Trung Quốc dự kiến thông qua “Nghị quyết lịch sử thứ ba” của Đảng
Hội nghị toàn thể lần thứ 6 của Ban Chấp hành Trung ương đảng Cộng sản Trung Quốc (ĐCSTQ) khóa 19 được tổ chức từ ngày 8 đến ngày 11/11.
Theo báo cáo trước đó của cuộc họp Bộ Chính trị Ban Chấp hành Trung ương ĐCSTQ vào ngày 18/10, Hội nghị toàn thể lần thứ 6 sẽ xem xét “Nghị quyết của Ban Chấp hành Trung ương ĐCSTQ về những thành tựu chính và kinh nghiệm lịch sử trong một trăm năm đấu tranh của ĐCSTQ”.
Xác lập địa vị Tập Cận Bình trong lịch sử
“Nghị quyết của Ban Chấp hành Trung ương ĐCSTQ về những thành tựu chính và kinh nghiệm lịch sử trong một trăm năm đấu tranh của ĐCSTQ” được truyền thông quốc tế gọi là “Nghị quyết lịch sử thứ ba của ĐCSTQ”, và có vai trò rất quan trọng đối với ĐCSTQ, được cho là sẽ xác lập địa vị chính trị của Tổng Bí thư Tập Cận Bình.
Hai nghị quyết lịch sử đầu tiên của ĐCSTQ là “Nghị quyết về một số vấn đề lịch sử của Đảng” được Hội nghị toàn thể lần thứ 7 Ban Chấp hành Trung ương ĐCSTQ khóa 6 thông qua năm 1945 và “Nghị quyết về một số vấn đề lịch sử của Đảng kể từ khi thành lập nước Cộng hòa Nhân dân Trung Hoa” được Hội nghị toàn thể lần thứ 6 Ban Chấp hành Trung ương ĐCSTQ khóa 11 thông qua năm 1981. Bối cảnh lịch sử của hai nghị quyết này lần lượt là phong trào chỉnh đốn tác phong Diên An và công cuộc cải cách mở cửa Trung Quốc, đã xác lập địa vị chính trị của Mao Trạch Đông và Đặng Tiểu Bình.
Giới quan sát tin rằng “Nghị quyết của Ban Chấp hành Trung ương ĐCSTQ về những thành tựu chính và kinh nghiệm lịch sử trong một trăm năm đấu tranh của ĐCSTQ” sẽ được thông qua tại Hội nghị toàn thể lần thứ 6 của Ban Chấp hành Trung ương ĐCSTQ khóa 19. Mặc dù nội dung sẽ tập trung về những thành tựu chính và kinh nghiệm lịch sử trong một thế kỷ đấu tranh của ĐCSTQ, nhưng chắc chắn sẽ đề cập đến địa vị chính trị của ông Tập.
Những động thái gần đây của các kênh truyền thông chính thức của ĐCSTQ cũng ủng hộ suy đoán này.
Từ ngày 1/11, tờ Nhân dân Nhật báo – cơ quan ngôn luận của ĐCSTQ – đã đưa ra một loạt phóng sự về “Những quyết định then chốt trong kỷ nguyên mới”. Bài mở đầu dài hơn 7.000 từ, trình bày chi tiết các biện pháp mà Tập Cận Bình thực hiện kể từ khi ông trở thành lãnh đạo Trung Quốc vào năm 2012, nhằm tăng cường sự lãnh đạo của Trung ương đảng, bao gồm cả việc thể chế hóa công tác “kiểm tra” của trung ương.
Từ ngày 2 đến ngày 7/11, Nhân dân Nhật báo bình luận về những thành tựu chính trị của Tập Cận Bình trong các lĩnh vực phòng chống dịch bệnh, chương trình xóa đói giảm nghèo, thúc đẩy mô hình phát triển mới, hình thành bố cục phát triển kinh tế khu vực chất lượng cao, xây dựng văn minh sinh thái, đẩy mạnh hiện đại hóa quốc phòng và quân đội.
