Trung Quốc đánh thuế 80% với lúa mạch Australia giữa căng thẳng Covid-19
Sau khi cấm nhập thịt bò từ Australia, Trung Quốc tiếp tục đánh thuế hơn 80% lúa mạch của Canberra, trong bối cảnh quan hệ giữa 2 nước đang căng thẳng liên quan tới cuộc điều tra Covid-19.
Reuters dẫn thông báo của Bộ Thương mại Trung Quốc hôm 18/5 cho hay, Bắc Kinh sẽ áp thuế chống bán phá giá và chống trợ cấp 80,5% với mặt hàng lúa mạch nhập khẩu từ Australia bắt đầu từ ngày 19/5.
Biện pháp của Trung Quốc được thực hiện sau cuộc điều tra Bắc Kinh tiến hành từ năm 2018. Theo Reuters, ngành ngũ cốc Australia được cho không quá bất ngờ với động thái này vì họ đã được thông báo từ tuần trước rằng Trung Quốc đang cân nhắc áp mức thuế cao.
Mức thuế này dự kiến sẽ khiến việc giao thương lúa mạch trị giá hàng tỷ USD giữa 2 quốc gia bị gián đoạn. Động thái này được đưa ra trong bối cảnh căng thẳng giữa Trung Quốc và Australia đang leo thang, sau sự việc Canberra kiên quyết kêu gọi cuộc điều tra nguồn gốc đại dịch Covid-19 – đại dịch khởi phát từ Vũ Hán, Hồ Bắc, Trung Quốc. Bắc Kinh đã bác bỏ tính cần thiết của cuộc điều tra này.
Bộ Thương mại Trung Quốc cho biết phá giá đã gây “thiệt hại cho ngành nông nghiệp nội địa” nước này. Mức thuế 80,5% gồm 73,6% là thuế chống bán phá giá và mức thuế chống trợ cấp 6,9%.
Australia hiện là nhà cung cấp lúa mạch hàng đầu cho Trung Quốc, xuất khẩu lượng hàng mỗi năm trung bình từ 980 triệu USD tới 1,3 tỷ USD. Trung Quốc chiếm hơn một nửa sản lượng lúa mạch xuất khẩu của Australia.
Theo Reuters, trên thực tế, quan hệ giữa Australia và Trung Quốc đã xấu đi từ năm 2018 khi Canberra cấm hãng viễn thông Huawei của Trung Quốc tham gia vào mạng viễn thông 5G. Australia cũng tỏ ra quan ngại với các động thái của Trung Quốc được cho là muốn gia tăng tầm ảnh hưởng ở Thái Bình Dương.
Trước khi áp thuế lên lúa mạch, Trung Quốc đã cấm nhập khẩu thịt bò từ Australia hồi tuần trước.
Trung Quốc trước đó khẳng định các động thái của họ không liên quan tới căng thẳng giữa 2 nước về cuộc điều tra Covid-19. Tuy nhiên, trước đó, một nhà ngoại giao Trung Quốc từng cảnh báo người tiêu dùng nước này có thể “tẩy chay” Australia vì động thái kêu gọi điều tra.
Thời báo Hoàn Cầu của Trung Quốc trong một bài xã luận hôm 13/5 tuyên bố rằng việc Bắc Kinh cấm thịt bò là “lời cảnh tỉnh” cho Australia vì các hành động “không thân thiện”.
Theo hãng SBS của Australia, đã có 116 quốc gia ủng hộ động thái của Canberra kêu gọi cuộc điều tra quốc tế độc lập về Covid-19.
Đức Hoàng/DT