+
Aa
-
like
comment

Trung Quốc đang làm bùng lên chạy đua địa chính trị mới?

29/06/2020 18:46

Một hòn đảo bé nhỏ với 116.000 người sinh sống trở thành minh chứng mới nhất cho sự ảnh hưởng ngày càng gia tăng của Trung Quốc tại vùng lãnh hải quan trọng kết nối hai châu Á và Mỹ.

Bất chấp đại dịch để mở đại sứ quán ở đảo quốc tí hon cách xa vạn dặm, Trung Quốc làm bùng lên chạy đua địa chính trị mới?
Tổng thống Kiribati Taneti Maamau và Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình tại Bắc Kinh hồi tháng 1 (ảnh: CNN)

Hồi tháng 5, trong thời điểm đại dịch COVID-19 vẫn đang lây lan trên toàn cầu, Trung Quốc đã có một động thái bất ngờ khi thiết lập đại sứ quán tại Kiribati – một đảo quốc nằm giữa Thái Bình Dương, cách Trung Quốc gần 10 nghìn km và với dân số vỏn vẹn là 116.000 người. Trước đó, chỉ có 3 quốc gia khác có cơ quan đại diện ngoại giao tại đây là Australia, New Zealand và Cuba.

Tuy nhiên, theo CNN, Kiribati hiện là nơi diễn ra một cuộc cạnh tranh địa chính trị đang ngày càng gay gắt.

Tháng 9 năm ngoái, hòn đảo ngừng quan hệ ngoại giao chính thức với Đài Bắc và chuyển sang Bắc Kinh. Trong tuần này, Tổng thống thân Trung Quốc của Kiribati là Taneti Maamau đã giành chiến thắng trong cuộc bầu cử nhận được nhiều sự chú ý. Chiến dịch tranh cử kêu gọi tăng cường quan hệ giữa Kiribati và Trung Quốc đã góp phần giúp ông Maamau vượt qua đối thủ là một người có lập trường ủng hộ Đài Loan.

Kiribati được coi là minh chứng mới nhất cho ảnh hưởng ngày càng gia tăng của Bắc Kinh tại Thái Bình Dương – khu vực gồm một loạt các đảo quốc giàu tài nguyên và kiểm soát vùng lãnh hải quan trọng giữa châu Á và châu Mỹ.

Trong quá khứ, các quốc gia bé nhỏ nơi đây gắn bó chặt chẽ với Mỹ và các đồng minh như Australia – cũng là đối tác kiêm nhà tài trợ lớn nhất của khu vực. Tuy nhiên, trong những năm gần đây, nhiều nước đã phát triển mối quan hệ thân cận hơn với Quốc.

Bất chấp đại dịch để mở đại sứ quán ở đảo quốc tí hon cách xa vạn dặm, Trung Quốc làm bùng lên chạy đua địa chính trị mới? - Ảnh 1.
Ảnh chụp trên không đảo Erakor và đường bờ biển Port Villa của đảo quốc Vanuatu (ảnh: CNN)

Loạt động thái ngoại giao và kinh tế từ Bắc Kinh

Năm 2016, Thủ tướng Ôn Gia Bảo là nhà lãnh đạo cấp cao Trung Quốc đầu tiên tới thăm Quần đảo Thái Bình Dương. Ông cam kết bỏ ra 424 triệu USD vốn vay ưu đãi để đầu tư vào phát triển các nguồn lực, nông nghiệp, thủy hải sản và các ngành công nghiệp chủ chốt khác tại đây.

Hiện tại, Bắc Kinh là nhà tài trợ lớn thứ 2 trong khu vực (chỉ sau Australia). Trung Quốc cũng là một đối tác chủ chốt cho các đảo quốc Thái Bình Dương trong đại dịch COVID-19.

Các chuyên gia y tế Trung Quốc thường xuyên tư vấn cho các đồng nghiệp tại 10 quốc gia Quần đảo Thái Bình Dương có quan hệ ngoại giao với Bắc Kinh về cách đối phó COVID-19 thông qua video trực tuyến. Hồi tháng 3, Trung Quốc thông báo tài trợ 1,9 triệu USD tiền mặt và thiết bị y tế cho các nước, thậm chí còn cử y bác sỹ trực tiếp tới một số nước như Samoa, Fiji…

Quần đảo Thái Bình Dương không có số ca lây nhiễm COVID-19 cao phần lớn là do khoảng cách địa lý xa xôi và sớm áp dụng các biện pháp phong toả. Tuy nhiên, giới chuyên gia cảnh báo, cộng đồng dân cư nơi đây có thể phải đối mặt với những hậu quả nghiêm trọng nếu dịch bệnh bùng phát do hệ thống y tế lạc hậu và thiếu năng lực xét nghiệm…

“Sự xuất hiện của Trung Quốc tại Thái Bình Dương ngày nay được thúc đẩy bởi chủ nghĩa cơ hội, họ đang cố gắng giành được càng nhiều ảnh hưởng càng tốt”, giám đốc chương trình đảo Thái Bình Dương tại viện chính sách Lowy Jonathan Pryke nhận định.

