+
Aa
-
like
comment

Trung Quốc đặt tham vọng ngoại giao vaccine, ‘gỡ gạc’ ảnh hưởng toàn cầu

Thái Thanh - 18/12/2020 07:23

Trong bối cảnh các loại vaccine đầu tiên của phương Tây bắt đầu được tung ra thị trường, Trung Quốc đang đẩy mạnh nỗ lực ngoại giao vaccine để gia tăng ảnh hưởng.

Khi việc triển khai vaccine COVID-19 của các nước phương Tây đang chiếm ưu thế trên thị trường toàn cầu, Trung Quốc quyết cạnh tranh ảnh hưởng, thúc đẩy nỗ lực phân phối vaccine ngừa virus SARS-CoV-2 do nước này phát triển trên toàn thế giới. Đồng thời, ở trong nước, Bắc Kinh cũng lên kế hoạch, chuẩn bị cho việc tiêm chủng vaccine hàng loạt.

Quyết ‘gỡ gạc’ ảnh hưởng

Giống như nhiều loại vaccine khác, Trung Quốc phải đối mặt với những câu hỏi về tính hiệu quả và an toàn của các loại vaccine mà nước này phát triển. Tuy nhiên, trong bối cảnh việc tài trợ cho các dự án trong sáng kiến ​​“Vành đai, Con đường” đang chậm lại, một số chuyên gia coi ngoại giao vaccine là cơ hội để Trung Quốc củng cố ảnh hưởng quốc tế, đặc biệt là ở các nước đang phát triển.

Trung Quốc đặt tham vọng ngoại giao vaccine, 'gỡ gạc' ảnh hưởng toàn cầu - 2
Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình thăm một phòng nghiên cứu vaccine COVID-19 tại Trung Quốc. (Ảnh: Tân Hoa Xã)

Hungary – nước có hơn 2.000 ca mắc COVID-19 mỗi ngày kể từ cuối tháng 10, là quốc gia mới nhất xem xét các lựa chọn vaccine do Trung Quốc sản xuất thay vì chờ đợi tín hiệu từ Liên minh châu Âu (EU). Tuần trước, Ngoại trưởng Peter Szijjarto của nước này tuyên bố, “sự an toàn của vaccine không phải là câu hỏi chính trị hay ý thức hệ, đó chỉ là vấn đề chuyên môn”.

“Nếu các chuyên gia đưa ra đánh giá về tính khả quan của vaccine do Trung Quốc phát triển, chúng tôi sẽ lập tức bắt đầu soạn thảo hợp đồng nhập khẩu vaccine”, Ngoại trưởng Peter Szijjarto cho hay.

Hiện nay, chưa có công ty nào trong số 5 công ty Trung Quốc đang phát triển vaccine công bố kết quả thử nghiệm về tính hiệu quả, an toàn của vaccine ở giai đoạn cuối. Thế nhưng, điều này không ngăn được Các Tiểu vương quốc Ả-rập thống nhất (UAE) và Bahrain chấp thuận loại vaccine do Tập đoàn Dược phẩm Quốc gia Trung Quốc SinoPharm phát triển.

Các quốc gia Trung Đông cho biết, vaccine ngừa COVID-19 của Sinopharm cho thấy hiệu quả 86% – thấp so với 94,1% được báo cáo đối với vaccine của Moderna và 95% đối với vaccine do Pfizer-BioNTech phát triển.

Các chuyên gia cho rằng, việc các nước thông báo sử dụng vaccine Trung Quốc khi chưa công bố giai đoạn thử nghiệm cuối là điều “bất bình thường”. Peter Shapiro, Giám đốc cấp cao về thuốc tại GlobalData, nói với Nikkei Asia: “Thông thường, dữ liệu thử nghiệm lâm sàng được các nhà tài trợ tiết lộ và được công bố trên một tạp chí uy tín”.

Tuy nhiên, đầu tháng này, Indonesia đã nhận được 1,2 triệu liều vaccine từ công ty Sinovac Biotech của Trung Quốc, trong khi Ai Cập nhận được 50.000 liều do Trung Quốc sản xuất. Trung tâm Đổi mới Y tế Toàn cầu Duke ở Mỹ cho biết, đến nay, 8 thị trường đã đặt hàng với hơn 416,6 triệu liều vaccine từ các công ty của Trung Quốc, gồm Sinopharm, Sinovac và CanSino Biologics.

Lợi thế của vaccine Trung Quốc

Trong khi đó, các công ty Trung Quốc từ nhà sản xuất thuốc đến nhà sản xuất tủ lạnh đang tăng cường sản xuất để chuẩn bị cho chương trình tiêm chủng quy mô lớn trong nước trong thời gian tới.

Trung Quốc dự kiến ​​sẽ phê duyệt 600 triệu liều vaccine COVID-19 vào cuối năm nay. Các công ty như Sinopharm đang tìm cách nâng công suất sản xuất lên 1 tỷ liều trong năm tới. Ngoài ra, hôm 16/12, Shanghai Fosun Pharmaceutical công bố thỏa thuận nhập 100 triệu liều vaccine từ đối tác BioNTech của Pfizer tại Đức. Ban đầu, Shanghai Fosun Pharmaceutical sẽ trả cho BioNTech 250 triệu Euro (305 triệu USD) cho 1/2 tổng số liều vaccine.

Bất chấp những đợt bùng phát dịch COVID-19 lẻ tẻ, đại dịch vẫn nằm trong tầm kiểm soát ở Trung Quốc, làm giảm sự cấp bách phải gấp rút tiêm chủng diện rộng để ngừa virus, đồng thời cho phép nước này có thời gian để xuất khẩu vaccine. Tuy nhiên, các cuộc diễn tập hậu cần vận chuyển vaccine vẫn được thúc đẩy, diễn ra ở các địa phương của Trung Quốc.

