Ấn Độ vừa khánh thành một sân bay lớn có khả năng tiếp nhận cả vận tải cơ khổng lồ C-17 tại bang Arunachal Pradesh. Đây là khu vực còn tranh chấp căng thẳng với Trung Quốc.
Sân bay Vijaynagar nằm ở huyện Changlang của bang Arunachal Pradesh. Đường băng tân trang lại đã được Tư lệnh Không quân miền Đông R.D. Mathur khánh thành vào sáng 18/9. Với khả năng tiếp nhận siêu vận tải cơ cỡ lớn như C-17, Không quân Ấn Độ sẽ dễ dàng hơn trong việc chuyển quân, khí tài trong trường hợp xung đột với Trung Quốc nổ ra. Không quân Ấn Độ đã khánh thành 7 sân bay tiên tiến kéo dài hàng thập kỷ gần biên giới với Trung Quốc và tất cả chúng đều có khả năng đón các máy bay vận tải cỡ lớn như C-130J và máy bay chiến đấu như Su-30MKI và đương nhiên là cả vận tải cơ siêu trọng C-17. C-17 Globemaster III là máy bay vận tải cỡ lớn do Mỹ nghiên cứu và sản xuất. Hiện đại, hoạt động ổn định, khả năng mang tải trọng lớn khiến cho chiếc máy bay này ngày càng có vị trí quan trọng trong không quân chiến lược Ấn Độ. Boeing C-17 có thể chuyên chở máy bay chiến đấu, trực thăng, xe tăng, một số lượng lớn binh lính và hàng hóa tới những điểm nóng xa xôi trên thế giới. Được biết, C-17 Globemaster III được hãng McDonnell Douglas phát triển cuối thập niên 1980 nhằm mục đích vận chuyển chiến lược và chiến thuật. Những chiếc máy bay vận tải này cho phép đưa trang thiết bị vũ khí và binh sĩ Mỹ đến mọi địa điểm trên thế giới, cũng như sơ tán thương binh và thả lính dù. Biệt danh Globemaster III được đặt dựa theo hai mẫu máy bay vận tải hạng nặng trước đó của McDonnell Douglas gồm C-74 Globemaster và C-124 Globemaster II. Mỗi chiếc C-17 có chiều dài 53 m, sải cánh 52 m và cao 17 m, trang bị 4 động cơ turbine phản lực F117-PW-100 cho phép nó đạt tốc độ hành trình 830 km/h, tầm bay tới 10.000 km khi chở lính dù. Khả năng tự động hóa cao khiến tổ lái C-17 chỉ có ba người, gồm hai phi công và một nhân viên bốc dỡ hàng hóa. Cửa khoang máy bay, thiết kế bậc tải hàng và hệ thống neo bên trong cho phép hàng hóa được tháo dỡ nhanh chóng mà không cần các thiết bị chuyên dụng. Khoang hàng của C-17 rộng 5,5 m, cao 4,6 m, cho phép nó mang trọng tải tối đa 77 tấn. Mỗi chiếc C-17 có thể chở số lượng lên tới 102 lính dù được trang bị đầy đủ hoặc 3 xe thiết giáp chở quân hoặc một xe tăng chiến đấu chủ lực. Ngoài ra C-17 cũng có thể vận chuyển 4 trực thăng vận tải UH-60 Black Hawk hoặc 2 trực thăng tấn công AH-64 Apache. Điểm nổi bật của C-17 Globemaster III là khả năng hoạt động trên nhiều loại đường băng khác nhau, kể cả nền đất không được phủ bê tông. Hệ thống đảo chiều lực đẩy của C-17 tận dụng luồng xả động cơ tốt hơn các máy bay thông thường, giúp thổi dị vật ra xa cửa hút khí động cơ, đồng thời cho phép chiếc C-17 Globemaster III chạy lùi mà không cần xe hỗ trợ, tăng khả năng vận hành ở đường băng dã chiến hoặc địa điểm không có hỗ trợ hậu cần ở nước ngoài. Dù mang tải trọng hàng hóa lên đến 72 tấn nhưng chúng lại chỉ cần đường băng dài 914 m. Đây là điều mà ít loại máy bay nào làm được. Để tự vệ, C-17 được trang bị tổ hợp cảm biến nhiệt AN/AAR-47 gắn quanh thân máy bay, giúp tổ lái phát hiện dấu hiệu nhiệt từ luồng xả của tên lửa. Để giảm tỷ lệ báo động giả, AN/AAR-47 có thể được thiết lập để theo dõi tín hiệu riêng biệt của từng loại tên lửa. Nếu phát hiện quả đạn đang tiếp cận, nó sẽ phát cảnh báo để tổ lái thực hiện động tác cơ động, đồng thời tự động kích hoạt hệ thống phóng mồi bẫy AN/ALE-47. Tổ hợp AN/ALE-47 có thể bắn ra nhiều loại mồi bẫy khác nhau để đánh lừa tên lửa dùng đầu dò nhiệt hoặc radar. Tổ lái cũng có thể chọn ba chế độ phóng mồi bẫy gồm tự động, bán tự động hoặc thủ công. Sau gần 30 năm hoạt động, C-17 Globemaster III luôn được đánh giá là xương sống của ngành vận tải quân sự Mỹ cũng như đóng vai trò “ngựa thồ” phục vụ các chuyến công du nước ngoài của lãnh đạo nước này. Hiện Không quân Ấn Độ đang duy trì hoạt động của 10 chiếc vận tải cơ C-17, họ cũng đang tiếp tục có kế hoạch đặt thêm để bổ sung vào lực lượng không vận chiến lược. Việt Hùng/An ninh Thủ đô