Trong khi đó, Bộ Ngoại giao Trung Quốc khẳng định, sự hỗ trợ của họ cho các đảo quốc là “chân thành” và không có “bất kỳ mục đích chính trị kèm theo nào”. Tuy nhiên, cũng trong tháng 5, khi phải đối mặt với làn sóng chỉ trích của phương Tây về cách xử lý đại dịch COVID-19, Bắc Kinh đã viện tới các nước Thái Bình Dương. Vài ngày trước khi diễn ra cuộc họp của Đại Hội đồng Y tế Thế giới, các bộ trưởng của 10 đảo quốc Thái Bình Dương đã tham gia một hội nghị video trực tuyến về COVID-19 do Trung Quốc điều hành. Hội nghị kết thúc với những lời tuyên dương nhiệt tình dành cho Bắc Kinh. Trong một tuyên bố chung, các nước khen ngợi Trung Quốc vì “cách tiếp cận cởi mở, minh bạch và trách nhiệm khi đưa ra các biện pháp kịp thời và mạnh mẽ cũng như chia sẻ kinh nghiệp dập dịch của mình”.

“Đó là thứ chính phủ Trung Quốc cần”, Denghua Zhang từ Đại học Quốc gia Australia chỉ ra.

Vai trò của Australia

Tuy nhiên, những hỗ trợ trong đại dịch từ Trung Quốc vẫn chưa thể so sánh với hỗ trợ tài chính mà Australia dành cho Quần đảo Thái Bình Dương. Tháng trước, Canberra cho hay, họ sẽ bỏ ra 69 triệu US để cung cấp “hỗ trợ tài chính nhanh” cho 10 nước trong khu vực.

Australia cũng công bố kế hoạch đưa các chương trình truyền hình ăn khách nội địa như “Neighbours” và “Masterchef” tới 7 đảo quốc Thái Bình Dương. Đây được coi là một động thái thúc đẩy quyền lực mềm nhằm đối phó với ảnh hưởng ngày càng gia tăng của Trung Quốc trong khu vực.

“Chính phủ Australia hiểu rằng, không thể cho phép khoảng trống được tạo ra, cho dù đó là quyền lực cứng, quyền lực mềm, tài trợ hay y tế”, ông Pryke nói. “Họ không thể lùi bước vì sợ bị Trung Quốc thay thế”.

Ngay cả trước đại dịch, chính sách này của Australia đã được định hình rõ. Sau khi nhậm chức, Thủ tướng Scott Morrison khởi xướng sáng kiến “Thúc đẩy Thái Bình Dương”, bao gồm gia tăng viện trợ nước ngoài và thành lập một quỹ hạ tầng cơ sở trị giá tới 1,5 tỷ USD cho khu vực.

Bong bóng du lịch

Một trong những cách đại dịch ảnh hưởng tới quan hệ đối thủ địa chính trị tại Thái Bình Dương là việc gỡ bỏ có lựa chọn các hạn chế đi lại giữa các nước.

Sau khi Australia và New Zealand bước đầu kiểm soát được đại dịch, các chính trị gia của họ đang thảo luận về mở cửa biên giới với nhau, tạo ra một hành lang du lịch – hay còn gọi là “bong bóng du lịch” giữa hai nước.

Các đảo quốc Thái Bình Dương như Fiji, Samoa và quần đảo Solomon đã đề nghị được tham gia kế hoạch.

Cho tới nay vẫn chưa có bất kỳ tin tức công khai nào về dự định kiến tạo một bong bóng du lịch tương tự giữa Trung Quốc và Quần đảo Thái Bình Dương. Hiện tại Trung Quốc dường như tập trung vào các biên giới láng giềng, ví dụ như các thảo luận về bong bóng du lịch giữa tỉnh Quảng Đông (Trung Quốc) với Hong Kong và Macau.

Đại dịch COVID-19 đã tạo ra những áp lực khổng lồ lên các nền kinh tế của các nước Thái Bình Dương vốn phụ thuộc rất lớn vào du lịch. Australia và New Zealand chính là nguồn khách quốc tế chủ yếu cho khu vực, trong khi số du khách Trung Quốc tới quần đảo liên tục giảm trong những năm gần đây.

Theo ông Pryke, mặc dù địa chính trị không phải là động cơ chủ yếu để tạo ra một bóng bóng du lịch, việc gỡ bỏ các hạn chế đi lại giữa Australia và các đảo quốc Thái Bình Dương sẽ giúp đảm bảo một số lợi ích địa chính trị cho cả Canberra và Wellington.

“Australia và New Zealand sẽ trở thành những người giữ cửa cho lối vào Thái Bình Dương trong khi đại dịch tiếp diễn trên thế giới. Điều đó tất nhiên sẽ đem lại cho Australia và New Zealand thêm nhiều lợi thế địa chính trị”, ông kết luận.

Minh Đức/TQ

Bài mới
Đọc nhiều