Trung Quốc dọa tấn công điện từ tàu chiến Mỹ ở Biển Đông
Báo Trung Quốc dẫn lời các chuyên gia cảnh báo quân đội nước này có thể dùng vũ khí xung điện từ chống lại tàu chiến Mỹ ở Biển Đông.
Các chuyên gia quân sự Trung Quốc đã đề xuất những biện pháp mới nhằm đối phó tàu chiến Mỹ hoạt động ở Biển Đông, bao gồm sử dụng vũ khí xung điện từ (EMP) và laser, theo tờ Hoàn cầu Thời báo.
“Ví dụ điển hình”
Tờ báo dẫn lời ông Tống Chung Bình, chuyên gia quân sự Trung Quốc, cho rằng để tấn công tàu chiến Mỹ thì dùng vũ khí EMP và laser là khả thi vì có thể làm tê liệt tạm thời hệ thống điều khiển và vũ khí trên tàu chiến Mỹ, giúp gửi cảnh báo cứng rắn, tránh gây xung đột. Bên cạnh đó, vũ khí EMP phát ra sóng điện từ nên không gây thương vong.
Ông Tống còn nhắc đến “một ví dụ điển hình và có thể được áp dụng nhiều hơn” là vụ tàu khu trục Hô Hòa Hạo Đặc chiếu laser vào máy bay tuần biển P-8A của Mỹ. Hải quân Mỹ đã cáo buộc tàu chiến Trung Quốc chiếu laser cấp độ vũ khí vào máy bay P-8A của Hạm đội Thái Bình Dương đang hoạt động tại vùng biển quốc tế, cách đảo Guam khoảng 610 km về hướng tây, vào ngày 17.2. Phía Trung Quốc thì cáo buộc chiếc P-8A gây nhiễu hoạt động huấn luyện thông thường của tàu khu trục Hô Hòa Hạo Đặc.
Đề xuất trên được đưa ra sau khi Mỹ liên tục điều tàu chiến thực thi tự do hàng hải (FONOP) ở Biển Đông nhằm phản ứng tuyên bố chủ quyền phi pháp của Trung Quốc tại vùng biển này. Mới đây, hải quân Mỹ còn điều động tàu đổ bộ mang chiến đấu cơ USS America (LHA-6) và tàu chiến cận bờ USS Gabrielle Giffords (LCS 10) tập trận chung trên Biển Đông.
Chạy đua phát triển pháo EMP
Vũ khí EMP mà các chuyên gia Trung Quốc đề cập đến có thể là pháo EMP trang bị cho tàu chiến. Từ năm ngoái, Đài CCTV đưa tin các tàu chiến Trung Quốc sẽ sớm được trang bị pháo EMP có thể bắn đạn pháo với “vận tốc hủy diệt” và tầm bắn lên đến 200 km. Đây là công nghệ do chính Trung Quốc phát triển, không hề sao chép từ quốc gia khác, CCTV nhấn mạnh.
Khoảng một tuần trước đó, một số hình ảnh lan truyền trên internet cho thấy tàu chiến Trung Quốc được trang bị pháo EMP. “Trung Quốc đang thử nghiệm pháo EMP, nhưng vẫn phải mất ít nhất 1 – 2 năm mới có thể đưa vào hoạt động”, ông Carl Schuster, cựu Giám đốc Trung tâm tình báo liên hợp của Bộ Tư lệnh Thái Bình Dương, nói với CNN.
Trong khi đó, hải quân Mỹ chi hàng trăm triệu USD nghiên cứu phát triển pháo EMP trong 10 năm qua vì loại vũ khí này không cần đầu đạn nổ nên giúp tiết kiệm chi phí đáng kể, theo trang Business Insider. Trong cuộc tập trận Vành đai Thái Bình Dương năm ngoái, một tàu chiến Mỹ đã thử nghiệm pháo EMP. Đạn pháo EMP của Mỹ được chế tạo dạng phân mảnh, đầu đạn mẹ sẽ có kích thước 155 mm, mang theo nhiều đầu đạn con để tạo ra xung điện từ cực mạnh. Không chỉ gây nhiễu hoặc làm hỏng các thiết bị điện tử, EMP cường độ mạnh như sấm sét có thể phá hủy một tòa nhà và máy bay.
“Mỹ tiếp tục phát triển nhưng sẽ không dùng vũ khí EMP để thay thế hệ thống pháo và tên lửa hiện hữu trên các chiến hạm. Lý do là pháo EMP còn nhiều hạn chế về mặt bảo trì và sử dụng quá nhiều năng lượng. Trung Quốc sẽ đối mặt với thách thức tương tự. Chính vì thế, phát triển công nghệ EMP chỉ mang đến tiếng vang trong chiến dịch PR của quân đội Trung Quốc”, chuyên gia quốc phòng Mỹ Bryan Clark nhận định.
Theo trang tin Communalnews, Nga được cho là đang thử nghiệm 2 hệ thống vũ khí Tác chiến điện tử (EW) ở biển Đen. Cụ thể là hệ thống EW Murmansk-BN trên mặt đất được thiết kế để ngăn chặn các liên lạc vô tuyến sóng ngắn của đối thủ ở khoảng cách xa. Hệ thống EW thứ hai là Rychag-AVM được trang bị trên trực thăng Mi-8 MTPR-1 được dùng để phá sóng các radar và gây nhiễu hệ thống phòng không. Do đó, các tàu chiến NATO gần đây đối mặt tình trạng bị nhiễu tín hiệu Hệ thống định vị toàn cầu (GPS) tại khu vực này.
Bắc Kinh đã điều các tiêm kích J-11 và máy bay cảnh báo sớm KJ-500 diễn tập trong đêm 16.3 trên vùng biển gần Đài Loan, theo Reuters. Các máy bay đến gần vùng nhận diện phòng không (ADIZ) của Đài Loan. Sau khi Đài Loan điều động máy bay do thám và tuần tra để phản ứng, các máy bay của đại lục rời khỏi khu vực này. Các nhà phân tích cho biết cuộc tập trận được tiến hành là nhằm tăng cường năng lực hoạt động trong mọi thời tiết của không quân Trung Quốc, đồng thời nhấn mạnh quân đội vẫn hoạt động bình thường bất kể dịch Covid-19 đang hoành hành.