+
Aa
-
like
comment

Trung Quốc “hắt hơi”, cả thế giới “sổ mũi”

Lan Hoa - 28/07/2023 18:35

Sự phục hồi của nền kinh tế Trung Quốc đang diễn ra ngày càng chậm, đồng nghĩa rằng kinh tế toàn cầu năm nay sẽ thiếu vắng một đầu tàu tăng trưởng, một trụ cột đầy sức mạnh…

Đầu năm nay, khi Trung Quốc từ bỏ chính sách Zero Covid, nền kinh tế nước này đã nhanh chóng chứng kiến sự phục hồi mạnh mẽ của các hoạt động giao thương. Cả thế giới đều hy vọng rằng việc người tiêu dùng và doanh nghiệp nước này hào phóng mở hầu bao sẽ giúp cho nền kinh tế khởi sắc trong suốt cả năm, đồng thời tạo ra động lực để kéo nền kinh tế toàn cầu đi lên giữa lúc phương Tây đang chao đảo vì lạm phát.

Tuy nhiên, các số liệu kinh tế mới đây của Trung Quốc cho thấy niềm tin đó đã bị đặt nhầm chỗ.

Cụ thể, theo số liệu của Cục Thống kê Quốc gia Trung Quốc vừa công bố, GDP quý II/2023 của nước này chỉ tăng trưởng 6,3% so với cùng kỳ năm ngoái, thấp hơn nhiều so với dự báo tăng 7,3% được các chuyên gia phân tích đưa ra trước đó. Trong khi đó, tỷ lệ thất nghiệp của những người trong độ tuổi từ 16 đến 24 lại leo lên 21,3% trong tháng 6, đánh dấu mức cao nhất từ trước đến nay. Ngoài ra, doanh thu bán lẻ tháng 6 của Trung Quốc cũng chỉ tăng 0,2% so với tháng 5, một dấu hiệu cho thấy các hộ gia đình đã trở nên cẩn trọng hơn trong chi tiêu.

Không chỉ vậy, lĩnh vực bất động sản Trung Quốc còn đang bị đẩy vào cuộc khủng hoảng nợ nghiêm trọng do nhiều nhà đầu tư vỡ nợ. Một số doanh nghiệp bất động sản thông báo không thu xếp được vốn và không thể thanh toán lãi trái phiếu đến hạn. Trong khi đó, bất động sản đóng góp tới 20% GDP của Trung Quốc. Cùng với đó, giá nhà bình quân tại 100 thành phố ở Trung Quốc cũng đã giảm 0,01% trong tháng 6. Dù chỉ là mức giảm nhỏ, nhưng đây đã là tháng giảm thứ 2 liên tiếp, cho thấy thị trường bất động sản của nước này đang dần mất đà phục hồi sau các tín hiệu tích cực hồi đầu năm.

Trước sự suy giảm của nền kinh tế Trung Quốc, bà Janet Yellen, Bộ trưởng Tài chính Mỹ, nhận định các quốc gia phụ thuộc vào sự tăng trưởng từ nước này, đặc biệt là khu vực châu Á, sẽ chịu ảnh hưởng đáng kể, thậm chí có thể gây ra một số tác động tiêu cực đến Mỹ. Bằng chứng là mặc dù đã có những tín hiệu tốt từ thị trường tiền tệ tuy nhiên vẫn có nhiều tổ chức dự báo cho rằng kinh tế Mỹ có thể rơi vào một cuộc suy thoái, nhiều khả năng là suy thoái nông vào cuối năm nay hoặc đầu năm 2024. Còn ở châu Âu, nơi mà có khá nhiều quốc gia đang liên kết kinh tế với Trung Quốc theo tính chất tương hỗ thì lạm phát vẫn cao dai dẳng, đòi hỏi Ngân hàng Trung ương châu Âu (ECB) có thể phải tiếp tục tăng lãi suất ngay cả khi Fed đã dừng thắt chặt.

Căn cứ vào tình hình này, Ngân hàng Thế giới (WB) mới đây đã dự báo tăng trưởng kinh tế toàn cầu tiếp tục chậm lại trong nửa sau của năm nay, do cuộc chiến chống lạm phát của các ngân hàng trung ương gây hệ quả đối với hoạt động kinh tế. Theo WB, kinh tế toàn cầu chỉ đạt mức tăng trưởng 2,1% trong năm nay, giảm tốc mạnh từ mức tăng 3,1% ghi nhận trong năm 2022.

Bên cạnh đó, giá các mặt hàng chủ chốt như thép cây, quặng sắt, đồng đỏ… trong năm nay tại Trung Quốc cũng không tăng mạnh như kỳ vọng của các công ty nước ngoài. Sự sụt giảm này đã và đang ảnh hưởng nghiêm trọng đến các nhà xuất khẩu khoáng sản và vật liệu quốc tế lớn từ Hàn Quốc, Brazil hay Australia.

Đó là chưa kể, sau nhiều năm bị hạn chế bởi Covid-19, du khách Trung Quốc vẫn chưa tiếp tục đi du lịch nước ngoài vì thu nhập và niềm tin vào công việc của họ đang suy giảm. Điều này vô tình đã gây tổn hại cho các quốc gia phụ thuộc vào du lịch, đặc biệt là tại khu vực Đông Nam Á.

Trung Quốc “hắt hơi” thì các thị trường toàn cầu cũng có dấu hiệu “sổ mũi”. Đây là nhận định của rất nhiều chuyên gia khi bàn về tác động của kinh tế Trung Quốc đối với nền kinh tế toàn cầu. Để giải quyết tình trạng này, không có cách nào tốt hơn ngoài việc các quốc gia và khu vực phải có phương án giảm dần sự phụ thuộc vào Trung Quốc.

Đơn cử như Đức. Hôm 13/7, Đức đã lần đầu tiên công bố chiến lược về Trung Quốc. Tài liệu 64 trang cho rằng Đức không nên chỉ coi Trung Quốc là đối tác kinh tế nữa mà còn là một đối thủ. Mục đích chính là giảm rủi ro từ việc các doanh nghiệp Đức phụ thuộc lớn vào thị trường Trung Quốc.

Tương tự như Đức, Mỹ cũng là nước rất tích cực trong việc tách rời khỏi Trung Quốc. Ngay từ cuối năm 2021, các điều luật mới với các khoản trợ cấp lớn để thu hút các công ty công nghệ bán dẫn và năng lượng sạch quan trọng quay trở lại Mỹ đã được ban hành. Song song với đó, Chính quyền Tổng thống Joe Biden cũng đã hạn chế xuất khẩu chất bán dẫn tiên tiến và thiết bị liên quan sang Trung Quốc, đồng thời đang chuẩn bị các biện pháp mới để hạn chế đầu tư mới vào nước này.

Hay mới đây nhất, hôm 29/6, tại Hội nghị thượng đỉnh thường kỳ của Liên minh châu Âu (EU), các lãnh đạo của khối đã thống nhất cao về việc giảm phụ thuộc vào Trung Quốc. Giới chức EU nhấn mạnh, mục đích của sự điều chỉnh chính sách này là để cân bằng mối quan hệ và tránh sự phụ thuộc quá mức vào một số lĩnh vực quan trọng mà Trung Quốc đang nắm giữ lợi thế.

Lan Hoa

Bài mới
Đọc nhiều