+
Aa
-
like
comment

Trung Quốc biến Sáng kiến Vành đai và Con đường thành vũ khí

17/06/2020 08:08

Trung Quốc hiểu ngoại giao mềm không đủ để đảm bảo thành công cho Sáng kiến Vành đai và Con đường. Cần phát huy sức mạnh quân sự để thuyết phục các quốc gia khác.

Trung Quốc biến Sáng kiến Vành đai và Con đường thành vũ khí

Suốt thời gian dài, Trung Quốc đã quấy nhiễu quần đảo Senkaku/Điếu Ngư, điểm cực bắc của Con đường tơ lụa (hiện do Nhật quản lý). Ở Biển Đông, Trung Quốc có những hành xử khiêu khích, áp chế Philippines, Việt Nam và một số nước khác.

Trong những tháng trước đại dịch, Trung Quốc đã gia tăng quân sự và thực hiện chính sách bắt nạt các quốc gia dọc theo Con đường tơ lụa.

Trung Quốc cũng đã bắt đầu quân sự hóa vùng lãnh thổ tranh chấp ở vùng núi Himalaya mà Ấn Độ tuyên bố chủ quyền. Họ coi Pakistan là “đối tác chiến lược. Bắc Kinh tăng cường hiện diện quân sự ở Gwadar, một thành phố cảng trên Biển Ả Rập và tuyên bố căn cứ này chỉ nhằm mục đích đảm bảo an ninh cho công nhân của họ.

Trung Quốc đã xây dựng một căn cứ quân sự ở nước Cộng hòa Djibouti thuộc khu vực Sừng châu Phi – đây là nơi Bắc Kinh phô trương quyền lực tại Trung Phi, Trung Đông và Ấn Độ dương. Mỹ cũng có một căn cứ quy mô nhỏ ở Djibouti, nơi quân đội Mỹ tổ chức các cuộc tấn công chống khủng bố.

Trung Quốc cũng đang liên kết với Iran trong việc cung cấp vũ khí và tham gia trao đổi thương mại. Tại Hy Lạp, Trung Quốc đã mua cảng Piraeus trên biển Địa Trung Hải với mục đích để cứu một quốc gia đang chìm trong nợ nần.

Tác động của đại dịch mới bắt đầu ngấm. Trung Quốc đang phải đối mặt với thách thức khi hầu hết lao động của nước này ở nước ngoài đã quay về nước khi đại dịch nổ ra. Tất cả đều đang bị mắc kẹt lại trong nước, không thể hoặc không muốn quay nơi làm việc. Nhiều quốc gia, đặc biệt là các nước ở Trung Đông, đã cấm du lịch.

Sự tàn phá do hậu quả việc đóng cửa kinh tế và phong tỏa khiến các quốc gia tham gia Sáng kiến Vành đai và Con đường không có nguồn thu để trả nợ các khoản vay của Trung Quốc.

Việc kiểm soát, giám sát các dự án, mặc dù do chính nhân sự người Trung Quốc đảm nhận cũng không thể được thực hiện một cách hiệu quả trong đại dịch. Các dự án ở Bangladesh, Malaysia, Myanmar, Pakistan, Sierra Leone… bị hủy bỏ hoặc thu hẹp quy mô.

Không ai đoán được là thời gian tạm lắng này của Sáng kiến Vành đai và Con đường sẽ kéo dài bao lâu.

Nhiều nhà quan sát tin rằng Sáng kiến Vành đai và Con đường với mô hình hiện nay sẽ không mang tính bền vững. Trung Quốc có vẻ đồng ý với nhận định này. Một số thay đổi đã được thực hiện để điều chỉnh các hoạt động “phi tự do”. Không ai biết liệu những thay đổi này sẽ mang lại hiệu quả hay không, thậm chí còn chẳng biết đó là những thay đổi gì. Chính vì vậy, chiến lược này, với chính bản thân Trung Quốc, cũng chỉ là “trò chơi may rủi”.

