Trung Quốc có mấy sân bay ở biển Đông?
Năm 2020, tròn 70 năm Việt Nam và Trung Quốc thiết lập quan hệ ngoại giao, 70 năm ấy biết bao “mặn nồng”, giữa hai nước có vui, có buồn, có hữu nghị, có xung đột, thậm chí chiến tranh. Việt Nam và Trung Quốc đã là hợp tác, đối tác chiến lược toàn diện. Nhưng, trên thực tế những gì chúng ta thấy mối quan hệ hữu nghị, bình yên giữa 2 nước chỉ là “phần nổi của tảng băng chìm”.
Câu hỏi “Trung Quốc định làm gì ở Biển Đông” và “Việt Nam có thể làm gì tại Biển Đông” đã được đặt ra từ lâu. Rõ nhất là sau “khủng hoảng” lần 1 vào tháng 5/2014, lần 2 vào tháng 7-10/2019, lần 3 ngay trong mùa dịch Covid – 19 những tháng đầu năm 2020. Nay câu hỏi đó lại được đặt ra trong bối cảnh Trung Quốc liên tiếp đưa tàu sân bay, tàu đổ bộ trực thăng tấn công khổng lồ, tàu tự hành, máy bay ném bom hạng nặng ra biển Đông…
Mới đây, Trung Quốc đã xây dựng Đài quan sát đáy biển, giúp tìm kiếm khoáng sản và phục vụ cho mục đích quân sự. Năm 2019, đưa máy bay ném bom hạng nặng ra Hoàng Sa; tháng 8/2020, đưa máy bay ném bom hạng nặng ra Trường Sa; trước đó đã thiết lập hệ thống thiết bị bay không người lái (UAV) kiểm soát tầng không và thiết bị lặn tự hành khảo sát đáy biển ở phạm vi 2000km và sâu 2000m… Cùng với 27 tiền đồn, căn cứ quân sự từ Hoàng Sa đến Trường Sa. Trong 7 bãi đá (Chữ Thập, Gạc Ma, Châu Viên, Tư Nghĩa, Gaven, Vành Khăn, Xubi) mà Trung Quốc ăn cướp của ta, thì đá Chữ Thập đã được mở rộng tăng kích thước lên gấp 11 lần, lớn hơn cả đảo Ba Bình là đảo lớn nhất trong quần đảo Trường Sa/Nam Sa mà Đài Loan đang chiếm giữ. Cho đến trước khi mở rộng, Trung Quốc là bên duy nhất không có đường băng ở Trường Sa (Đài Loan có ở Ba Bình, Philippines có ở Thị Tứ, Malaysia có ở đá Hoa Lau, Việt Nam có ở đảo Trường Sa Lớn) thì bây giờ đường băng đã xuất hiện ở Chữ Thập, Vành Khăn và Xubi, có cả kho chứa ngầm, các hệ thống liên lạc, ra-đa, cảm biến quân sự, hầm chứa cho các tên lửa tấn công và hệ thống phòng thủ tầm ngắn. Bốn đảo khác nhỏ hơn (Gạc Ma, Châu Viên, Ga-ven và Đá Tư Nghĩa) đều được trang bị súng phòng không và có thể là hệ thống vũ khí phòng vệ tầm thấp để chống lại các cuộc tấn công tên lửa hành trình… Biển Đông được Trung Quốc đặt dưới sự kiểm soát đa tầng, nghĩa là mọi hoạt động dưới mặt nước, trên mặt nước và trong khoảng không trên mặt nước biển đều không thoát khỏi “tầm nhìn” của họ.
Vì sao Trung Quốc khao khát biển Đông?
Vì biển Đông có tất cả. Một nguồn lợi cá và hải sản khổng lồ, một nguồn lợi về tài nguyên dầu khí lên tới hàng ngàn tỉ đô la Mỹ và nhất là một tuyến hàng hải, một tuyến thương mại quốc tế không thể thay thế. Đặc biệt là địa chiến lược quân sự, khống chế được tuyến này là có thể bắt nạt các quốc gia cần đến nó, bắt nạt các nước lớn, bắt nạt cả thế giới.
