+
Aa
-
like
comment

Trung Quốc bị cáo buộc lập “đồn cảnh sát mật” ở nhiều nước

Bảo Trâm - 18/05/2023 14:19

Nhiều nước phương Tây cáo buộc Trung Quốc lập và vận hành các “đồn cảnh sát mật” trên lãnh thổ mình, Bắc Kinh phản ứng gay gắt rằng các nước vu khống.

Tòa nhà sáu tầng (chính giữa) được cho là “đồn cảnh sát mật” của Trung Quốc tại khu phố Tàu ở quận Manhattan, TP New York (Mỹ). Ảnh: AP

Một diễn biến thu hút chú ý thời gian gần đây là tình trạng căng thẳng giữa hàng loạt nước phương Tây với Trung Quốc (TQ) quanh cáo buộc “đồn cảnh sát mật”. Cụ thể, Hà Lan, Đức, Mỹ, Canada lần lượt cảnh báo về sự hiện diện của “đồn cảnh sát mật” TQ trên lãnh thổ mình, tuyên bố điều tra và ngăn chặn hoạt động những địa điểm này.

Cáo buộc xuất hiện từ cuối năm ngoái với việc Hà Lan hồi tháng 11-2022 thông báo sẽ điều tra về hai “đồn cảnh sát mật” của TQ hoạt động trái phép ở thủ đô Amsterdam và TP Rotterdam. Thời điểm đó, Đức cũng kêu gọi Bắc Kinh đóng cửa “đồn cảnh sát mật” TQ ở nước này. Mới đây, ngày 15-5, Đức cho biết có thể có hai “đồn cảnh sát mật” của TQ vẫn đang hoạt động ở nước này, theo hãng tin Reuters.

Canada cũng nhiều lần điều tra hoạt động của những địa điểm mà nước này nghi ngờ là các “đồn cảnh sát mật” của TQ. Tháng 3, cảnh sát Canada điều tra hai trung tâm nghi là “đồn cảnh sát mật” của TQ ở TP Montreal. Ngày 14-5, Bộ trưởng Bộ An ninh cộng đồng Canada Marco Mendicino tiếp tục cảnh báo có thể còn nhiều “đồn cảnh sát mật” TQ đang hoạt động ở nước này và cảnh sát Canada đã, đang và sẽ hành động quyết liệt để ngăn chặn hoạt động của những địa điểm này, Reuters đưa tin.

Đáng chú ý, ngày 17-4, Mỹ bắt hai người Mỹ gốc Hoa với cáo buộc điều hành một “đồn cảnh sát mật” TQ ở quận Manhattan, TP New York. Hai đối tượng nam giới được cho âm mưu hoạt động với tư cách là đặc vụ cho chính phủ TQ mà không thông báo cho chính quyền Mỹ và cản trở công lý.

Phía công tố liên bang cho biết địa điểm này được sử dụng để cung cấp các dịch vụ như hỗ trợ công dân TQ gia hạn giấy phép lái xe – hoạt động lẽ ra phải được báo cáo cho chính quyền Mỹ, ngoài ra các cơ sở này cũng được dùng cho các hoạt động mờ ám.

Hai đối tượng thừa nhận với Cục Điều tra Liên bang Mỹ (FBI) rằng họ đã xóa tin nhắn và liên lạc của mình với một quan chức thuộc Bộ Công an TQ. Cả hai người đã trình diện tại tòa án liên bang Brooklyn vào ngày 17-4 và tạm thời được tại ngoại nhưng không được lảng vảng trong bán kính 0,8 km quanh lãnh sự quán TQ ở Mỹ hoặc liên lạc với những kẻ đồng mưu.

Trang Asia Times dẫn báo cáo vào năm 2022 của nhóm phi chính phủ Safeguard Defenders có trụ sở tại Tây Ban Nha rằng hiện TQ có 102 “đồn cảnh sát mật” tại 53 quốc gia khắp các châu lục. Các “đồn cảnh sát mật này” do cảnh sát ba tỉnh Giang Tô, Chiết Giang, Phúc Kiến điều hành và thuộc Bộ Công an TQ quản lý. Theo báo cáo, cảnh sát TQ sử dụng các “đồn cảnh sát mật” này để theo dõi những người bất đồng chính kiến với Bắc Kinh; thuyết phục, đe dọa những đối tượng này và nghi phạm hình sự nhằm buộc họ quay về TQ.

Reuters dẫn nhận định của Bộ Nội vụ Đức rằng những “đồn cảnh sát mật” này không phải là văn phòng cố định mà sẽ di dời linh hoạt. Tại những nơi này, những người TQ (cả mang quốc tịch TQ lẫn không mang quốc tịch TQ) làm nhiệm vụ chính thức thay mặt chính quyền Bắc Kinh.

Với các cáo buộc từ các nước phương Tây, TQ trước sau bác bỏ và khẳng định mình không có cái gọi là “đồn cảnh sát mật” ở nước ngoài. Theo phía TQ, các tổ chức có liên quan mà phương Tây nhắc đến hoạt động với mục đích giúp đỡ người dân TQ không về nước được do đại dịch COVID-19 đổi giấy phép lái xe hay khám sức khỏe. Những người vận hành các địa điểm mà các nước phương Tây cho là “đồn cảnh sát mật” thực chất là người gốc Hoa ở nước sở tại tình nguyện giúp đỡ người cùng quê hương chứ không phải là cảnh sát TQ. Như vậy, các địa điểm này hoàn toàn không thể gọi là đồn cảnh sát hay trung tâm dịch vụ cảnh sát, phía TQ khẳng định.

Với cáo buộc từ các nước rằng TQ điều hành các “đồn cảnh sát mật”, TQ đã phản ứng rằng các nước thổi phồng sự việc, vu khống, bôi nhọ uy tín, thao túng chính trị và đang cố tình tấn công TQ.

Chẳng hạn, với các cáo buộc từ Mỹ, dù không phủ nhận sự tồn tại của văn phòng ở quận Manhattan (TP New York) nơi hai người gốc Hoa bị bắt nhưng Bộ Ngoại giao TQ khẳng định đây chỉ là một “trung tâm dịch vụ” và các quan chức Mỹ đã lạm dụng nó để cáo buộc TQ có hành vi sai trái.

TQ trước sau khẳng định tuân thủ nguyên tắc không can thiệp vào công việc nội bộ của các quốc gia khác và “hy vọng các bên liên quan sẽ không thổi phồng hoặc kịch tính hóa việc này”.

Bảo Trâm

Bài mới
Đọc nhiều