+
Aa
-
like
comment

Trung – Ấn “khịa” nhau, tư tưởng bài Tàu, yêu nước cực đoan

Tifosi - 25/06/2020 14:46

Cách đây ít ngày, khoảng 20 quân nhân Ấn Độ đã thiệt mạng trong một vụ ẩu đả tại vùng biên giới tranh chấp với Trung Quốc. Vụ việc này đã kích hoạt một làn sóng đấu tranh bài Trung Quốc tại quốc gia tỷ dân này.

Trong làn sóng “bài Tàu” này, người Ấn Độ dùng nhiều biện pháp. Với giới quan chức, thì họ đe dọa sẽ tăng thuế nhập khẩu đối với các sản phẩm nhập khẩu từ Trung Quốc, mặt khác, về khía cạnh quân sự, họ nói rằng sẽ “đáp trả thích đáng”. Về phía người dân Ấn Độ, họ tiến hành tẩy chay Trung Quốc bằng cách đập phá đồ dùng có nguồn gốc Trung Quốc như TV, điện thoại, máy móc, đốt ảnh lãnh đạo Trung Quốc.

Trên một tài khoản mạng xã hội của người Việt có đăng một đoạn clip ngắn ghi lại những cảnh tẩy chay bạo lực như trên của người dân Ấn Độ. Clip ấy thu hút hơn 500 ngàn lượt xem và có rất nhiều những bình luận đồng ý với cách làm của người Ấn, không ít người mong rằng người Việt Nam học tập người Ấn Độ. Có một số cá biệt còn mong người Ấn Độ đập phá công ty Trung Quốc để làm giảm sức mạnh của Trung Quốc và người Việt sẽ làm theo để đồng thời giảm sức mạnh của Trung Quốc (?).

Có phải là yêu nước không?

Năm 2014 tại Bình Dương và 2018 tại Bình Thuận đã chứng kiến những hành động của một đám tự nhận là “yêu nước”, nhưng lại hành động theo những cách rất cực đoan.

Năm 2014, những kẻ này nhân danh “bài Tàu” trong vụ việc giàn khoan, tiến hành phản đối bằng cách đốt phá và cướp bóc các công ty đến từ Nhật Bản, Hàn Quốc, Đài Loan, Singapore và gây ra thiệt hại hàng ngàn tỷ đồng.

Rồi năm 2018, lại thêm một đám người khác tiến hành đốt phá trụ sở phòng cháy, chặn quốc lộ và thậm chí đòi chiếm doanh trại quân đội. Thiệt hại năm 2018 ít hơn, có vài trăm tỷ thôi à.

Đó là yêu nước, đó là đấu tranh bảo vệ chủ quyền lãnh thổ à? Chẳng biết Trung Quốc có thiệt hại gì không? Nhưng chính những hành động ấy đã khiến cho nỗ lực xây dựng hình ảnh quốc gia an toàn cho các hoạt động đầu tư, thân thiện với các doanh nghiệp nước ngoài, lao động cần cù chăm chỉ bỗng dưng bị vứt hết xuống sông, xuống biển.

Phía Việt Nam vừa phải tốn tiền đền bù cho các công ty nước ngoài, vừa phải trấn an tình hình trong nước. Mà số tiền dùng cho những việc đó đến từ đâu? Từ chính ngân sách nhà nước, tiền thuế của chính chúng ta chứ đâu. Đáng nhẽ ra ngân sách phải được sử dụng vào những việc chính đáng chứ không khắc phục hậu quả cho một đám người “diều hâu”, mượn danh yêu nước, đấu tranh kiểu phong trào.

Trung Quốc có thiệt hại gì hay không? Hay Trung Quốc vẫn cứ hùng mạnh còn chúng ta lại tự yếu đi. Nhìn đám người Việt tự cắn xé lẫn nhau, chắc chắn những người Trung Quốc máu chiến sẽ cười khinh bỉ vì “bất chiến tự nhiên thành”. Chính Trung Quốc mới là kẻ muốn kích động tâm lý “bài Tàu” của người Việt, nghe thì có vẻ vô lý nhưng lại rất thuyết phục.

Thực ra thì tâm lý bài Tàu là một điều dễ hiểu với người Việt. Vì lịch sử từ quá khứ đến hiện tại, mặc dù “núi liền núi, sông liền sông”, thể chế chính trị và văn hóa có nhiều nét tương đồng, nhưng Trung Quốc chưa bao giờ là một người hàng xóm “dễ chịu” nếu không muốn nói là “diều hâu”. Vậy làm sao để chống lại một gã hàng xóm vừa hùng mạnh, vừa hiếu chiến như vậy?

Trong bất cứ thời đại nào của phong kiến Việt Nam, mặc dù có những chiến thắng kiêu hùng trước Trung Quốc là thế, nhưng sau mỗi chiến thắng đó đều là những lần đưa sứ giả sang cống nạp, cầu hòa hoãn và mong yên ổn. Liệu đám người ngày nay có phỉ nhổ và mắng mỏ những tiền nhân đi trước vì những việc đó hay không?

