Trung – Ấn “chạy đua” tiếp tế cho hàng nghìn binh sĩ ở biên giới
Quân đội Ấn Độ và Trung Quốc tăng cường tiếp tế cho hàng nghìn binh sĩ ở khu vực biên giới tranh chấp khi mùa đông khắc nghiệt sắp tới.
Theo giới quan sát, quân đội Trung Quốc và Ấn Độ đang “chạy đua” chuẩn bị cho mùa đông khắc nghiệt sắp tới ở khu vực Himalaya hẻo lánh.
Trung Quốc và Ấn Độ đều đang chuyển hàng tiếp tế tới vùng Ladakh, giáp Tây Tạng – nơi cả hai nước tăng cường triển khai binh sĩ trong những tháng vừa qua kể từ khi căng thẳng leo thang hồi tháng 5.
Các chỉ huy quân sự cấp cao của Trung Quốc và Ấn Độ ngày 21/9 nhất trí rằng hai bên sẽ không điều động thêm binh sĩ tới vùng biên giới tranh chấp nhằm hạ nhiệt căng thẳng ở khu vực này.
Theo truyền thông Ấn Độ, việc đảm bảo sự sinh tồn cho các binh sĩ ở khu vực có độ cao hơn 4.500 mét, nơi ô xy khan hiếm và nhiệt độ giảm sâu từ tháng 10, là mối quan ngại chính trong các cuộc đàm phán giữa hai nước.
“Lãnh đạo cấp cao của quân đội Ấn Độ đang xem xét việc duy trì khoảng 30.000 quân ở đông Ladakh xuyên suốt mùa đông, và các biện pháp tích trữ cho mùa đông, gồm lương thực, nhiên liệu, đạn dược, đang được thực hiện với tốc độ khẩn trương”, SCMP dẫn lời Rajeswari Pillai Rajagopalan, nhà nghiên cứu tại New Delhi, cho biết.
Theo chuyên gia quân sự Zhou Chenming ở Bắc Kinh, quân đội Trung Quốc có thể có lợi thế hơn trong việc hỗ trợ hậu cần, do Trung Quốc đầu tư mạnh vào cơ sở hạ tầng tại các địa phương ở khu vực biên giới hẻo lánh theo chương trình xóa đói giảm nghèo toàn quốc trong hàng chục năm qua.
Quân đội Ấn Độ chuyển hàng tiếp tế tới biên giới tranh chấp với Trung Quốc Times of India dẫn báo cáo công bố ngày 23/9 của hãng tư vấn tình báo và an ninh Stratfor (Mỹ) cho biết, Trung Quốc bắt đầu kế hoạch phát triển hạ tầng bằng việc xây dựng ít nhất 13 cơ sở quân sự sát biên giới Ấn Độ kể từ sau vụ xung đột ở Doklam hồi năm 2017. Các cơ sở của Trung Quốc bao gồm 3 căn cứ không quân, 5 vị trí phòng không và 5 sân bay trực thăng.
Chuyên gia Zhou cho biết các binh sĩ ở biên giới sẽ phải chống chọi với điều kiện thời tiết khắc nghiệt và khu vực này không thể tiếp cận được trong suốt mùa đông.
“Nhiệt độ ở Himalaya có thể giảm xuống -40 độ C vào mùa đông và toàn bộ các tuyến đường chính kết nối với thế giới bên ngoài đều bị phong tỏa trong ít nhất nửa năm. Khi mùa đông tới, hai bên không thể chiến đấu với nhau nữa, lúc đó sinh tồn sẽ là ưu tiên hàng đầu”, ông Zhou cho biết thêm.
Theo truyền thông Trung Quốc, quân đội nước này đã xây dựng các khu vực đỗ máy bay và một số bệnh viện tại Tây Tạng để kết nối với các điểm quân sự dọc biên giới với Ấn Độ.
PLA Daily, tờ báo chính thức của quân đội Trung Quốc, cũng đưa tin không quân Trung Quốc đã cải tiến máy bay vận tải Y-9 mới thành “bệnh viện trên không” nhằm nâng cao việc hỗ trợ y tế cho các binh sĩ. Trong khi đó, các máy bay không người lái cũng được triển khai để vận chuyển lương thực tới khu vực biên giới trong một cuộc tập trận gần đây.
Theo trang tin ThePrint tại New Delhi, quân đội Ấn Độ đang vận chuyển hàng tiếp tế gồm quần áo đặc biệt dành cho mùa đông, lều bạt, lương thực và nhiên liệu nhằm hỗ trợ các binh sĩ ở biên giới chống chọi với điều kiện thời tiết khắc nghiệt trong 6 tháng tới.
Tuy nhiên theo chuyên gia quân sự Rajeev Ranjan Chaturvedy ở New Delhi, cả Ấn Độ và Trung Quốc đều chưa sẵn sàng rút quân, ngay cả khi hai bên đều nhận ra rằng việc duy trì trạng thái đối đầu trong suốt mùa đông sẽ trở thành một cuộc chiến “tiêu hao sinh lực”.
“Binh lính Ấn Độ đã đóng ở Siachin (thuộc vùng Ladakh) trong nhiều năm và quân đội Ấn Độ đã chuẩn bị sẵn sàng cho điều kiện khắc nghiệt. Nếu Trung Quốc tìm cách sử dụng vũ lực, họ sẽ bị đáp trả thích đáng. Quân đội Ấn Độ đã chuẩn bị sẵn sàng và có sự ủng hộ tuyệt đối của lãnh đạo chính trị”, chuyên gia Chaturvedy cho biết.
Thành Đạt/DT