+
Aa
-
like
comment

Trung Quốc đừng mơ xơ múi gì ở dự án cao tốc Bắc Nam!

Đặng Trường - 24/09/2019 20:59

Trước sự lo ngại của người dân về việc có sự tham gia của nhà thầu Trung Quốc vào dự án đường cao tốc Bắc Nam thì sáng nay, Thứ trưởng Bộ Giao thông vận tải Nguyễn Ngọc Đông đã chính thức phát đi thông tin: Việt Nam không đấu thầu quốc tế với 8 dự án thành phần của cao tốc Bắc -Nam, chỉ chọn đấu thầu trong nước theo hình thức đối tác công – tư (PPP).

caotoc2

Đường cao tốc Bắc Nam là dự án lớn, quan trọng và nhận được sự quan tâm của cả xã hội bởi nó mang ý nghĩa chiến lược làm thay đổi diện mạo đất nước và phát triển kinh tế. Chính vì thế khi những thông tin đầu tiên về kế hoạch triển khai dự án được truyền đi và thông tin chỉ có nhà đầu tư Trung Quốc quan tâm đầu tư thì đã có rất nhiều người dân lo ngại và bày tỏ ý kiến phản đối nhà thầu của nước láng giềng này bởi cái gương đường sắt Cát Linh-Hà Đông đội vốn, chậm tiến độ, chất lượng thấp và nhiều dự án khác gây ô nhiễm môi trường đã quá nhiều.

Tất cả ý kiến, nguyện vọng của nhân dân có lẽ đã không nằm ngoài tai của các lãnh đạo từ Trung ương đến địa phương, các Bộ, ban ngành, đúng như lời chia sẻ của Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc: “Mỗi một bức thư, mỗi một đề nghị của quý vị, chúng tôi đều tư duy, giao các bộ, ngành nghiên cứu thực hiện”. Thông tin của Bộ Giao thông vận tải (GTVT) đưa ra sáng nay đã cho thấy sự cầu thị, lắng nghe người dân rất nhiều trong thời gian qua. Mặc dù đúng là trước đây, có không ít người không hài lòng với cách làm việc của Bộ GTVT, thậm chí nhiều người còn hiểu lầm, lên án phản đối và bôi bác Thứ trưởng Nguyễn Ngọc Đông trong việc thông tin hồ sơ đấu thầu là bí mật quốc gia. Nhưng với quyết định không đấu thầu quốc tế, chỉ chọn nhà thầu trong nước làm đường cao tốc Bắc Nam lần này, hầu như tất cả người dân đều ủng hộ.

Hơn nữa, Bộ GTVT cũng thẳng thắn chia sẻ chỉ chọn nhà thầu Việt Nam. Dự án đường cao tốc Bắc Nam có 8 dự án nhỏ đã được mời thầu quốc tế rộng rãi nhưng số lượng hồ sơ nhận về chỉ có 60 hồ sơ của các ứng viên trong và ngoài nước. Trong đó có 4 dự án không có nhà đầu tư tham gia, 2 dự án chỉ có 1 nhà đầu tư tham gia và 2 dự án còn lại có 2 – 3 nhà đầu tư tham gia, trong đó có 1 số nhà đầu tư trong nước liên doanh với nước ngoài. Với số lượng đầu tư như trên, Thứ trưởng Bộ Giao thông vận tải đã đánh giá: “Dự án này chưa hấp dẫn các nhà đầu tư nước ngoài, cạnh tranh không lớn. Xét bối cảnh quốc tế rất phức tạp, cân nhắc khả năng cũng như phát huy nội lực của doanh nghiệp trong nước, chúng tôi có báo cáo với các cơ quan khác nhau, thống nhất đấu thầu cạnh tranh trong nước để lựa chọn nhà đầu tư trong nước”.

Trước đó, Ban quản lý dự án thuộc Bộ GTVT cho biết, trong số 60 bộ hồ sơ sơ tuyển đợt mời thầu quốc tế này, nhà thầu Trung Quốc áp đảo với 30 bộ hồ sơ (đơn vị độc lập hoặc liên doanh), tham gia sơ tuyển tại tất cả 8 dự án; còn lại 15 bộ hồ sơ quốc tế của các nhà đầu tư Hàn Quốc, Pháp, Philippines. Các doanh nghiệp Việt Nam chỉ có 15 bộ hồ sơ tham gia sơ tuyển. Và cuối cùng Bộ GTVT đã quyết định hủy sơ tuyển theo hình thức đấu thầu rộng rãi quốc tế và điều chỉnh hồ sơ mời sơ tuyển phù hợp với hình thức đấu thầu trong nước. Việc làm này được cho sẽ giúp “đảm bảo an ninh quốc phòng, phát triển năng lực doanh nghiệp Việt Nam trong lĩnh vực xây dựng kết cấu hạ tầng”.

Có thể thấy, quy trình và cách làm việc của lãnh đạo Bộ GTVT đối với dự án đường cao tốc Bắc Nam là rất rõ ràng, có sự cân nhắc, thận trọng sau khi lắng nghe và tiếp thu nhiều ý kiến của người dân, các chuyên gia kinh tế, nhà nghiên cứu trong và ngoài nước. Và không hề có chuyện “lãnh đạo bỏ ngoài tai lời cảnh báo” hay “lãnh đạo thông đồng bán nước cho Trung Quốc”.

Nhìn ở góc độ sâu xa hơn, căng thẳng giữa Việt Nam và Trung Quốc trên biển Đông chưa có dấu hiệu hạ nhiệt, đất nước xảo quyệt này vẫn hung hăng gây hấn, xâm phạm vùng biển Việt Nam. Thế nên, trên đất liền, Trung Quốc càng không được phép tham gia vào công trình quan trọng của đất nước bởi không ai đảm bảo được nước này không sử dụng thủ đoạn gây ảnh hưởng đến tình hình an ninh, quốc phòng và tinh thần đoàn kết của dân tộc. Đặc biệt, nếu để kỹ sư, công nhân Trung Quốc qua Việt Nam ăn dầm nằm dề mấy năm trời thì vô cùng nguy hại, văn hóa địa phương dần dà bị pha trộn và đây cũng là một trong những thủ đoạn có thể nằm trong âm mưu thôn tính lãnh thổ các nước theo phương thức “tằm ăn dâu” của Trung Quốc (đã được thế giới cảnh báo rất nhiều lần).

Lãnh thổ của Việt Nam phải do người Việt Nam làm chủ, dù trên biển Đông hay trên đất liền, Trung Quốc cùng đừng hòng mưu tính cướp biển, cướp đất của Việt Nam, đừng mơ xơ múi được gì từ các công trình quan trọng của nước ta nữa. Dã tâm của Trung Quốc, nhân dân ta đã quá rõ rồi!

Đặng Trường 

Bài mới
Đọc nhiều