Cụ Nguyễn Trãi chửi thẳng vua Minh là “Thằng nhãi con Tuyên Đức”, nhưng triều đình nhà Lê vẫn tiến hành hòa hoãn với nhà Minh như “chưa từng có cuộc chia ly”. Cụ Trần Quốc Tuấn cũng trích dẫn những nhân vật lịch sử của Trung Quốc trong Hịch tướng sĩ, chính cụ và vua tôi nhà Trần cũng thu nạp binh lính nhà Tống để chống giặc Mông Nguyên. Hay như cụ Lý Thường Kiệt, đưa quân “Bắc Tống”, đánh thọc vào lãnh địa Trung Quốc, sau đó đại phá Như Nguyệt. Nhưng triều đình nhà Lý vẫn chủ động cầu hòa Quách Quỳ, sau đó đưa sứ thần Kiều Văn Ứng sang hòa hoãn, nộp cống vì đã “nhỡ” tay đánh đến tận Ung Châu, thảm sát hàng vạn dân Tống và “chẳng may” làm thiệt hại gần hết đội quân xâm lược.

Sĩ quan quân đội Ấn Độ làm nghi lễ cho một binh sĩ Ấn Độ tử trận trong cuộc đụng độ với lính Trung Quốc ở vùng Ladakh, trước khi hỏa thiêu thi thể của họ.

Liệu sau này, các cụ có bị lũ trẻ hậu thể nói rằng “hèn với giặc” hay không?

Một đám người cứ hô hào tẩy chay Trung Quốc, chống Trung Quốc, nhưng không định vị được bản thân Việt Nam còn nhỏ bé, yếu ớt. Một đám người ảo tưởng về sức mạnh, chưa biết mùi thịt nát lẫn trong bom đạn, luôn hiếu chiến và nghĩ rằng cầm AK47 ở ngoài đời cũng dễ như trong PUBG hay Call of Duty không bằng.

Một đám người chưa từng đứng trước những Nghĩa trang Trường Sơn, Thành cổ Quảng Trị, chưa từng đến Sơn Mỹ, chưa từng đến Đồng Lộc, Vịnh Mốc hay Củ Chi, chỉ giỏi kêu gào trên mạng và nghĩ chiến tranh thật dễ dàng. Đi nghĩa vụ thì trốn tránh, trốn thuế thì như rạ, nằm điều hòa lên mạng chửi đổng thì hay, đi ra ngoài mua gói mì tôm cũng sợ nắng, vậy mà còn muốn chiến tranh với Trung Quốc?

Hay là muốn đặt lại lịch sử cho Tổ Quốc này về “mo”?

Bản thân là một nước nhỏ bé, lại đang phát triển, lực còn yếu thì phải nhịn, chứ không thể nói đánh là đánh, giờ nếu mà đòi đánh Trung Quốc, đến cả Mỹ hay Nga còn chưa dám nói phần thắng trước Trung Quốc nữa là. Mấy anh xăm trổ hay ba que thì nói cái gì cũng hay, chiến tranh có phải đơn giản như việc oai cóc tía trên mạng xã hội đâu?

Việt Nam là một quốc gia mà lịch sử được viết phần lớn bởi các cuộc chiến tranh. Và cũng chính vì thế, các cụ ta luôn muốn hòa bình, luôn muốn lũ con cháu sống trong yên ổn. Xác định cạnh một gã “béo khó tính”, muốn hòa bình thì phải chuẩn bị cho chiến tranh.

Nhưng chiến tranh luôn là giải pháp cuối cùng, khi mọi giải pháp khác tan vỡ và vô vọng.

Lòng yêu nước rởm đời hay “bài Tàu” cực đoan không phải là yêu nước, càng không phải là biện pháp đấu tranh chủ quyền lãnh thổ tốt nhất.

Phải biết Trung Quốc mạnh và chúng ta vẫn còn nhỏ bé, vì thế mỗi người chúng ta phải cố gắng gấp đôi gấp ba người Trung Quốc, phải nhịn nhục và tỉnh táo, biến thù hận thành hành động. Vì yêu nước là phải sống, phải cống hiến, phải trau dồi, phải lao động và làm việc, phải đoàn kết, phải biết hi sinh bản thân vì lợi ích chung của Tổ Quốc.

Sống mới khó, chết thì dễ lắm. Chết thì phải chết cho đáng, cho anh hùng, cho bất khuất chứ không phải chết như một thằng ngu và kéo nhiều người khác chết theo mình. Những kẻ hô hào “bài Tàu” chắc chắn là những kẻ cực đoan, thậm chí có những kẻ kích động và lợi dụng bài Tàu để chống phá Việt Nam, có không ít kẻ ở bên ngoài Tổ Quốc, khi có chiến tranh thì vểnh râu xem người trong nước cùng khổ, còn chúng thì ngư ông đắc lợi.

Đó chắc chắn không phải là yêu nước rồi.

Tifosi

* Bài viết thể hiện văn phong và quan điểm riêng của tác giả

Bài mới
Đọc nhiều