+
Aa
-
like
comment

Trung Quốc gây căng thẳng trên Biển Đông, vi phạm nghiêm trọng luật pháp quốc tế

19/08/2019 13:48

Việc Trung Quốc đưa tàu khảo sát Hải Dương 8 trở lại hoạt động xâm phạm vùng đặc quyền kinh tế (EEZ) và thềm lục địa của Việt Nam không những gây mất ổn định trên Biển Đông, mà còn vi phạm nghiêm trọng Công ước Liên hợp quốc về Luật Biển 1982 (UNCLOS). 

Hoạt động của tàu khảo sát Hải Dương 8 trong vùng đặc quyền kinh tế và thềm lục địa Việt Nam ở khu vực phía Nam Biển Đông đã vi phạm nghiêm trọng Công ước Liên hợp quốc về Luật Biển 1982 (UNCLOS)
Hoạt động của tàu khảo sát Hải Dương 8 trong vùng đặc quyền kinh tế và thềm lục địa Việt Nam ở khu vực phía Nam Biển Đông đã vi phạm nghiêm trọng Công ước Liên hợp quốc về Luật Biển 1982 (UNCLOS)

Đây là lần thứ hai trong vòng hơn 1 tháng, các tàu của Trung Quốc tiến hành các hoạt động vi phạm vùng đặc quyền kinh tế và thềm lục địa Việt Nam ở khu vực phía Nam Biển Đông. Điều đáng nói đây là vùng biển hoàn toàn của Việt Nam, được xác định theo đúng các quy định của UNCLOS mà Việt Nam và Trung Quốc đều là thành viên.

Việt Nam đã tiếp xúc nhiều lần với phía Trung Quốc ở các kênh khác nhau, trao Công hàm phản đối, kiên quyết yêu cầu chấm dứt ngay các hành vi vi phạm và rút toàn bộ tàu ra khỏi vùng biển Việt Nam, nhưng phía Trung Quốc vẫn tiếp tục có những hành động làm căng thẳng tình hình.

Diễn biến gây căng thẳng tình hình Biển Đông liên tiếp vi phạm vùng đặc quyền kinh tế và thềm lục địa Việt Nam cho thấy, đây là bước đi tiếp theo trong chiến lược lâu dài của Trung Quốc nhằm từng bước thực hiện tham vọng độc chiếm Biển Đông. Kể từ năm 2014, quần đảo Trường Sa đã trở thành một công trường xây dựng độc nhất vô nhị, khi hàng chục tàu của Trung Quốc làm việc suốt ngày đêm, cắt san hô và nạo vét cát đáy biển để biến 7 bãi đá của Việt Nam mà Trung Quốc chiếm đóng thành các đảo nổi nhân tạo.

Với diện tích trên 13km2 (chiếm khoảng 95% tổng diện tích các đảo tự nhiên và đảo nhân tạo ở quần đảo Trường Sa), trong đó 3 đảo có đường băng dài 3.000m, trên thực tế các đảo mà Trung Quốc tôn tạo trái phép này nay đã trở thành các trạm kiểm soát, các trung tâm hậu cần vững chắc, thậm chí là các căn cứ triển khai sức mạnh quân sự của Trung Quốc.

ảnh 1

Điều gì sẽ xảy ra khi từ những đảo nhân tạo này, hàng nghìn tàu cá, hàng trăm tàu tuần tra, tàu chiến và máy bay của Trung Quốc sẽ được triển khai hoạt động đến

những vùng biển và vùng trời cách xa bờ biển Trung Quốc hàng trăm dặm, từng bước đẩy Việt Nam, Philippines, Malaysia và Indonesia ra khỏi vùng biển hợp pháp của mình, nơi mà Trung Quốc ngang nhiên coi là của riêng mình trong “Đường lưỡi bò” “Đường chữ U” phi lý?

Công ước Liên hợp quốc về Luật Biển 1982 (UNCLOS) đã quy định rõ một quốc gia ngoài vùng nội thủy và lãnh hải thì có vùng đặc quyền kinh tế tối đa 200 hải lý và vùng thềm lục địa tối thiểu là 200 hải lý và tối đa không quá 350 hải lý tính từ đường cơ sở. Khu vực Bãi Tư Chính, nơi tàu khảo sát Hải Dương 8 đang xâm phạm, nằm cách bờ biển Vũng Tàu 160 hải lý nhưng cách bờ biển đảo Hải Nam của Trung Quốc tới hơn 600 hải lý, đương nhiên không thể nằm trong vùng đặc quyền kinh tế hay thềm lục địa của Trung Quốc.

Phán quyết của Tòa Trọng tài quốc tế ngày 12-7-2016 trong vụ kiện Trung Quốc của Philippines cũng đã bác bỏ yêu sách phi lý “Đường lưỡi bò” của Trung Quốc, đồng thời nêu rõ không một thực thể nào của Trường Sa có vùng đặc quyền kinh tế và thềm lục địa (theo Khoản 3, Điều 121, UNCLOS). Như vậy, có thể khẳng định

Trung Quốc không hề có vùng biển hợp pháp nào có thể chồng lấn hay tranh chấp với vùng đặc quyền kinh tế và thềm lục địa phía Nam của Việt Nam, nơi tàu khảo sát Hải Dương 8 đang xâm phạm trái phép.

UNCLOS cũng quy định cụ thể quyền và nghĩa vụ của các quốc gia. Theo đó, mọi hoạt động liên quan đến thăm dò, khai thác tài nguyên thiên nhiên tại vùng đặc quyền kinh tế và thềm lục địa của quốc gia ven biển phải được phép của quốc gia đó; mọi hoạt động không được cấp phép đều là bất hợp pháp, vi phạm một cách rõ ràng các quy định của Công ước.

Chính vì thế, việc Trung Quốc ngang nhiên đưa tàu khảo sát Hải Dương 8 trở lại hoạt động xâm phạm vùng đặc quyền kinh tế (EEZ) và thềm lục địa của Việt Nam là hành vi vi phạm nghiêm trọng UNCLOS. Việt Nam hết sức coi trọng hòa bình, an ninh, thượng tôn pháp luật ở Biển Đông và thiện chí giải quyết các bất đồng thông qua các biện pháp hòa bình. Nhưng Việt Nam đồng thời kiên quyết, kiên trì bảo vệ các quyền và lợi ích hợp pháp, chính đáng của mình theo luật pháp quốc tế, trong đó có UNCLOS.

Tùng Lâm

Bài mới
Đọc nhiều