Tuy Trung Quốc vừa gượng dậy sau khủng hoảng Covid – 19 với nhiều tổn thất và rạn nứt nội bộ, nhưng họ tranh thủ cơ hội Mỹ và đồng minh đang phải đối phó với dịch bệnh: Bốn tàu sân bay của Mỹ phải ngừng hoạt động; USS Theodore Rousevelt phải cách ly và bảo trì tại Guam vì hơn 800 thủy thủ bị lây nhiễm Covid-19; USS Ronald Reagan phải cách ly và bảo trì tại Nhật. Trong khi đó, USS Carl Vinson và USS Nimitz cũng đang phải cách ly và bảo trì tại căn cứ hải quân ở Mỹ. Bộ Quốc phòng Mỹ phải điều tàu sân bay USS Harry Truman từ Trung Đông sang khu vực này để tăng cường cho hạm đội Thái Bình Dương, trong khi Không quân Mỹ phải rút các máy bay ném bom chiến lược tầm xa khỏi Guam vì đại dịch Covid – 19. Các lỗ hổng trong cấu trúc chiến lược của Mỹ ở khu vực là cơ hội tốt để Trung Quốc bành trướng. Và phương châm nổi tiếng của Mao Trạch Đông ngày xưa, nay được ông Tập Cận Bình tái sử dụng “Thiên hạ đại loạn thì Trung Quốc đại lợi”; “Không có bạn mãi mãi, không có thù mãi mãi, chỉ lợi ích của Trung Quốc là mãi mãi”. Lợi ích đó chiếm được theo kiểu “ngoại giao pháo hạm”.
Việt Nam có thể làm gì?
Trước hết, xác định Trung Quốc là nước lớn của thế giới (lớn cả về diện tích, đông về dân số, mạnh về kinh tế, quân sự…). Đã là nước lớn, sẽ có những hành xử, tư duy theo kiểu “cá lớn nuốt cá bé”. Không có gì lạ, trước giờ lịch sử thế giới vẫn thế. Cho nên phải coi trọng quan hệ với Trung Quốc trong khuôn khổ hợp tác, đối tác chiến lược toàn diện. Chúng ta đã hợp tác, phải hợp tác và tiếp tục tìm cách hợp tác, đừng bị cuốn theo lối “thoát Trung” của thành phần dân chủ. Hiện nay, trong ba mối quan hệ ràng buộc đang có với Trung Quốc (biển Đông, kinh tế – thương mại và sông Mekong-Lan Thương) thì biển Đông nằm ở trung tâm. Việt Nam hiểu hơn ai hết, sông liền sông, núi liền núi, láng giềng vĩnh viễn, mối quan hệ đó có lịch sử, văn hóa, có tình hữu nghị không thể một sớm một chiều bỏ qua.
Mới đây, một số ý kiến cho rằng vụ việc ở bãi Tư Chính “cách ứng xử của Việt Nam như vậy là chưa ổn, còn quá dè dặt”. Người dân có quyền thảo luận với Đảng và Chính phủ một cách lý trí nhưng không để tình cảm lấn át, càng không để kẻ xấu lôi kéo chống đối, đại ngôn, lớn lời, bài bác, chỉ trích vô lối, thiếu hiểu biết …
Mâu thuẫn trên bàn nghị sự có lúc căng thẳng; cọ xát, xung đột ngoài thực địa có lúc tàu thuyền bị đâm húc, phun nước… Chúng ta đã kiên trì, bình tĩnh xử lý, nay càng phải bình tĩnh không nóng vội, chủ quan, khinh suất, không bị cuốn vào vòng xoáy “mắc mưu khiêu khích”, mất kiểm soát. Tình hình biển Đông càng diễn biến phức tạp, nghiêm trọng chúng ta càng phải bình tĩnh, phát huy sức mạnh của khối đại đoàn kết toàn dân tộc. Bằng sức mạnh tổng hợp ngoài khơi và trong bờ để đấu tranh bảo vệ chủ quyền, dù còn một tín hiệu nhỏ nhoi, mong manh của hòa bình cũng phải bám lấy để giải quyết bằng hòa bình, hơn 4 ngàn năm thiên tai và giặc giả nên thấm lắm rồi cái cảnh binh đao. Phát huy vai trò, cương vị, trách nhiệm chủ tịch ASEAN 2020 và thành viên Hội đồng bảo an Liên Hiệp Quốc nhiệm kỳ 2020 – 2021, để đưa các vấn đề ra thế giới, biến việc nhà mình thành việc của khu vực, việc của khu vực thành việc của thế giới, tận dụng tối đa sự đồng tình ủng hộ của thế giới.
Đó là những vấn đề Việt Nam có thể làm, cần phải làm ngay và luôn.
TH