+
Aa
-
like
comment

Bắc Kinh học được gì sau chiến dịch “Bão táp Sa mạc”

18/01/2021 13:32

Chiến dịch “Bão táp Sa mạc” năm 1991 đã bộc lộ rõ sự lạc hậu và làm dấy lên mối lo ngại sâu sắc về an ninh quốc gia trong Quân đội Trung Quốc vào thời điểm đó.

Chiến dịch “Bão táp Sa mạc” và nỗi kinh hãi của Trung Quốc

Ngày 18/1/2021 là dấu mốc kỷ niệm 30 năm sự kiện “Bão táp Sa mạc”, chiến dịch quân sự tấn công Iraq của liên quân do Mỹ dẫn đầu.

30 năm trôi qua, chiến tranh vùng Vịnh vẫn để lại nhiều hỗn loạn và bất ổn tại quốc gia Trung Đông hùng mạnh một thời nhưng đây cũng là thời khắc làm thức tỉnh các nhà lãnh đạo quân sự Trung Quốc.

Theo nhận định của nhiều nhà quan sát, với những công nghệ và hỏa lực được sử dụng trong cuộc xung đột – ném bom chính xác, dẫn đường bằng vệ tinh, đánh chặn tên lửa, tấn công không đối đất hủy diệt xe tăng, tác chiến điện tử, sự tham gia của máy bay ném bom tàng hình – Chiến tranh vùng Vịnh được ví như “cuộc tấn công hạt nhân tâm lý” vào giới lãnh đạo Trung Quốc.

Sự kiện này thực sự đã kích hoạt quá trình hiện đại hóa quân sự của Quân đội Trung Quốc (PLA) và giúp lực lượng này thu hẹp khoảng cách với Quân đội Mỹ những năm về sau, khiến Washington phải con Bắc Kinh là “mối đe dọa chiến lược”.

Trung Quốc kinh hãi nhìn Mỹ tấn công Iraq: 30 năm sau Bắc Kinh học được gì? - Ảnh 1.
Tên lửa hành trình Tomahawk thắp sáng bầu trời đêm khi nó được bắn đi từ tàu USS Wisconsin trong Chiến tranh vùng Vịnh vào tháng 1/1991. Ảnh: AP

Các chuyên gia cho rằng, chiến dịch “Bão táp Sa mạc” kéo dài 6 tuần đã mở đầu cho một cuộc cách mạng chiến tranh, bộc lộ rõ sự lạc hậu trong Quân đội Trung Quốc vào thời điểm đó và làm dấy lên mối lo ngại sâu sắc về an ninh quốc gia.

“Nó đã cho Trung Quốc thấy được một cuộc chiến sẽ diễn ra như thế nào và buộc PLA phải bỏ qua giai đoạn cơ giới hóa để chuyển thẳng lên giai đoạn phát triển công nghệ thông tin”, Ni Lexiong, một chuyên gia quân sự tại Thượng Hải nhận xét.

“Từ các lý thuyết quân sự cho đến việc xây dựng quân đội, đến vũ khí và thiết bị cũng như các công nghệ liên quan, chúng tôi nhận ra rằng Trung Quốc đã đi sau Mỹ hàng thập kỷ”.

Antony Wong Tong, một nhà phân tích quân sự ở Macau cho biết, các học thuyết trước đây của PLA đã tỏ ra lỗi thời sau Chiến tranh vùng Vịnh: “Kể từ những năm 1990, PLA đã buộc phải chuyển sang con đường chuyên nghiệp hóa và hiện đại hóa”.

Trung Quốc kinh hãi nhìn Mỹ tấn công Iraq: 30 năm sau Bắc Kinh học được gì? - Ảnh 2.
Các binh sĩ từ Sư đoàn kỵ binh số 1 của QĐ Mỹ được triển khai trên sa mạc Ả Rập Xê Út trong quá trình chuẩn bị cho Chiến tranh vùng Vịnh. Ảnh: AP

Bắc Kinh đã rút ra được những bài học gì?

Năm 1991, ​​Chiến tranh Lạnh kết thúc và sự tan rã của Liên Xô đã tạo ra một áp lực quân sự và chính trị to lớn đối với Trung Quốc. Nhận thức được nguy cơ dễ bị tổn thương và những yếu kém của mình, Trung Quốc đã áp dụng chính sách ngoại giao “ém mình chờ thời” và dồn toàn lực cho phát triển.

Sau cú sốc Chiến tranh vùng Vịnh, nhà lãnh đạo Trung Quốc lúc đó là ông Giang Trạch Dân đã yêu cầu PLA nên tập trung vào việc phát triển “các khả năng tác chiến khu vực hiện đại dưới điều kiện chiến tranh công nghệ cao”, “hoàn thành hai nhiệm vụ lịch sử là cơ giới hóa và thông tin hóa”, và “hiện đại hóa quân đội bằng những bước nhảy vọt”.

Theo nhà bình luận quân sự Song Zhongping ở Hồng Kông, Quân đội Trung Quốc đã xem những mẫu vũ khí công nghệ cao mà Mỹ sử dụng trong chiến tranh như tên lửa công chính xác, hệ thống phòng thủ tên lửa và máy bay chiến đấu tàng hình làm “cẩm nang” dẫn hướng cho sự phát triển của mình.

Các chiến thuật như chiến dịch hiệp đồng chung giữa các lực lượng khác nhau, biên chế tổ chức hay những công nghệ cần thiết để hiện thực hóa chúng, cũng được Trung Quốc đặc biệt chú ý.

