Trung Quốc chỉ trích Mỹ về Afghanistan: “Khi nào mới rút ra bài học?”
Trung Quốc cho rằng việc thủ đô Kabul của Afghanistan thất thủ càng cho thấy rằng các biện pháp can thiệp quân sự của Mỹ không có tác dụng.
Ngày 20/8, người phát ngôn Bộ Ngoại giao Trung Quốc Hoa Xuân Oánh tiếp tục chỉ trích chính sách can thiệp của Mỹ, cho rằng Washington có “thành tích khủng khiếp” trong việc cố gắng “uốn nắn” các quốc gia khác theo lý tưởng của mình.
Bà Hoa Xuân Oánh dẫn lời Giáo sư Mỹ Jeffrey Sachs nói rằng tất cả các cuộc can thiệp quân sự của Mỹ vào các quốc gia đang phát triển, kể từ sau chiến tranh Triều Tiên, đều thất bại. Theo bà Hoa, mỗi lần can thiệp, Mỹ lại chìm sâu hơn vào “thảm họa và vực thẳm”.
Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Trung Quốc cũng đặt câu hỏi về chiến lược của Mỹ trên thực tế, khi chỉ có 2% ngân sách ở Afghanistan được chi cho việc xây dựng cơ sở hạ tầng cơ bản hoặc các dự án xóa đói giảm nghèo có thể thực sự mang lại lợi ích cho người dân nước này.
“Lẽ ra, Mỹ có thể hợp tác với các quốc gia khác để đầu tư nhiều hơn vào các dự án nước sạch, trường học, bệnh viện, nông nghiệp và các dự án khác để giúp Afghanistan thoát khỏi đói nghèo”, bà Hoa cho biết.
Bà Hoa nói rằng mặc dù Mỹ đã trải qua rất nhiều bài học khó khăn, nhưng “đến khi nào họ sẽ rút ra được bài học?”.
Sự sụp đổ nhanh chóng của chính phủ ở Afghanistan khiến truyền thông nhà nước Trung Quốc đăng tải hàng loạt bài viết về vai trò “bá quyền toàn cầu” đang suy yếu của Mỹ. Thời báo Hoàn cầu thậm chí gọi sự hỗn loạn ở Afghanistan là “một bài học mà Đài Loan cần rút ra”.
“Một khi chiến tranh nổ ra ở eo biển (Đài Loan), lực lượng phòng vệ của hòn đảo sẽ sụp đổ trong vài giờ và quân đội Mỹ sẽ không đến giúp đỡ”, Thời báo Hoàn cầu bình luận.
Trung Quốc và Nga đã chỉ trích mạnh mẽ quyết định đột ngột rút quân khỏi Afghanistan của Washington. Bắc Kinh cảnh báo điều này có thể làm trầm trọng thêm tình hình an ninh ở quốc gia láng giềng và gây ra mối đe dọa nghiêm trọng đối với an ninh khu vực.
Vài tuần trước khi Taliban nắm quyền kiểm soát ở Afghanistan, Trung Quốc đã nỗ lực tăng cường quan hệ với nhóm chiến binh này bằng cách tiếp một phái đoàn của Taliban, đồng thời coi đây là một lực lượng chính trị và quân sự quan trọng.
Trong cuộc hội đàm với trưởng đoàn đàm phán của Taliban Mullah Abdul Ghani, Ngoại trưởng Trung Quốc Vương Nghị yêu cầu Taliban cắt đứt quan hệ với các tổ chức cực đoan khác, trong đó có Phong trào Hồi giáo Đông Turkestan (ETIM) – lực lượng bị Bắc Kinh cho là gây ra các cuộc tấn công bạo lực ở khu vực Tân Cương.
Khi Taliban kiểm soát thủ đô Kabul hôm 15/8, Bắc Kinh đã hối thúc lực lượng này thực hiện các chính sách tôn giáo ôn hòa và duy trì quan hệ hữu nghị với các quốc gia khác.
Giới quan sát ngoại giao cho rằng mặc dù Bắc Kinh chưa công nhận Taliban là chính phủ hợp pháp của Afghanistan, nhưng Trung Quốc coi mối quan hệ chặt chẽ hơn với Taliban là yếu tố quan trọng cho các nỗ lực chống khủng bố của họ trong khu vực.
Thành Đạt