Hôm 15/12, Tangyuan, một quận ở tỉnh Hắc Long Giang, đã bắt đầu đăng ký tiêm chủng công khai – khu vực đầu tiên làm như vậy. Global Times cho biết, theo chương trình trợ cấp của chính phủ, mỗi người sẽ nhận được 2 liều tiêm vaccine Sinopharm hoặc Sinovac cần thiết để bảo vệ khỏi virus, mỗi liều sẽ có giá 200 Nhân dân tệ (30 USD).

Ở những nơi khác tại Trung Quốc, chính quyền địa phương đã bắt đầu tiêm phòng khẩn cấp cho các nhóm nguy cơ cao, chẳng hạn như công nhân tại các sân bay, bến cảng và chợ thực phẩm đông lạnh.

“Tất cả 8 nhân viên của chúng tôi, những người xử lý thực phẩm đông lạnh hàng ngày đã được hướng dẫn tiêm vaccine trong tuần này”, quản lý tại một khách sạn 5 sao ở Thâm Quyến cho biết.

Tuy nhiên, Chính phủ Trung Quốc rõ ràng đang tính đến tham vọng cung cấp vaccine lớn hơn, không chỉ đáp ứng nhu cầu của 1,4 tỷ dân của nước này. Chủ tịch Tập Cận Bình đã tuyên bố sẽ biến vaccine Trung Quốc trở thành “hàng hóa công cộng toàn cầu” và nhiều quốc gia trung bình trên thế giới đang lắng nghe.

“Đối với các nước kém phát triển hoặc một số nước đang phát triển, chúng tôi sẽ giúp họ tiếp cận vaccine và khả năng chi trả sẽ thông qua các hình thức viện trợ”, người phát ngôn Bộ Ngoại giao Trung Quốc Uông Văn Bân cho biết hôm 15/12.

Một điều mà vaccine Sinopharm và Sinovac có lợi thế là dễ sử dụng đối với các nước đang phát triển. Các mũi tiêm của vaccine bất hoạt do Trung Quốc phát triển có thể được lưu trữ từ 2 đến 8 độ C. Ngược lại, vaccine của Pfizer-BioNTech phải được giữ ở âm 70 độ C.

Trung Quốc đặt tham vọng ngoại giao vaccine, 'gỡ gạc' ảnh hưởng toàn cầu - 1
 Trung Quốc quyết cạnh tranh ảnh hưởng, thúc đẩy nỗ lực phân phối vaccine COVID-19 do nước này phát triển. (Ảnh: AP)

Peter Shapiro cho biết: “Vaccine bất hoạt thường không cần để trong tủ lạnh và có thể dễ dàng bảo quản và vận chuyển ở dạng đông khô, giúp người dân ở các nước đang phát triển dễ dàng tiếp cận chúng”.

Đối với các quốc gia mới nổi có cơ sở hạ tầng dây chuyền giữ lạnh hạn chế, vaccine Trung Quốc có lợi thế hơn hẳn các loại vaccine do phương Tây phát triển, vốn cần giữ lạnh ở nhiệt độ âm.

Nhiều nước nghi ngờ

Tuy nhiên, vẫn có những quốc gia nghi ngờ về hiệu quả của vaccine do Trung Quốc phát triển. Hồi tháng 10, Bangladesh từ chối đồng tài trợ cho việc tiến hành thử nghiệm vaccine do Sinovac phát triển ở giai đoạn cuối. Quốc gia Nam Á khẳng định, nước này nhận được những “hứa hẹn” với liều lượng miễn phí, trong khi Sinovac lập luận rằng sự chậm trễ trong việc phê duyệt thử nghiệm của Bangladesh khiến nước này mất cơ hội.

Trong khi đó, hôm 15/12, Campuchia tẩy chay vaccine do Sinovac phát triển. Thủ tướng Hun Sen nói rằng Campuchia “không phải là thùng rác … và không phải là nơi để thử nghiệm vaccine”.

Một số nhà phân tích cho rằng, các nước đang phát triển bị thu hút vào “Con đường tơ lụa y tế” của Trung Quốc sau khi Bắc Kinh sụt giảm nguồn tài trợ cho các dự án sáng kiến “​​Vành đai, Con đường”. “Con đường tơ lụa y tế” của Trung Quốc được giới thiệu vào năm 2017, được coi là nỗ lực của Bắc Kinh nhằm đưa ra một giải pháp thay thế cho Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) do phương Tây lãnh đạo.

Phar Kim Beng, người sáng lập cơ quan tư vấn chiến lược Pan Indo-Pacific Arena, Malaysia nhận xét: “Trung Quốc dường như đang rút lui khỏi các tài trợ của sáng kiến ‘Vành đai, Con đường’, giảm từ 75 tỷ USD năm 2016 xuống còn 4 tỷ USD vào năm 2019. Bằng cách rút lui, ảnh hưởng của Trung Quốc trong thế giới đang phát triển sẽ suy yếu, nhưng nước này có thể phục hồi bằng cách xây dựng một cây cầu bằng ‘Con đường tơ lụa y tế’”.

Khi cuộc đua vaccine tăng tốc, các chuyên gia nhận thấy có sự phân hóa. Theo Duke Global Health, các quốc gia có thu nhập cao đang phòng ngừa rủi ro từ dịch bệnh bằng cách mua đủ liều lượng. Đến nay, các nước này đặt hàng 3,9 tỷ liều vaccine.

Thành Nhân/Nikkei Asian Review

Bài mới
Đọc nhiều