Hãng thông tấn nhà nước Tân Hoa xã của Trung Quốc vào ngày 6/11 cũng đăng một bài báo đặc biệt với tiêu đề “Tập Cận Bình lãnh đạo ĐCSTQ có tuổi đời 100 năm tiến vào một hành trình mới”, nêu bật những thành tựu của Trung Quốc trong 9 năm kể từ khi ông Tập giữ chức vụ Tổng Bí thư ĐCSTQ.
Đẩy nhanh việc bố trí nhân sự
Kể từ khi Trung Quốc cải cách mở cửa, bảy hội nghị toàn thể của Ban Chấp hành Trung ương ĐCSTQ được tổ chức liên tiếp trong 5 năm về cơ bản đã trở thành thông lệ; các thủ tục đã được chuẩn hóa hơn và mỗi hội nghị toàn thể đều đảm nhận những trách nhiệm tương đối cố định.
Hội nghị toàn thể lần thứ nhất thường chịu trách nhiệm về việc bầu ra ban lãnh đạo trung ương nhiệm kỳ mới.
Hội nghị toàn thể lần thứ 2 giới thiệu các ứng viên lãnh đạo cho Đại hội đại biểu nhân dân toàn quốc Trung Quốc, Ủy ban Toàn quốc Hội nghị Hiệp thương Chính trị Nhân dân Trung Quốc và các tổ chức nhà nước.
Hội nghị toàn thể lần thứ 3 thường đưa ra các quyết sách lớn về cải cách và phát triển kinh tế. Hội nghị toàn thể lần thứ 4 sẽ thúc đẩy triển khai các quyết sách quan trọng của đất nước. Chủ đề chính của hội nghị toàn thể lần thứ 5 là “Kế hoạch 5 năm”.
Hội nghị toàn thể lần thứ 6 thường có những bố trí quan trọng trong công tác xây dựng đảng.
Hội nghị toàn thể lần thứ 7 thường được tổ chức trước Đại hội đảng toàn quốc khoảng một tuần, nhằm chuẩn bị các tài liệu và thủ tục cho Đại hội đảng toàn quốc sắp diễn ra.
Theo trang Đa Chiều, chủ đề của Hội nghị toàn thể lần thứ 6 đang diễn ra dường như không liên quan đến việc bố trí nhân sự của ĐCSTQ. Nhưng xét về thời gian, sự kiện chỉ cách Đại hội toàn quốc khóa 20 của ĐCSTQ một năm. Đối với Đại hội 20 của ĐCSTQ, Hội nghị toàn thể 6 khóa 19 này là một nút giao quan trọng về thời gian, việc tổ chức hội nghị tượng trưng cho việc chính trường Trung Quốc đang tiến nhanh tới Đại hội.
Hiện tại, đại hội đảng bộ cấp tỉnh đang bắt đầu được tổ chức trên khắp các địa phương ở Trung Quốc. Đại hội đảng bộ ở Tân Cương, Hà Nam, Sơn Tây, An Huy đã kết thúc.
Theo thống kê chính thức, trong số 31 địa phương cấp tỉnh của Trung Quốc, ngoại trừ Bắc Kinh, Thượng Hải, Thiên Tân, Trùng Khánh 4 thành phố trực thuộc trung ương và Quảng Đông, Tân Cương là 6 tỉnh thành mà Uỷ viên Bộ chính trị kiêm Bí thư đảng uỷ, vẫn còn 5 địa phương là Hà Bắc, Nội Mông, Ninh Hạ, Thanh Hải, Tứ Xuyên chưa thay Bí thư đảng uỷ.
Từ nay tới nửa đầu năm 2022, công tác thay đổi nhân sự lãnh đạo cấp tỉnh của ĐCSTQ tại các địa phương chưa được thay thế sẽ phải gấp rút hoàn thành, bao gồm cả Bắc Kinh và Thượng Hải.
Khai Tâm