Trung Quốc đã đưa ra một chiến lược quan hệ công chúng toàn cầu để biện hộ cho nguồn gốc của đại dịch, để thuyết phục các nước đang phát triển rằng Mỹ không còn là đối tác tốt, và để bóng gió rằng Trung Quốc đã kiểm soát được tình hình. Chúng ta sẽ chờ xem thực hư thế nào.

Một cách tiếp cận khác là lôi kéo Trung Quốc tham gia “trật tự tự do toàn cầu”. Để làm được như vậy, các thông lệ tài chính của Trung Quốc sẽ phải tuân thủ các tiêu chuẩn của Quỹ tiền tệ quốc tế. Đây là một việc vô cùng khó khăn. Làm được như vậy thì các nước đang phát triển sẽ không bị “cướp trắng” bởi các bẫy nợ mà Trung Quốc đã giăng ra.

Thật khó để thấy Trung Quốc sẽ hết lòng theo đuổi việc này. Rốt cuộc, các nhà phê bình cáo buộc Trung Quốc vi phạm trật tự tự do ngay từ khi nước này bắt đầu gia nhập Tổ chức Thương mại Thế giới (WTO) năm 2001. Nhưng dường như đang có một mối lo ngại ngày càng lan rộng trong cộng đồng toàn cầu rằng cần phải có người cầm cương Trung Quốc. Mặc dù trong các giao dịch trước đây, EU, LHQ, WTO và các quốc gia khác đã thiếu ý chí ứng phó với Trung Quốc.

Trớ trêu thay, Ngân hàng Đầu tư cơ sở hạ tầng châu Á (AIIB) lại tuân thủ hầu hết các tiêu chuẩn quốc tế, mặc dù Quốc hội Mỹ cho rằng: Không chắc chắn Trung Quốc sẽ làm thế nào để dung hòa ngân hàng này với các chính sách an ninh và thương mại của nước này. Và hiện giờ thì Bắc Kinh đang cố gắng tách Ngân hàng Đầu tư cơ sở hạ tầng châu Á khỏi Sáng kiến Vành đai và Con đường.

Một lựa chọn thứ ba, theo Diễn đàn kinh tế thế giới, sẽ liên quan đến khu vực tư nhân và các công ty nước ngoài trong Sáng kiến Vành đai và Con đường. Trung Quốc đã kiểm soát hoạt động của họ tại Đại lục. Có lẽ Trung Quốc cũng sẽ làm như vậy trong Sáng kiến Vành đai và Con đường? Đã có Huawei và Alibaba là những tấm gương. Việc này có thể trở nên khó khăn hơn cho Bắc Kinh khi nhiều quốc gia, chẳng hạn như Nhật Bản và Mỹ đang giúp các công ty của họ rời khỏi Trung Quốc. Mỹ cũng đang ngăn chặn sự mở rộng của Huawei. Do hậu quả của đại dịch, các quốc gia đang ngày càng trở nên mệt mỏi với những nỗ lực của Trung Quốc nhằm thao túng họ và biến họ thành con tin khi chuỗi cung ứng xảy ra vấn đề.

Tổng thống Mỹ Donald Trump không ủng hộ WTO bởi ông tin rằng tổ chức này chỉ mang đến cho nước Mỹ bất lợi, đặc biệt chỉ làm lợi cho Trung Quốc. Chẳng có lẽ chúng ta lại phải chờ ông Trump và ông Tập bắt tay đưa ra một giải pháp gì đó?!

Tổng thống Trump, cũng như người tiền nhiệm là ông Obama, đều công nhận tầm quan trọng của khu vực Ấn Độ – Thái Bình Dương. Cả hai đã cố gắng để xoay trục về khu vực này. Ông Trump có kế hoạch, bao gồm Chiến lược An ninh Quốc gia và Chiến lược Quốc phòng, để hỗ trợ khu vực này và ngăn chặn Trung Quốc. Mỹ coi Trung Quốc là mối đe dọa chính với an ninh quốc gia. Tuy nhiên những định hướng này rất chung chung chứ không đưa ra một kế hoạch cụ thể gì.

