+
Aa
-
like
comment

Trung Quốc bỗng trở nên “mềm mỏng” – Điều gì đang xảy ra?

29/09/2021 17:33

Có một điều khá bất thường diễn ra trong thời gian gần đây: các phương tiện truyền thông của Trung Quốc bất ngờ ngừng các bài viết công kích chỉ trích nhắm vào Mỹ, ít nhất là trong thời gian vài tuần qua.

Vì sao “chiến lang” im tiếng?

Sự “tan băng” này xuất hiện sau cuộc điện đàm giữa Chủ tịch Tập Cận Bình và Tổng thống Joe Biden hồi giữa tháng 9.

Đây là cuộc điện đàm cấp cao đầu tiên giữa lãnh đạo Mỹ – Trung trong vòng 7 tháng qua và đã nhận được những phản ứng tích cực của giới truyền thông cũng như mạng xã hội Trung Quốc.

“Lần này, ông Biden đã cho thấy sự chân thành”, nội dung một bài viết gây chú ý nêu quan điểm.

Và chính những diễn biến tan băng này khiến mọi người đặt ra một vấn đề được quan tâm và chờ đợi lâu nay là liệu sẽ có cuộc gặp thượng đỉnh trực tiếp đầu tiên giữa ông Tập và ông Biden hay không.

Diễn biến này đến vào thời điểm Trung Quốc chuẩn bị diễn ra một cuộc họp quan trọng. Theo một số nguồn tin, Trung Quốc được cho là đang chuẩn bị cho phiên họp toàn thể lần thứ 6 của Ban Chấp hành Trung ương đảng Cộng sản Trung quốc vào tháng 11 tới.

Đây là một cuộc họp cấp cao quan trọng, nơi các nhà lãnh đạo sẽ đặt nền móng cho Đại hội Đảng toàn quốc tiếp theo, vào mùa thu năm 2022.

Ngay sau khi thông tin về phiên họp toàn thể lần thứ 6 được công bố, chính sách ngoại giao của Trung Quốc đã có chuyển biến khi ông Tần Cương, tân đại sứ Trung Quốc tại Washington, đã có bài phát biểu đáng chú ý vào ngày 31/8 ở Ủy ban Quốc gia về Quan hệ Mỹ – Trung có trụ sở tại New York.

Ông Tần Cương đã có thông điệp rõ ràng rằng, Trung Quốc mong muốn tạo ra đột phá trong mối quan hệ vốn căng thẳng sâu sắc với Mỹ. Vốn được xem là một trong những nhà ngoại giao “chiến lang” của Trung Quốc, nhưng trong tuyên bố hôm đó, ông Tần Cương được cho là khá mềm mỏng.

“Trung, Mỹ không nên hiểu lầm, đánh giá sai, xung đột hoặc đối đầu. Một số người tin rằng Bắc Kinh đang muốn chống lại Washington nhằm thách thức và thay thế vị trí của Mỹ. Đây là một đánh giá sai lầm nghiêm trọng về chính sách chiến lược của Trung Quốc”, ông nói.

Có gì bất ngờ trong cuộc điện đàm 90 phút?

Điều đáng chú ý trong suốt cuộc điện đàm kéo dài 90 phút giữa hai nhà lãnh đạo Mỹ và Trung Quốc là chính ông Biden đã nêu lên tầm quan trọng của việc tránh những thông tin sai, tính toán sai và những xung đột ngoài ý muốn – giống điều mà đại sứ Tần Cương đã đề cập.

Không lâu sau cuộc gọi này, Nhà Trắng thông báo sẽ tổ chức hội nghị thượng đỉnh đầu tiên của các nhà lãnh đạo nhóm “Bộ tứ” (nhóm Quad) gồm Mỹ, Nhật Bản, Ấn Độ và Australia vào ngày 24/9.

Hội nghị Quad được được cho là nhằm mục đích đối phó với với một Trung Quốc đang trỗi dậy mạnh mẽ.

Cuộc điện đàm Biden – Tập cũng là một phần trong quá trình chuẩn bị của Mỹ cho hội nghị Quad, nhằm đánh giá một cách chính xác quan điểm của ông Tập trước khi họp với các đối tác ở khu vực Ấn Độ – Thái Bình Dương.

Mỹ đang tính toán đến khả năng tổ chức cuộc gặp Biden-Tập bên lề hội nghị thượng đỉnh hàng năm giữa các nhà lãnh đạo G20, sẽ diễn ra tại Italia vào cuối tháng 10.

Tuy nhiên, theo nguồn tin Bloomberg, ông Tập đã từ chối lời đề nghị của Tổng thống Biden ngay trong cuộc điện đàm kéo dài 90 phút. Nhưng Tổng thống Biden sau đó cũng bác bỏ thông tin này, nói rằng, không có việc đề nghị và từ chối như vậy.

Khó chớp thời cơ

Khả năng về một chuyến đi nước ngoài của ông Tập vào cuối tháng 10 vẫn còn mong manh. Về mặt lý thuyết, ông Tập sẽ có thể đến tham dự hội nghị G20, trở về Trung Quốc, thực hiện các biện pháp kiểm dịch cần thiết và sẵn sàng tham dự phiên họp toàn thể lần thứ 6 vào tháng 11.

Tuy nhiên, nhà lãnh đạo Trung Quốc khó có thể chớp cơ hội một cách dễ dàng như vậy. Lần cuối cùng ông Tập rời khỏi đất nước là vào ngày 17-18/1/2020 khi đến thăm Myanmar.

Trong khi ông đang ở thăm Myanmar, dịch Covid-19 bắt đầu bùng nổ. Và kể từ đó, ông Tập đã không đi công du nước ngoài trong 1 năm và 8 tháng qua. Ông trở thành nhà lãnh đạo G20 hiếm hoi cho đến nay vẫn ở yên trong nước.

Theo Nikkei Asia, ông Tập muốn tránh bất kỳ chuyến công du nước ngoài nào vì trong thời điểm đó ông có thể bị chỉ trích về những sai lầm của Trung Quốc trong phản ứng ban đầu đối với đại dịch, hoặc đối mặt với điệp khúc kêu gọi điều tra nguồn gốc của virus.

Tuy nhiên, ông cũng không muốn tỏ ra yếu thế hơn trong nỗ lực kiểm soát mối quan hệ ngoại giao quan trọng với Mỹ. Đồng thời, nhà lãnh đạo Trung Quốc cũng không thể đưa ra bất kỳ nhượng bộ đáng kể nào. Bởi nếu ông Tập làm theo các yêu cầu của Mỹ, chính sách đặc trưng của ông sẽ mất uy tín.

Có một trở ngại lớn khác là vào tháng 12 tới đây, Hội nghị thượng đỉnh vì dân chủ, sẽ diễn ra dưới sự chủ trì của ông Biden. Ngoại trưởng Mỹ Antony Blinken từng phát biểu hồi tháng 3 rằng sẽ không loại trừ việc mời Đài Loan tham gia.

Hội nghị này sẽ được tổ chức theo hình thức trực tuyến, nhưng nếu có sự tham gia của Đài Loan điều đó sẽ đánh dấu một đòn giáng nghiêm trọng nhằm vào Trung Quốc.

Nam Anh

Bài mới
Đọc nhiều