Trung Quốc dùng lối đánh “du kích” để xâm chiếm trái phép Biển Đông
Trung Quốc đang sử dụng lực lượng dân quân biển để thúc đẩy các yêu sách về chủ quyền biển tại khu vực Biển Đông, cụ thể là bãi Tư Chính. Ngoài các tàu hải cảnh, lực lượng dân quân biển được huy động từ Hoàng Sa cũng là một trong những vũ khí chủ lực đang được TQ tung ra để gây sức ép lên nước ta.
Theo nhà nghiên cứu Ryan D. Martinson thuộc ĐH Hải chiến Mỹ, lực lượng dân quân biển Trung Quốc đóng trái phép trên đảo Phú Lâm thuộc quần đảo Hoàng Sa của Việt Nam hiện được xem là hình mẫu chuyên nghiệp cho toàn Trung Quốc, với hơn 70 tàu lớn được thiết kế và đóng mới chỉ để phục vụ chiến lược vùng xám. Chiến lược vùng xám hay nói cách khác là thực hiện các hoạt động mang tính chất quấy rối liên tục, gây căng thẳng, ức chế cho các lực lượng chấp pháp của các quốc gia trong khu vực hoặc các lực lượng hải quân của các nước đang hiện diện trên khu vực Biển Đông.
Sự hiện diện đông đảo của các tàu cá TQ ở các thực thể bị nước này chiếm đóng trái phép đều được lắp đặt hệ thống nhận dạng tự động (AIS). Thâm độc ở chỗ nước này chỉ cho khoảng 5% số tàu cá phát tín hiệu AIS để che giấu số lượng cũng như hành động của những thủy đội tàu cá đó. Vì nếu theo dõi các hình ảnh vệ tinh sẽ thấy luôn có tới 200 – 300 tàu cá TQ bao vây đá Xu Bi và Vành Khăn (thuộc quần đảo Trường Sa của Việt Nam) mà tín hiệu AIS phát ra chỉ từ 10 – 15 tàu.
Việc đặt lực lượng dân quân biển trong bóng tối sẽ giúp Bắc Kinh có thể tái diễn trò đâm va và quấy rối các tàu VN và lu loa lên rằng: đó chỉ là những tai nạn hàng hải thông thường giữa các tàu cá với nhau.
Ngoài việc các tàu này đều có gắn vòi rồng trên cột buồm để phun nước và vỏ tàu được gia cố để đâm va, các tàu cá của TQ còn được trang bị vũ khí tối tân âm thầm tấn công không chỉ tàu cá mà cả các phi công bay trên bầu trời. Báo Wall Street Journal (Mỹ) từng đưa tin: các phi công Mỹ hoạt động trên bầu trời Biển Đông, thuộc Thái Bình Dương từng 20 lần trở thành mục tiêu của các vụ tấn công bằng tia laser trong những tháng gần đây.
Từ năm 2012 đến nay, tàu cá Trung Quốc thường xuyên có nhiều đợt “tràn” xuống Biển Đông với hàng chục ngàn tàu mỗi lượt. Cũng thời gian qua, rất nhiều tàu cá của ngư dân VN bị đâm phá trên Biển Đông bởi tàu Trung Quốc mà trong đó không ít tàu dân quân ngụy trang tàu cá do Trung Quốc triển khai.
Thật quá nguy hiểm khi ngư dân lại được vũ trang và hoạt động như “vũ khí” của Trung Quốc, trong khi Bắc Kinh vẫn luôn bao biện rằng giải quyết tranh chấp bằng ngoại giao. Số tàu này phải bị ngăn chặn hoàn toàn, vì nếu chúng không hoạt động công tác “dân quân” mà chuyển qua đánh bắt như ngư dân thì nguồn hải sản bị cạn kiệt.
Số lượng tàu này nhiều đến mức có thể có tổng năng lực đánh bắt nhiều hơn tổng số tàu cá của các nước khác trong khu vực. Trung Quốc không che giấu sự tồn tại của lực lượng dân quân biển và họ luôn khẳng định dân quân biển là một thành phần không thể thiếu của lực lượng vũ trang Trung Quốc.
Đầu năm 2016, chính quyền Tam Sa đã chi khoảng 1,5 triệu USD hàng năm nhằm khuyến khích ngư dân di chuyển tới những khu định cư mang tính lâu dài hơn trên quần đảo trong bối cảnh nguồn cá và thu nhập bị giảm sút. Người dân sống ở quần đảo được trả thù lao tuỳ vào khu vực mà họ sinh sống. Ví dụ, mỗi người dân sinh sống tại nhóm Lưỡi Liềm sẽ nhận được 6.79 USD một ngày, nếu như họ chịu hiện diện trên các đảo tổng cộng 180 ngày mỗi năm. Những ai sống trên đá Vành Khăn tổng cộng 150 ngày sẽ nhận được 12.07 USD mỗi ngày. Nhiều hỗ trợ từ chính phủ tạo điều kiện cho người dân bám biển và bám đảo dài ngày hơn và tạo đủ nguồn nhân lực cần thiết cho lực lượng dân quân biển.
Đô đốc John Richardson – Tham mưu trưởng hải quân Mỹ, trong một cuộc họp với người đồng cấp Trung Quốc, Phó Đô đốc Shen Jinlong đã lên tiếng cảnh báo rằng, ông biết Trung Quốc sử dụng các tàu phi quân sự để giúp Bắc Kinh tuyên bố tranh chấp chủ quyền trên Biển Đông. Ông Richardson cũng từng trả lời với tờ Thời báo Tài chính của Anh rằng, Mỹ sẽ đáp trả các hành động gây hấn của những con tàu đó giống như với tàu Hải quân Trung Quốc.
Tuy nhiên, ông Richardson đã không nói rõ những biện pháp đó sẽ là gì? Và một thực trạng hiện nay là hàng trăm tàu của lực lượng dân quân biển Trung Quốc đang từng ngày, từng giờ đang có mặt trên các vùng biển có tranh chấp nhưng không có lực lượng nào ngăn chặn, làm tình hình khu vực tiếp tục căng thẳng.
Trong khi Mỹ vẫn đang loay hoay chưa biết phải đối phó với vùng xám như thế nào, về mặt thực địa, Việt Nam cũng đang cố gắng tìm kiếm những biện pháp đối phó với chiến lược khó chịu này. Sau sự kiện HD-981 năm 2014, nhà nước đẩy mạnh việc hỗ trợ ngư dân đầu tư “trang thiết bị hiện đại, công nghệ hiện đại” có khả năng vừa đảm bảo khai thác nguồn lợi, vừa gắn với đảm bảo an ninh quốc phòng, thông qua Đề án 67. Mục tiêu cho đến năm 2030, Việt Nam trở thành quốc gia “mạnh về biển, làm giàu từ biển”, để bảo vệ chủ quyền một cách hiệu quả, không được đánh giá thấp các lực lượng ngư dân và dân quân biển.
(Theo Bút Danh)