quốc được cử đến để đối thoại”, trích báo cáo của PLA Daily.
Đến tháng 6, quân đội Ấn Độ tiếp tục xâm phạm biên giới. Lúc này, Qi Fabao đến đàm phán với phía Ấn Độ. Tuy nhiên, quân đội Ấn Độ tỏ ra không thành khẩn và đã triển khai thêm binh sĩ nhằm buộc lực lượng Trung Quốc phải nhượng bộ.
Ông Qi lập tức cho binh sĩ triển khai đội hình chiến đấu, sẵn sàng đáp trả phía Ấn Độ.
Quân đội Ấn Độ sau đó bắt đầu tấn công phía Trung Quốc bằng ống thép và đá, khiến ông Qi bị thương nặng ở đầu.
Chen Hongjun đến giải cứu ông Qi, trong khi Chen Xiangrong tiếp tục chiến đấu trên tiền tuyến, và Xiao Siyuan, người đang quay video làm bằng chứng, cũng ra trận.
“Trước sự chiến đấu dũng cảm của quân đội Trung Quốc”, phía Ấn Độ đã “bị đánh bại, nhiều người bỏ chạy, nhiều người bị thương và thiệt mạng”.
Chen Hongjun, Chen Xiangrong, Xiao Siyuan đã chiến đấu đến phút cuối cùng và hy sinh mạng sống Wang Zhuoran, một người lính, cũng đã xả thân cứu đồng đội khi băng qua sông để hỗ trợ những người khác.
Tổng cộng 20 binh sĩ Ấn Độ thiệt mạng trong cuộc giao tranh. Đây là cuộc xung đột biên giới tồi tệ nhất giữa hai nước trong gần 45 năm qua. Trước đó, truyền thông Ấn Độ cho biết quân đội Trung Quốc còn thiệt hại nhiều hơn.
Qian Feng, giám đốc bộ phận nghiên cứu của Viện Chiến lược Quốc gia thuộc Đại học Thanh Hoa, nói với Global Times rằng Trung Quốc tiết lộ chi tiết vụ việc để bác bỏ những thông tin sai lệch trước đó cho rằng Trung Quốc chịu thương vong lớn hơn Ấn Độ, hoặc Trung Quốc kích động vụ việc.
Hiện tại, Trung Quốc và Ấn Độ đã bắt đầu rút quân khỏi bờ nam và bắc của Hồ Pangong Tso. Khu vực biên giới Trung Quốc – Ấn Độ được kỳ vọng sẽ sớm trở lại hòa bình và ổn định như trước đây.
Minh Hạnh – Thu Loan