+
Aa
-
like
comment

Trung Quốc gặp khó khi thuyết phục người dân các nước tin tưởng vắc xin COVID-19

22/01/2021 20:53

Khảo sát của hãng tin Bloomberg tại nhiều nước đang phát triển cho thấy người dân những nơi này vẫn chưa thực sự tin tưởng vắc xin COVID-19 do Trung Quốc sản xuất.

Trung Quốc gặp khó khi thuyết phục người dân các nước tin tưởng vắc xin COVID-19 - Ảnh 1.
Một tình nguyện viên ở Lima, Peru được kiểm tra trước khi tiêm vắc xin COVID-19 do hãng Sinopharm của Trung Quốc – Ảnh: AFP

Trong số các nước đang phát triển tham gia thử nghiệm vắc xin COVID-19 của Trung Quốc, hiếm có nước nào có quan hệ hữu hảo với Trung Quốc hơn Pakistan.

Trong những năm trước đại dịch corona, Trung Quốc đã đầu tư gần 70 tỉ USD cho các dự án phát triển hạ tầng gồm đường bộ, đường sắt và các trạm phát điện của quốc gia Nam Á này.

“Tôi sẽ không tiêm đâu”

Cho tới nay Pakistan đang tiến hành hai thử nghiệm lâm sàng với vắc xin của Trung Quốc, ngay cả các quan chức chính phủ cao cấp cũng đã chủng ngừa COVID-19 bằng vắc xin của Sinopharm.

Dù vậy, trong các cuộc phỏng vấn của hãng tin Bloomberg với người dân tại Karachi, thành phố lớn nhất của Pakistan, cũng như trong các phỏng vấn với người dân tại các nước đang phát triển như Indonesia, Brazil, và kết quả từ các cuộc khảo sát, thăm dò dư luận cho thấy Bắc Kinh vẫn chưa thể thuyết phục được hàng triệu người tin tưởng vào vắc xin COVID-19 của họ.

“Tôi sẽ không tiêm nó”, anh Farman Ali Shah, một tài xế chuyên chạy xe cho ứng dụng gọi xe Bykea ở địa phương ở Karachi nói với Bloomberg. “Tôi không tin nó”, anh nói tiếp.

Tại Karachi lúc này, nhiều cửa hàng phải đóng cửa sớm trước 20h do yêu cầu của lệnh giới nghiêm để phòng chống đại dịch COVID-19.

Các vắc xin COVID-19 được cho là phương tiện giúp Bắc Kinh giành được thêm những thắng lợi về mặt ngoại giao, củng cố quan hệ với các nước nghèo hơn trong bối cảnh khan hiếm những loại vắc xin do phương Tây phát triển.

Tuy nhiên cho tới nay vẫn còn quá ít thông tin cho biết vắc xin COVID-19 của Trung Quốc đạt hiệu quả tốt như thế nào trong các thử nghiệm lâm sàng giai đoạn cuối cùng.

Cho tới nay, mới chỉ có Các tiểu vương quốc Ả rập thống nhất (UAE) và chính Trung Quốc đồng ý cấp phép sử dụng khẩn cấp vắc xin COVID-19 do Trung Quốc sản xuất.

Trong khi đó, các hãng dược của Mỹ và châu Âu đều đã cung cấp dữ liệu đầy đủ về độ an toàn cũng như hiệu quả của các vắc xin do họ phát triển và cũng đã bắt đầu triển khai tiêm trong thực tế.

Tâm lý không tin tưởng vắc xin Trung Quốc còn bị tác động thêm từ thực tiễn Trung Quốc là nước xuất khẩu rất nhiều bộ dụng cụ xét nghiệm COVID-19 và đồ bảo hộ y tế trong đại dịch.

Trung Quốc gặp khó khi thuyết phục người dân các nước tin tưởng vắc xin COVID-19 - Ảnh 2.
Một nhân viên đang xem xét các ống đựng vắc xin COVID-19 do Sinovac sản xuất trong nhà máy của họ tại Bắc Kinh, Trung Quốc – Ảnh: AP

Phía Trung Quốc nói gì? 

Trung Quốc đã triển khai một nỗ lực trên phạm vi toàn cầu nhằm thuyết phục chính phủ và người dân các nước về hiệu quả cũng như độ an toàn của vắc xin COVID-19 do họ sản xuất.

Tháng 10 năm ngoái, một nhóm các đại sứ và nhà ngoại giao đại diện cho 50 nước ở châu Phi đã được mời đi tham quan một cơ sở sản xuất của tập đoàn dược Sinopharm trong bối cảnh truyền thông loan tin Trung Quốc hứa sẽ cung cấp vắc xin COVID-19 cho châu Phi.

“Khi vắc xin COVID-19 hoàn tất nghiên cứu và đưa vào sử dụng, chúng tôi sẵn sàng ưu tiên cho các nước châu Phi”, chủ tịch Liu Jingzhen của Sinopharm đã từng tuyên bố như vậy.

Phản hồi với hãng tin Bloomberg về các vấn đề liên quan vắc xin COVID-19, Bộ Ngoại giao Trung Quốc cho biết các hãng dược của họ tuân thủ nghiêm túc luật pháp cũng như các nguyên tắc trong thử nghiệm lâm sàng trong hai giai đoạn đầu tiên đã chứng minh vắc xin an toàn, hiệu quả.

Chính phủ Trung Quốc cũng đã tiêm hơn một triệu liều vắc xin COVID-19 kể từ tháng 7 và “chúng tôi chưa phát hiện thấy bất cứ phản ứng phụ nghiêm trọng nào”, Bộ Ngoại giao Trung Quốc khẳng định.

Trên thực tế, căn cứ vào những thách thức của quá trình sản xuất, phân phối và triển khai tiêm hàng tỉ liều vắc xin, có thể thấy nhiều quốc gia đang phát triển không có nhiều lựa chọn hơn ngoài việc phải sử dụng vắc xin của Trung Quốc cho ít nhất một bộ phận dân số của họ.

Nhiều nước không có cơ sở bảo quản phù hợp để lưu trữ vắc xin của Pfizer và BioNTech, loại vắc xin phải được trữ ở nhiệt độ -70 độ C.

Thêm nữa Trung Quốc cũng đã đồng ý tham gia cung cấp vắc xin của họ cho sáng kiến COVAX, chương trình cung cấp vắc xin COVID-19 cho các nước đang phát triển do Tổ chức Y tế Thế giới bảo trợ.

Các quan chức tại Viện Butantan của Brazil ngày 23-12 công bố vắc xin của Sinovac chỉ có hiệu quả hơn 50%. Viện Butantan là đơn vị hỗ trợ thực hiện các thử nghiệm lâm sàng vắc xin của Sinovac. Hiệu quả hơn 50% cũng đã đáp ứng mức tiêu chuẩn tối thiểu mà cơ quan quản lý dược phẩm Mỹ đặt ra để có thể được cấp phép dùng khẩn cấp các vắc xin COVID-19, theo Bloomberg.

Thử nghiệm lâm sàng tại Brazil là thử nghiệm lớn nhất cho tới nay của vắc xin Sinovac với khoảng 13.000 người tham gia. Trong khi đó một thử nghiệm khác tại Thổ Nhĩ Kỳ lại cho thấy vắc xin của Sinovac đạt hiệu quả hơn 91%, tuy nhiên thử nghiệm đó được cho là chưa toàn diện vì chỉ được thực hiện trên 29 trường hợp.

Các vắc xin COVID-19 của Pfizer/BioNTech và Moderna đều cho hiệu quả phòng bệnh hơn 90%.

D. Kim Thoa

Bài mới
Đọc nhiều