Thiếu tướng PLA nghỉ hưu Jin Yinan đã nói về tác động của cuộc chiến tranh vùng Vịnh trong cuốn hồi ký của ông như sau:

“Có những thời điểm, chúng tôi đã dịch rất nhiều các hướng dẫn tác chiến và báo cáo quân sự của Quân đội Mỹ, rồi bắt đầu xây dựng quân đội bằng cách sao chép các mô hình và tiêu chuẩn của họ”.

Dưới thời lãnh đạo của ông Giang Trạch Dân, PLA đã cắt giảm 700.000 binh sĩ trong những năm 1990 và 2000. Đến năm 2015, Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình lại cắt giảm thêm 300.000 binh sĩ và bắt đầu kế hoạch tái cơ cấu quy mô lớn cũng như cải cách quy trình chỉ huy, ra mệnh lệnh.

Trung Quốc kinh hãi nhìn Mỹ tấn công Iraq: 30 năm sau Bắc Kinh học được gì? - Ảnh 3.
Tên lửa DF-17 trong cuộc diễu binh ở Bắc Kinh năm 2019 nhân kỷ niệm 70 năm ngày thành lập nước Cộng hòa Nhân dân Trung Hoa. Ảnh: AFP

Từ năm 1999, ngân sách quân sự của Trung Quốc bắt đầu tăng nhanh với mức tăng trưởng hai con số trong hơn một thập kỷ. Đến năm 2019, chi tiêu quốc phòng hàng năm của Trung Quốc lớn thứ hai trên thế giới, đạt 176 tỷ USD, so với 732 tỷ USD của Mỹ. Bắc Kinh đã phân bổ ngân sách cho năm 2020 là 178,6 tỷ USD.

Năm ngoái, Quân đội Trung Quốc chính thức thông báo đã hoàn thành việc cơ giới hóa lực lượng mặt đất. Hiện nay, PLA thậm chí còn đi trước Mỹ trong một số lĩnh vực như đóng tàu, chế tạo tên lửa đất đối đất và hệ thống phòng không tích hợp.

Hải quân PLA hiện là lực lượng lớn thứ hai thế giới chỉ sau Mỹ. Trung Quốc có khoảng 350 tàu chiến mặt nước và tàu ngầm, trong khi đó Mỹ chỉ có 293 tàu. Hơn nữa, hầu hết các tàu tốt nhất của Trung Quốc đều được đóng sau năm 2010, do đó chúng cũng được trang bị các phương tiện và công nghệ mới nhất.

Để so sánh, vào năm 1991, Hải quân PLA mới chỉ là lực lượng phòng vệ gần bờ với khu trục hạm lớn nhất là Type 051 nặng 3.600 tấn.

Không quân PLA hiện cũng là lực lượng lớn thứ ba trên thế giới, với tổng cộng hơn 2.500 máy bay và khoảng 2.000 máy bay chiến đấu, hầu hết là chiến đấu cơ thế hệ thứ ba và thứ tư, tương đương với không quân phương Tây. Trung Quốc cũng là quốc gia thứ hai trên thế giới phát triển máy bay chiến đấu tàng hình thế hệ năm J-20.

Trung Quốc kinh hãi nhìn Mỹ tấn công Iraq: 30 năm sau Bắc Kinh học được gì? - Ảnh 4.
Máy bay chiến đấu tàng hình thế hệ năm J-20 do Trung Quốc phát triển nội địa. Ảnh: AFP

Năm 1991, những chiếc máy bay tốt nhất trong Không quân PLA chỉ là J-7 được phát triển từ mẫu MiG-21 những năm 1950 và J-8 sản xuất trong nước, cả hai đều là thế hệ chiến đấu cơ thứ hai. Các máy bay Mỹ tham gia Chiến tranh vùng Vịnh chủ yếu là F15, F-16 và F/A-18 thế hệ thứ tư.

Lực lượng tên lửa chiến lược của PLA có hơn 1.250 tên lửa đạn đạo và hành trình phóng từ mặt đất với tầm tấn công từ 500km đến 5,500km. Trong 30 năm qua, các đơn vị tên lửa Trung Quốc đã nâng cấp và mở rộng đáng kể kho tên lửa đạn đạo xuyên lục địa (ICBM) có khả năng mang đầu đạn hạt nhân và hiện dẫn đầu thế giới về triển khai tên lửa siêu vượt âm DF-17.

Chiến tranh vùng Vịnh đã đóng một vai trò rất quan trọng trong việc thúc đẩy tiến trình hiện đại hóa quân sự của Trung Quốc.

Mặc dù đài truyền hình nhà nước của Trung Quốc không phát sóng tường thuật trực tiếp về “Bão táp Sa mạc” nhưng chiến dịch này vẫn được theo dõi rất chặt chẽ.

“Giống như tôi, ở giai đoạn đầu chiến dịch, hầu hết các quân nhân Trung Quốc đều dự đoán Mỹ sẽ lặp lại thất bại của Liên Xô ở Afghanistan”, Liu Dingping, một sĩ quan thuộc lực lượng tên lửa của PLA cho biết. “Nhưng chúng tôi đã sai”.

Liên quân do Mỹ dẫn đầu đã thực hiện hơn 100.000 phi vụ xuất kích và thả 88.500 tấn bom, khiến Iraq mất khả năng phòng thủ. Thực tế là liên minh chỉ mất 42 ngày, gồm cả 100 giờ trên mặt đất, để “xóa sổ” nền quân sự lớn thứ tư thế giới vào thời điểm đó.

“Nếu chúng tôi bị Mỹ tấn công vào thời điểm đó, kết quả có lẽ cũng không thể khả dĩ hơn”, Ni – một nhà nghiên cứu lịch sử quân sự nhận xét.

Anh Tú

Bài mới
Đọc nhiều