Năm 2019, Tổng thống Trump thiết lập Chiến lược “Bộ Tứ”để củng cố liên minh giữa Mỹ, Úc, Ấn Độ và Nhật Bản. Cách tiếp cận mới này chứng tỏ quyết tấm ngăn chặn tham vọng của Trung Quốc. Ngoài ra, Chiến lược “Khu vực Ấn Độ-Thái Bình Dương cởi mở và Tự do” cũng cố gắng hợp nhất toàn bộ khu vực. Nhưng chiến lược này đã không được triển khai đầy đủ.

Ông Trump cũng thiết lập Tập đoàn Tài chính Phát triển Quốc tế, gộp một số chức năng từ Tập đoàn Đầu tư Tư nhân ở nước ngoài và Cơ quan Phát triển Quốc tế Mỹ. Ngân sách cho chương trình này là 60 tỷ đô la, thấp hơn nhiều so với dự án Vành đai và Con đường của Trung Quốc.

Tuy nhiên, ông Trump cũng đang phải đối mặt với nhiều thách thức lớn. Nước Mỹ đang hứng chịu hậu quả của đại dịch và đóng cửa kinh tế, và hiện giờ là những cuộc bạo loạn nổ ra khắp các thành phố. Đồng thời, trong suốt ba năm qua ông đã phải phải liên tục chống chọi với những nỗ lực không có hồi kết, không có căn cứ và vô cùng mạnh tay của phe Dân chủ nhằm cản trở hoạt động quản trị và ngăn chặn ông tái đắc cử nhiệm kỳ mới.

Đảng Dân chủ chưa bao giờ ủng hộ ông Trump trong việc đối đầu với Trung Quốc cả về quân sự cũng như thương mại. Phe này cũng không ủng hộ ông tái thiết nền quân sự vốn đã bị ông Obama làm cho suy yếu. Phe đối lập đang chặn hầu hết các sáng kiến của Tổng thống tại Quốc hội hoặc tại tòa án.

Ông Trump đã rút khỏi các tổ chức đa phương và quốc tế bởi ông tin rằng các tổ chức này hoạt động với những thiên kiến và không hiệu quả. Ông ủng hộ các mối quan hệ song phương. Còn Trung Quốc thì đang lấp đầy những khoảng trống nước Mỹ để lại với mục tiêu làm giảm sức mạnh của Mỹ.

Ông Trump đã khiến Trung Quốc phải trả giá cho mối quan hệ thương mại của họ và đã đẩy lùi sự áp chế của Trung Quốc ở Biển Đông và Thái Bình Dương thông qua các cuộc biểu dương lực lượng “tự do hàng hải”. Đáng buồn là ông Trump đã không thể làm được tất cả những việc ông muốn làm.

Cuộc bầu cử tháng 11 sẽ mang tính quyết định. Nếu ông Trump thắng, chắc chắn ông sẽ tiếp tục đẩy lùi ảnh hưởng của Trung Quốc.

Nếu ông Joe Biden của đảng Dân chủ thắng, cánh cửa sẽ rộng mở cho Trung Quốc. Ông Biden có kế hoạch áp dụng chính sách ngoại giao mềm của ông Obama với mục đích thuyết phục Trung Quốc hành xử tốt hơn trên trường quốc tế.

Nhưng Trung Quốc cũng đang ở vị thế dễ bị tổn thương. Nợ quốc gia đang ở mức cao. Nền kinh tế đang oằn mình trong đại dịch. Sáng kiến Vành đai và Con đường khiến Trung Quốc ngày càng phải gắng sức nhiều hơn. Nếu tất cả các yếu tố này tiếp tục diễn tiến theo chiều hướng xấu và nước Mỹ bằng cách nào đó phục hồi, Trung Quốc có thể gặp rắc rối.

Tiến sỹ Terry F. Buss

Bài mới
Đọc nhiều