+
Aa
-
like
comment

Trung Quốc chặn 40 tỉ m3 nước sông Mekong khiến mức nước xuống thấp kỷ lục

Cánh Én - 30/12/2019 16:12

Tổ chức Mekong Freedom Network của Thái Lan nhận định: 8 đập thủy điện nằm trên lãnh thổ Trung Quốc là thủ phạm chính khiến mực nước sông Mekong xuống thấp kỷ lục.

Sông Mekong ở Thái Lan. Ảnh: Bangkok Post.

Văn phòng Tài nguyên nước Thái Lan thông báo, 8 tỉnh khu vực Đông Bắc nước này sẽ bị ảnh hưởng nghiêm trọng bởi mực nước sông Mekong giảm mạnh, do Trung Quốc chạy thử nghiệm đập thủy điện Jinghong ở tỉnh Vân Nam.

Theo thông báo của Bộ Tài nguyên nước Trung Quốc, lượng nước chảy về sông Mekong sẽ giảm khoảng 30% xuống còn 800m3/giây (m³/s) từ ngày 1 đến ngày 3/1/2020 và xuống mức thấp nhất 500m³/s vào ngày 4/1/2020, sau đó lưu lượng nước sẽ trở lại bình thường.

Do đó Bộ Nông nghiệp Thái Lan cảnh báo, 8 tỉnh vùng Đông Bắc dọc theo sông Mekong sẽ bị ảnh hưởng, với mực nước giảm ít nhất 40cm. Nhiều tỉnh khu vực hạ lưu sông Mekong sẽ bị ảnh hưởng vào cuối tháng 1/2020.

8 đập thủy điện Trung Quốc “bóp chết” sông Mekong

Đập Cảnh Hồng ở tỉnh Vân Nam, Trung Quốc

Theo nghiên cứu của Mekong Freedom Network, 8 đập thủy điện chắn ngang sông Mekong (Lan Thương) trên đất Trung Quốc đã giữ lại tổng cộng hơn 40 tỉ m3 nước cho các mục đích phát điện, tưới tiêu…

Đây là một trong số nguyên nhân chính khiến dòng chảy sông Mekong trở nên bất thường những ngày qua.

Các nhà hoạt động môi trường ở Thái Lan cho biết mực nước thấp nhất họ quan sát được trên sông Mekong là khi đập Cảnh Hồng, thuộc tỉnh Vân Nam (Trung Quốc) giảm mức xả nước xuống chỉ còn 500 m3/giây.

Đến ngày 18-7, Cảnh Hồng tăng lượng nước xả lên 1.000 m3/s, tuy nhiên nước sông Mekong ở vài tỉnh phía bắc và đông bắc Thái Lan vẫn chưa phục hồi, khiến các hoạt động như giao thông đường thủy, đánh bắt cá, bơm nước… đều bất khả thi.

Nhìn chung, các chuyên gia chỉ ra 3 nguyên nhân chính khiến mực nước sông Mekong ở Thái Lan, Lào, Campuchia, Việt Nam xuống thấp kỷ lục: lượng mưa năm nay giảm; đập Cảnh Hồng xả ít nước; đập Xayaburi ở Lào chạy thử nghiệm.

Cồn cát lộ ra trên sông Mekong đoạn chảy qua Thái Lan do mực nước xuống thấp – Ảnh: Chiang Rai Times

Bà Pianporn Deetes – giám đốc chiến dịch của Tổ chức Sông ngòi quốc tế tại Thái Lan (International Rivers) – kêu gọi đã đến lúc chính phủ các quốc gia trong khu vực cần nỗ lực kiểm soát việc khai thác sông Mekong.

Bà Pianporn nhận định các biểu hiện như mực nước thấp bất thường, sự xuất hiện của cồn cát và ghềnh đá dưới đáy sông, cá chết hàng loạt, trạm bơm ngưng hoạt động… chỉ là “khởi đầu” của một viễn cảnh xấu phía trước.

Từ đây cho đến tháng 10, khi đập Xayaburi ở Lào trữ nước để chính thức đi vào hoạt động, tình hình chưa biết khi nào sẽ cải thiện.

“Hôm nay chỉ mới có 2 đập thủy điện giữ nước mà chúng ta đã bị ảnh hưởng nghiêm trọng. Vẫn còn 28 đập khác ở Trung Quốc và 11 đập ở Lào đã được lên kế hoạch…” – bà Pianporn băn khoăn.

Mỹ tố Trung Quốc dùng đập thủy điện để ‘kiểm soát’ sông Mê Kông

Tàu Trung Quốc tuần tra trên sông Mê Kông

Ngoại trưởng Mỹ Mike Pompeo cảnh báo Trung Quốc đang kiểm soát sông Mê Kông bằng cách xây dựng ồ ạt đập thủy điện.

Ngoại trưởng Pompeo cho biết kế hoạch của Trung Quốc đối với sông Mê Kông, bao gồm đặt mìn phá đá và cồn bãi, là “xu hướng đáng quan ngại”.

“Chúng ta chứng kiến hoạt động xây dựng đập thủy điện ồ ạt ở thượng nguồn sông Mê Kông là nhằm kiểm soát khu vực hạ lưu”, ông Pompeo phát biểu tại hội nghị ở thủ đô Bangkok (Thái Lan) ngày 1.8.

Hội nghị đánh dấu 10 năm kể từ khi Mỹ tiến hành chương trình tài trợ phát triển “Sáng kiến Hạ lưu sông Mê Kông”. Ngoại trưởng Pompeo nhân cơ hội này để chỉ ra những sai phạm trong hoạt động của Trung Quốc ở sông Mê Kông.

Ông Pompeo cáo buộc Trung Quốc tiến hành những cuộc tuần tra cùng các hoạt động khác nhằm làm suy yếu Ủy hội Sông Mê Kông, vốn là cơ quan liên chính phủ có nhiệm vụ giám sát hoạt động xây dựng dọc theo con sông.

Bài mới
Đọc nhiều