+
Aa
-
like
comment

Trung Quốc điều 500 binh sĩ đi đánh lén trong đêm, bị Ấn Độ “phản đòn”, chiếm ngược lại đồn quân sự

Thành Nhân - 02/09/2020 07:54

Binh sĩ Trung Quốc và Ấn Độ đã ẩu đả suốt ba tiếng tại khu vực tranh chấp ở Ladakh cuối tuần trước, nguồn tin Telegraph (Báo của Anh) cho hay. Bộ Ngoại giao Trung Quốc đã phủ nhận cáo buộc cho rằng binh sĩ Trung Quốc đã vượt qua Đường Kiểm soát Thực tế (LAC), và khẳng định binh sĩ Ấn Độ đang chiếm giữ đất của Trung Quốc.

Trung Quốc điều 500 binh sĩ đi đánh lén trong đêm, bị Ấn Độ “phản đòn”, chiếm ngược lại đồn quân sự

Theo Telegraph, mới đây binh sĩ Ấn Độ đã chiếm giữ một đồn quân sự quan trọng của Trung Quốc sau cuộc đụng độ với quân đội Trung Quốc (PLA). Theo cáo buộc từ phía Ấn Độ, PLA đã xâm phạm lãnh thổ của Ấn Độ ở vùng biên giới tranh chấp thuộc Ladakh.

Cụ thể, vào đêm ngày 29/8 – rạng sáng ngày 30/8, khoảng 500 binh sĩ Trung Quốc đã vượt qua Spanggur, một thung lũng hẹp gần làng Chushul và có cuộc xô xát bằng tay không kéo dài 3 tiếng đồng hồ với binh sĩ Ấn Độ.

Một nguồn tin quan chức Ấn Độ cho biết cuộc tấn công đã bị đẩy lùi và chiến dịch phản công đặc biệt của Ấn Độ đã giúp binh sĩ nước này chiếm được một đồn của Trung Quốc ở gần vùng đồi của Hồ Pangong Tso vào sáng sớm ngày 30/8.

Hiện tại, vẫn chưa rõ nguyên nhân trực tiếp gây ra đụng độ và liệu có tổn thất về người hay không.

Vị trí các khu vực xảy ra tranh chấp giữa Ấn Độ và Trung Quốc. Đồ họa: Telegraph.

Sau vụ việc, Ấn Độ đã cáo buộc Bắc Kinh “có hành vi khiêu khích quân sự”. Bộ Ngoại giao Trung Quốc đã phủ nhận cáo buộc cho rằng binh sĩ Trung Quốc đã vượt qua Đường Kiểm soát Thực tế (LAC), và khẳng định binh sĩ Ấn Độ đang chiếm giữ đất của Trung Quốc.

“Động thái của Ấn Độ đã vi phạm nghiêm trọng chủ quyền của Trung Quốc, làm tổn hại hòa bình và ổn định ở vùng biên giới Trung-Ấn. Trung Quốc phản đối mạnh mẽ hành vi này,” Zhang Shuili, phát ngôn viên của Bộ tư lệnh Chiến khu miền Tây thuộc quân đội Trung Quốc, tuyên bố.

Telegraph: 500 binh sĩ TQ tấn công trong đêm, bị Ấn Độ "phản đòn", chiếm ngược lại đồn quân sự
Telegraph: 500 binh sĩ TQ tấn công trong đêm, bị Ấn Độ “phản đòn”, chiếm ngược lại đồn quân sự

“Chúng tôi yêu cầu phía Ấn Độ ngay lập tức cho rút các binh sĩ vượt qua biên giới bất hợp pháp, nghiêm túc kiểm soát và kiềm chế binh sĩ ở chiến tuyến, tuân thủ các cam kết và tránh tiếp tục khiến căng thẳng leo thang”.

Nguồn tin Ấn Độ cho biết tình hình có thể sẽ tiếp tục leo thang bởi phía Ấn Độ đã mở “mặt trận mới” nhằm đẩy lùi binh sĩ Trung Quốc và chiếm lại vùng lãnh thổ gần làng Chushul.

Theo Bộ Quốc phòng Ấn Độ, các chỉ huy quân sự từ hai quốc gia đã gặp mặt ngày hôm nay nhằm giải quyết mâu thuẫn. Ấn Độ khẳng định sẽ tuân thủ các điều luật đã thảo luận nhưng cảnh báo rằng Ấn Độ cũng “quyết tâm bảo vệ chủ quyền lãnh thổ”.

“Sau giai đoạn bình lặng, Trung Quốc bất ngờ tấn công trở lại. Đây là hành vi gây hấn nguy hiểm,” Tướng D. S. Hooda, một cựu chỉ huy ở miền bắc Ấn Độ, cho hay.

Bộ trưởng Ngoại giao Ấn Độ S. Jaishankar cảnh báo rằng căng thẳng giữa hai nước đang ở mức cao nhất kể từ khi hai bên đồng ý ngừng bắn sau chiến tranh Trung – Ấn năm 1962.

Bản đồ do Bộ Quốc phòng Ấn Độ công bố cho thấy quân đội Trung Quốc lấn sang phía lãnh thổ Ấn Độ (Ảnh: Đa Chiều).

Tờ Global Times, cơ quan ngôn luận của Đảng Cộng sản Trung Quốc, hôm nay đăng bài xã luận rằng chính Ấn Độ là bên khiêu khích trước. “Ấn Độ nói rằng họ đã ngăn chặn hoạt động quân sự của Trung Quốc. Từ ‘ngăn chặn’ cho thấy lính Ấn Độ thực hiện hành vi tiêu cực trước và họ bắt đầu căng thẳng lần này”, Global Times viết.

Global Times cảnh báo Ấn Độ sẽ phải đối mặt với “một Trung Quốc hùng mạnh” và lực lượng quân đội “đủ để bảo vệ từng tấc đất”, đồng thời cho rằng New Delhi “không nên ảo tưởng” vào sự hỗ trợ của Washington. “Nếu Ấn Độ muốn tấn công quân sự, quân đội Trung Quốc nhất định sẽ khiến họ chịu tổn thất nặng nề hơn nhiều so với năm 1962”.

Ngày 15/6 vừa qua, ít nhất 20 binh sĩ Ấn Độ đã tử vong sau cuộc đụng độ đẫm máu với lính Trung Quốc. Đây là lần đầu tiên biên giới Trung – Ấn chứng kiến thiệt hại về người trong vòng 45 năm qua.

Mặc dù các cuộc xô xát thường xảy ra tại biên giới, nhưng binh sĩ hai bên chưa bao giờ dùng vũ khí nguy hiểm, trừ ném đá và dùng tay không.

Trong diễn biến mới nhất, Ấn Độ ký thỏa thuận 380 triệu USD mua 6 tổ hợp pháo phản lực dẫn đường phóng loạt Pinaka, trong đó bao gồm 114 bệ phóng, để triển khai dọc biên giới với Trung Quốc.

Thành Nhân/Telegraph

Bài mới
Đọc nhiều