Trung Quốc, Ấn Độ đưa tiêm kích hiện đại tới gần biên giới tranh chấp
Hai chiếc tiêm kích tàng hình J-20 được nhìn thấy xuất hiện tại căn cứ Hotan ở khu tự trị Tân Cương của Trung Quốc, trong khi Ấn Độ triển khai 5 chiếc Rafale tới khu vực Ladakh.
Báo South China Morning Post (SCMP) ngày 19-8 đưa tin Trung Quốc và Ấn Độ đã đưa các tiêm kích tiên tiến nhất của họ tới các căn cứ không quân nằm gần khu vực biên giới tranh chấp giữa hai nước ở dãy Himalaya.
Trước đó, tạp chí Forbes đầu tuần này dẫn các hình ảnh vệ tinh cho biết 2 tiêm kích J-20 (tiêm kích tàng hình thế hệ thứ 5 của Trung Quốc) đã xuất hiện tại căn cứ không quân Hotan ở khu vực Tân Cương, phía tây Trung Quốc.
Căn cứ này là căn cứ không quân của Trung Quốc nằm gần nhất với khu vực Aksai Chin đang tranh chấp với Ấn Độ.
Căng thẳng vẫn chưa nguội đi ở khu vực này kể từ tháng 6, khi các binh sĩ Trung Quốc và Ấn Độ có cuộc đụng độ tồi tệ nhất trong nhiều thập niên ở thung lũng Galwan nằm giữa Aksai Chin và vùng Ladakh.
Trong khi đó, nhật báo Hindustan Times tuần trước cho biết Ấn Độ đã triển khai 5 tiêm kích Rafale mới tới vùng Ladakh. Tờ báo nói rằng các tiêm kích Rafale đang thực hiện các chuyến bay trong đêm ở khu vực đồi núi Himachal Pradesh.
Theo SCMP, các chuyên gia quân sự cho rằng trong bối cảnh cả hai quốc gia láng giềng này đang nỗ lực giành lợi thế trên “nóc nhà của thế giới”, Trung Quốc chiếm ưu thế nếu xét về tiêm kích khi đem ra so sánh giữa J-20 và Rafale.
Nhà bình luận quân sự Tống Trung Bình tại Hong Kong lưu ý tiêm kích tàng hình J-20 có thể cũng được triển khai để phối hợp với các máy bay khác của quân đội Trung Quốc. J-20 có thể bay ở độ cao hơn 20.000m – một yếu tố quan trọng để hoạt động ở dãy Himalaya.
Trước sự xuất hiện của J-20 tại địa điểm gần biên giới với Ấn Độ khoảng 320km, tờ Hoàn Cầu Thời Báo của Trung Quốc tuần này đã có bài viết nói rằng “truyền thông không nên diễn giải quá mức sự xuất hiện của J-20 gần biên giới Trung – Ấn”.
Đến nay, quân đội Trung Quốc vẫn chưa chính thức công bố thông tin triển khai J-20 tại căn cứ không quân Hotan. Tuy nhiên, Hoàn Cầu Thời Báo dẫn lời chuyên gia quân sự nói rằng việc triển khai “có thể là một phần trong chương trình huấn luyện thích nghi với môi trường và các chuyến bay khoảng cách xa thường kỳ của máy bay này”.
Trong khi đó, tạp chí Forbes bình luận: “Việc triển khai J-20, dù có tạm thời đi nữa, cũng bắn tín hiệu về quyết tâm của Bắc Kinh trong bối cảnh Trung Quốc tranh giành ảnh hưởng với Ấn Độ đối với khu vực tranh chấp ở dãy Himalaya.
Tuy nhiên, một cặp J-20 dù có tinh vi ra sao cũng không đại diện nhiều cho năng lực thực chiến”.
Căng thẳng leo thang tại khu vực biên giới Trung – Ấn kể từ tháng 6, khi binh sĩ 2 nước ẩu đả trong vụ đụng độ đẫm máu nhất trong nhiều thập niên tại thung lũng Galwan nằm giữa Aksai Chin và Ladakh. Ấn Độ ghi nhận 20 quân nhân tử vong, trong khi Trung Quốc thừa nhận nước này cũng có thương vong nhưng chưa công bố con số chính xác.
Giới chuyên gia quân sự đánh giá máy bay chiến đấu của Trung Quốc mạnh hơn Ấn Độ. J-20 của Trung Quốc chiếm ưu thế nhờ khả năng tàng hình, giúp máy bay này không bị radar phát hiện và có thể đạt được tốc độ siêu thanh. Trong khi đó, máy bay đa nhiệm Rafale nhỏ hơn và nhẹ hơn so với J-20.
Không quân Ấn Độ đã đặt hàng 36 máy bay chiến đấu Rafale theo thỏa thuận trị giá 9,4 tỷ USD ký với Pháp vào năm 2016. Lô hàng dự kiến sẽ hoàn tất trước năm 2021. Trong khi đó, không quân Trung Quốc không tiết lộ nước này có bao nhiêu máy bay chiến đấu J-20, tuy nhiên con số được dự đoán ít nhất 50 chiếc.
Hoài Nam (t.h)