Trung Quốc đề nghị thử nghiệm vắc xin COVID-19 chung với Nga
Các nhà khoa học Trung Quốc đề nghị thử nghiệm vắc xin COVID-19 chung với Nga, sau khi Matxcơva gấp rút phê duyệt vắc xin.
Theo tờ SCMP, đề nghị nói trên được chuyên gia hàng đầu về bệnh đường hô hấp của Trung Quốc là Zhong Nanshan (Chung Nam Sơn) công bố ngày 16-8, trong một hội nghị chuyên đề với các nhà khoa học Nga.
Ông Zhong chưa nói sẽ thử nghiệm ứng cử viên vắc xin nào hay thời gian và địa điểm.
Ông Zhong nói Nga đã đạt được tiến bộ nhanh chóng trong việc phát triển vắc xin, đồng thời khẳng định: “Trung Quốc và Nga có thể học hỏi nhiều điều từ nhau. Công nghệ và chiến lược của Nga trong việc chống lại COVID-19 rất đáng để nghiên cứu, trong khi Trung Quốc có những phương pháp độc đáo để kiểm soát đại dịch, đặc biệt là ứng dụng y học cổ truyền”.
Nga đã ghi nhận hơn 925.000 ca bệnh COVID-19 với tỉ lệ tử vong khá thấp, khoảng 1,7%.
Tuần trước, Nga thông báo trở thành quốc gia đầu tiên phê duyệt vắc xin COVID-19 và bắt đầu sản xuất mà không thực hiện thử nghiệm quy mô lớn để kiểm tra tính an toàn và hiệu quả của vắc xin.
Động thái này nhận được sự hoài nghi rộng rãi từ cộng đồng khoa học, bao gồm cả chuyên gia hàng đầu của Mỹ là Anthony Fauci.
“Tôi hi vọng, nhưng tôi chưa thấy có bằng chứng về việc người Nga đã chứng minh vắc xin an toàn và hiệu quả”, bác sĩ Fauci nói vào ngày 12-8.
Giáo sư Jin Dong Yan, nhà virus học tại Đại học Hong Kong, nhận định Trung Quốc làm việc với Nga không phải là ý kiến hay vì Nga không tuân theo tiêu chuẩn quốc tế và phê duyệt vắc xin mà không cần thử nghiệm diện rộng.
Tuy nhiên, ông Jin nói Trung Quốc cần phải thử nghiệm vắc xin của họ ở nước ngoài, vì không đủ ca bệnh để thử nghiệm hàng loạt trong nước.
Tuần trước, Trung Quốc đã cấp bằng sáng chế đầu tiên cho vắc xin COVID-19 do Công ty dược phẩm sinh học CanSino Biologics và nhóm nghiên cứu của nhà virus học Chen Wei phát triển.
Cơ quan Đánh giá thuốc Trung Quốc (CDE) cho biết vắc xin COVID-19 phải có tỉ lệ hiệu quả là 50% và cho được khả năng miễn dịch ít nhất 6 tháng để được phép sử dụng trong nước.
Tuy nhiên, các sản phẩm đáp ứng tiêu chuẩn hiệu quả nhưng chưa hoàn tất thử nghiệm cũng có thể được sử dụng trong trường hợp khẩn cấp.
(Theo SCMP)