+
Aa
-
like
comment

Trung – Ấn liên tục phô diễn sức mạnh gần biên giới sau vụ đụng độ chết người

28/06/2020 08:27

Cả Trung Quốc và Ấn Độ đều được cho là đang cố gắng chứng minh năng lực sẵn sàng chiến đấu của quân đội hai nước này tại khu vực biên giới.

Trung-Ấn liên tục phô diễn sức mạnh gần biên giới sau vụ đụng độ chết người: Liệu có đáng lo ngại?
Trung-Ấn liên tục phô diễn sức mạnh gần biên giới sau vụ đụng độ chết người

Sau vụ đụng độ chết người ở biên giới khiến ít nhất 20 binh sĩ Ấn Độ thiệt mạng hôm 15/6 vừa qua, Trung Quốc và Ấn Độ đều đã có động thái tăng cường hiện diện quân sự và phô trương sức mạnh gần khu vực tranh chấp, theo báo Bưu điện Hoa Nam Buổi sáng (SCMP – Hồng Kông).

Hôm thứ 5 (25/6) vừa qua, hãng thông tấn Reuters đã đăng tải những hình ảnh vệ tinh do công ty công nghệ vũ trụ Maxar ghi nhận tại khu vực biên giới Trung-Ấn. Những hình ảnh này cho thấy Trung Quốc vẫn tiếp tục xây dựng những công trình mới như boongke, lều trại và các kho chứa khí tài quân sự gần khu vực xảy ra tranh chấp biên giới với Ấn Độ.

Bên cạnh đó, lực lượng Giải phóng Quân Nhân dân Trung Quốc (PLA) cũng tăng cường tổ chức các cuộc tập trận bắn đạn thật cho bộ đội biên phòng – đã có ít nhất 3 cuộc tập trận bắn đạn thật được PLA tổ chức tại Tây Tạng trong vòng 2 tuần qua, theo truyền thông Trung Quốc.

Chỉ tính riêng trong tuần này, kênh truyền hình của PLA đã đưa tin về 2 cuộc tập trận ngày 22/6 và 24/6, trong đó các binh sĩ Trung Quốc đã tiến hành kiểm tra năng lực hậu cần, kỹ thuật và khả năng chiến đấu của các loại xe tăng chiến đấu, bệ phóng tên lửa và phương tiện sửa chữa.

Cuộc tập trận ngày 22/6 đã có sự xuất hiện của xe tăng hạng nhẹ Type 15, cùng các tổ hợp pháo tự hành PLZ-07, và Type 81 122mm.

Ông Liu Jian, một sĩ quan chỉ huy tham gia cuộc tập trận hôm 22/6, cho biết mục đích của cuộc diễn tập khai hỏa này là để kiểm tra năng lực đánh trúng mục tiêu ở cách xa 1.800m của xe tăng Type 15 – trong vòng 8 giây, khi xe tăng đang di chuyển liên tục.

Một cuộc tập trận bắn đạn thật khác có sự tham gia của binh sĩ PLA, trực thăng và máy bay không người lái đã được tổ chức ở phía Nam dãy Nyenchen Tanglha – Nam Tây Tạng trong tuần trước.

Trung-Ấn liên tục phô diễn sức mạnh gần biên giới sau vụ đụng độ chết người: Liệu có đáng lo ngại? - Ảnh 2.

Liệu đây có phải là tín hiệu đáng lo ngại?

SCMP cho biết, trong khi quân đội Trung Quốc lựa chọn địa điểm cách xa khu vực tranh chấp, thì quân đội Ấn Độ được cho là đang tăng cường hoạt động tại địa điểm khá gần khu vực xung đột.

Ngoài việc điều động xe tăng chiến đấu T-90 Bhishma đến gần thung lũng Galwan – nơi xảy ra vụ đụng độ chết người hôm 15/6, các chiến đấu cơ của Ấn Độ cũng liên tục tuần tra phía trên khu vực này.

Ông Malcolm Davis, một chuyên gia phân tích về an ninh Trung Quốc tại Viện Chính sách Chiến lược Australia, cho biết cả hai nước Trung-Ấn đều đang phô trương sức mạnh nhằm chứng minh năng lực quân sự của mình.

Theo chuyên gia này, các hoạt động của PLA tuy diễn ra cách xa vùng biên giới với Ấn Độ, nhưng năng lực quân sự vẫn cho phép nước này phản ứng nhanh chóng từ các căn cứ quân sự ở Tây Tạng nếu có bất kỳ đòn tấn công nào từ phía đối phương.

Mặc dù vậy, ông Davis vẫn tin rằng một cuộc chiến tranh toàn diện giữa hai nước Trung-Ấn khó có thể nổ ra, dù cả hai bên đều đang nỗ lực tăng cường sức mạnh quân sự.

“Tôi tin rằng hai nước đều muốn tìm cách ngăn căng thẳng leo thang quá nhanh, do đó bất cứ chiến dịch quân sự nào cũng sẽ diễn ra hạn chế về quy mô và cường độ. Cả hai nước đều sở hữu vũ khí hạt nhân, và yếu tố này cũng phần nào hạn chế khả năng xảy ra chiến tranh toàn diện”, ông David nhận định.

Trong khi đó, ông Ben Ho, một nhà nghiên cứu quân sự Singapore, cho rằng nếu New Delhi quyết định dùng đến lựa chọn quân sự, thì nước này cũng sẽ giới hạn chiến dịch ở quy mô nhỏ để không khiến xung đột leo thang quá mức. Phía Bắc Kinh cũng sẽ đáp trả tương xứng, chuyên gia người Singapore nhận định.

“Mối quan tâm chiến lược của Bắc Kinh vẫn là cạnh tranh với Mỹ ở Tây Thái Bình Dương về lâu dài, do đó Trung Quốc sẽ cố gắng hạn chế việc phân tán sự tập trung và nguồn lực sang các khu vực khác”, ông Ben Ho nói.

Ông Zhou Chenming, một chuyên gia quân sự tại Bắc Kinh, cũng nhấn mạnh rằng Trung Quốc sở hữu nhiều loại khí tài có thể triển khai chiến đấu và điều kiện hậu cần tốt hơn Ấn Độ, nhưng Bắc Kinh sẽ không muốn tình hình vượt khỏi tầm kiểm soát.

“Nếu các cuộc đối đầu tiếp tục leo thang, thì tình hình có thể vượt khỏi tầm kiểm soát, và cả Trung Quốc lẫn Ấn Độ đều không được hưởng lợi từ tình thế hỗn loạn tồi tệ ấy”, chuyên gia này kết luận.

PV/TQ

Bài mới
Đọc nhiều