Trung Quốc công bố cảnh bạo loạn kinh hoàng ở Tân Cương, như phim hành động
Chính quyền khu tự trị Tân Cương, Trung Quốc vừa công bố những video về các vụ khủng bố, bạo lực kinh hoàng khiến thế giới sửng sốt.
Trung Quốc công bố loạt hình ảnh sốc về Tân Cương
Đài truyền hình Trung ương Trung Quốc (CCTV) ngày 13/12 đưa tin, khu tự trị Tân Cương đã tổ chức họp báo về các vấn đề liên quan đến Tân Cương và công bố nhiều đoạn video về các vụ bạo lực khủng bố, hầu hết đều là lần đầu tiên được tiết lộ.
Trong các đoạn video, những kẻ khủng bố đã phóng hỏa, giết người, phóng xe bạt mạng trên đường phố, khiến cho đám đông hoảng sợ bỏ chạy và đường phố trở nên hỗn loạn.
Từ Quý Tương – người phát ngôn của chính quyền Tân Cương – tuyên bố chủ nghĩa khủng bố và chủ nghĩa cực đoan là “căn bệnh ung thư” của xã hội loài người, mang đến những thảm họa nặng nề cho nhân quyền và nhân phẩm, đồng thời đe dọa nghiêm trọng đến hòa bình và an ninh trên thế giới.
Ông Từ nói, trong thời gian vừa qua, Tân Cương đã chịu thiệt hại nặng nề do các lực lượng khủng bố bạo lực, lực lượng ly khai sắc tộc và lực lượng tôn giáo cực đoan gây ra, các vụ tấn công khủng bố thường xuyên xảy ra.
Ông Từ tiết lộ rằng, theo thống kê chưa đầy đủ, từ năm 1990 đến cuối năm 2016, ba lực lượng – bao gồm lực lượng tôn giáo cực đoan, lực lượng ly khai sắc tộc và lực lượng khủng bố bạo lực – đã gây ra hàng nghìn vụ bạo lực khủng bố ở Tân Cương và những nơi khác, gây ra cái chết cho rất nhiều thường dân vô tội, hàng trăm cảnh sát cũng thiệt mạng trong khi thực thi nhiệm vụ, thiệt hại về tài sản là không thể ước tính được.
Người đại diện Tân Cương tuyên bố, nghiêm trị khủng bố theo quy định của pháp luật Trung Quốc và bảo vệ người dân các dân tộc khỏi các hoạt động khủng bố là lựa chọn tất yếu để duy trì ổn định xã hội ở Tân Cương và bảo vệ nhân quyền.
Ông Từ Quý Tương nói Mỹ và phương Tây đã đưa ra những cáo buộc một cách ác ý nhằm vào các chính sách của Bắc Kinh với Tân Cương. Ông này khẳng định các biện pháp của giới chức Trung Quốc là “hành động chính nghĩa, phù hợp với luật pháp, chống lại chủ nghĩa khủng bố và chủ nghĩa cực đoan, để bảo vệ quyền tồn tại và phát triển của người dân các dân tộc tại Tân Cương”.
Ông Từ thông báo tại cuộc họp báo rằng, trong 5 năm qua, GDP của Tân Cương đã tăng từ 931 tỷ Nhân dân tệ (NDT, tương đương 146 tỷ USD) lên 1.380 tỷ NDT (gần 217 tỷ USD), thu nhập khả dụng bình quân đầu người của cư dân thành thị và nông thôn ở Tân Cương lần lượt đạt 35.000 NDT (gần 5.500 USD) và 14.000 NDT (2.200 USD). Đến cuối năm 2020, có hơn 3 triệu dân nông thôn ở Tân Cương đã hoàn toàn thoát nghèo theo tiêu chuẩn hiện hành của Trung Quốc; 3.666 thôn và 35 huyện đã thoát nghèo. Vấn đề đói nghèo kéo dài hàng thiên niên kỷ đã được giải quyết triệt để.
Trung Quốc mời du khách đến Tân Cương
Theo trang tin tiếng Hoa Đa Chiều, kể từ khi thành lập nước Cộng hòa Nhân dân Trung Hoa vào năm 1949, đặc biệt là từ khi nước này Cải cách mở cửa vào thập niên 1980, dân số Tân Cương, bao gồm cả người dân tộc thiểu số, đã liên tục tăng. Từ cuộc điều tra dân số Trung Quốc lần đầu tiên vào năm 1953 đến cuộc điều tra dân số lần thứ bảy vào năm 2020, dân số Tân Cương đã tăng từ 4,8 triệu lên 25.9 triệu, trong đó dân số người Duy Ngô Nhĩ tăng từ 3,6 triệu lên 11,6 triệu.
Tuổi thọ trung bình ở Tân Cương cũng được báo cáo là tăng lên đáng kể, từ dưới 30 tuổi vào năm 1949 lên 74,7 tuổi vào năm 2019.
Đầu tháng 12 vừa qua, Tổng lãnh sự quán Trung Quốc tại Osaka (Nhật Bản) thông báo mời du khách Nhật Bản đi du lịch và trải nghiệm thực tế tại Tân Cương. Sự kiện này đã thu hút sự quan tâm của giới truyền thông Nhật Bản.
Quan chức của Lãnh sự quán Trung Quốc trả lời vào ngày 5/12 rằng, mục đích của sự kiện là để tăng cường hiểu biết. Hiện tại, đã có 435 người đăng ký tour du lịch và dự định sẽ khởi hành sau khi dịch bệnh kết thúc.
Một số cư dân mạng Nhật Bản lo lắng rằng, tour du lịch đến Tân Cương là “chuyến đi một chiều” và “họ có thể bị theo dõi trong suốt chuyến đi”. Tổng lãnh sự quán Trung Quốc trả lời rằng, toàn bộ tour du lịch sẽ diễn ra công khai và minh bạch, vì vậy đừng lo lắng.
Trong những năm gần đây, Trung Quốc đã nhiều lần bác bỏ các cáo buộc của Mỹ và phương Tây về việc Bắc Kinh thực thi chính sách “áp bức” đối với Tân Cương.
Vấn đề Tân Cương cũng làm leo thang căng thẳng giữa Trung Quốc với thế giới phương Tây, bao gồm việc đôi bên áp nhiều lệnh cấm vận nhằm vào các quan chức, nhà ngoại giao hay học giả của nhau.
Nghị viện châu Âu (EP) trong năm nay cũng thông qua quyết định tạm “đóng băng” thỏa thuận tự do thương mại lịch sử giữa Trung Quốc và Liên minh châu Âu (EU), vốn được chốt lại từ cuối năm 2020 sau nhiều năm trời đàm phán.
Trugn Quốc đã thúc đẩy các nỗ lực giới thiệu Tân Cương qua video, văn bản và hình ảnh, đồng thời mời hơn 1.000 nhà ngoại giao và nhà báo từ hơn 100 quốc gia và vùng lãnh thổ đến thăm Tân Cương trong vài năm qua. Giới chức Trung Quốc cũng nhấn mạnh họ hoan nghênh tất cả mọi người đến thăm Tân Cương, chứng kiến sự thay đổi và phát triển ở đó, cảm nhận “một Tân Cương thực sự”.
Nguyễn Minh